> Bắc Kinh để mắt người nhập cư
> Vụ khủng bố ở Thiên An Môn đã có kế hoạch từ trước
Hội nghị trung ương 3 năm 1978 đánh dấu việc mở ra giai đoạn cải cách và mở cửa của kinh tế Trung Quốc. Theo các chuyên gia, khi những vết nứt cấu trúc ngày càng rõ rệt, Trung Quốc nhận thấy nhu cầu phải cải cách vì tự do hóa tài chính, đô thị hóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước, hệ thống thuế và phân phối thu nhập.
Kế hoạch cải cách 383
Trước thềm Hội nghị khai mạc ngày 9/11, báo chí Trung Quốc tập trung đưa tin về kế hoạch cải cách do Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc soạn thảo. Đề xuất mang tên “Kế hoạch cải cách 383” nhấn mạnh việc cải thiện hệ thống kinh tế thị trường, thay đổi chức năng của chính phủ trong cấu trúc doanh nghiệp.
Những cải cách này sẽ bao trùm 8 lĩnh vực, gồm hành chính, các ngành kinh tế độc quyền, đất đai, hệ thống thuế và tài chính, quản lý tài sản nhà nước, chính sách đổi mới và mở cửa. Bản kế hoạch cũng kêu gọi thúc đẩy cạnh tranh thị trường bằng việc nới lỏng hơn nữa đầu tư từ bên ngoài vào một số lĩnh vực, cải tổ hệ thống an sinh xã hội với việc lập ra một “gói an sinh xã hội cơ bản cho mọi người dân”, và thúc đẩy cải cách đất đai với việc cho phép đất đai sở hữu tập thể ở nông thôn được gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc khó có thể thay đổi nền kinh tế bằng “liệu pháp sốc”. Họ cho rằng, vẫn còn sớm để đoán chi tiết các chính sách sẽ được thảo luận tại hội nghị lần này, nhưng những thay đổi liên quan sự tiếp cận của nước ngoài vào thị trường trong nước cung cấp một số manh mối về những chủ đề có khả năng sẽ được nhấn mạnh.
Việc thí điểm thành lập Khu tự do thương mại (FTZ) Thượng Hải cho thấy quyết tâm của chính phủ sẽ cải cách theo hướng này. FTZ được coi là bước tiến quan trọng trong chính sách mở cửa, từ đó giúp Trung Quốc theo kịp xu hướng toàn cầu trong thương mại, đầu tư và dịch vụ tài chính. Hạ thấp rào cản thương mại, nới lỏng kiểm soát vốn và cải thiện các ngành công nghiệp nội địa được xem là sẽ giúp Trung Quốc nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong thập kỷ tới.
Dân quan tâm phúc lợi hơn chính trị
Một cuộc khảo sát do Thời báo Hoàn cầu vừa thực hiện cho thấy, người dân 7 thành phố lớn của Trung Quốc quan tâm nhiều nhất đến cải cách trong lĩnh vực an sinh và phúc lợi xã hội. Cuộc khảo sát qua điện thoại và internet thu thập ý kiến của 1.252 người ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Tây An, Trường Sa và Thẩm Dương cho thấy, 80% người trả lời quan tâm an sinh và phúc lợi xã hội, hơn 50% quan tâm cải cách hệ thống phân phối thu nhập và cơ chế chống tham nhũng, và 33% muốn có cải cách chính trị.
Cuộc khảo sát cho thấy những người trả lời là nam giới, nhiều tuổi hoặc có trình độ cử nhân trở lên quan tâm cải cách chính trị, còn đa số người dân chú ý những vấn đề gần gũi với cuộc sống của họ. “Mâu thuẫn xã hội lớn nhất là bất bình đẳng trong hệ thống an sinh xã hội đối với các tầng lớp xã hội khác nhau”, ông Xu Yong, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Chính trị thuộc Đại học Trung ương Trung Quốc, nói. Ông Xu nêu ví dụ khoảng cách về lương hưu giữa quan chức chính phủ và người làm trong doanh nghiệp tư nhân.
Về các trở ngại cải cách, hơn 45% người trả lời cho rằng, sự bất tuân của chính quyền địa phương đối với chính quyền trung ương là trở ngại lớn nhất, trong khi 30% nói rằng, các nhóm lợi ích mới là nhân tố kìm hãm chính. Hơn 80% người trả lời nói họ lạc quan rằng, mức sống sẽ được cải thiện trong 5 năm tới, trong khi 11% nói họ không tin điều đó.
Ba học giả tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Trường Khoa học chính trị và kinh tế London nói rằng, lãnh đạo Trung Quốc nên coi trọng cải cách kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và sinh thái, thay vì chỉ cải cách kinh tế. Theo họ, cải cách hệ thống đăng ký hộ khẩu sẽ cải thiện thị trường lao động. |
TRÚC QUỲNH
theo Global Times, Xinhua