Quan chức Vatican bị bắt vì nghi tham nhũng

Quan chức Vatican bị bắt vì nghi tham nhũng
TP - Một quan chức Vatican hôm qua bị cảnh sát Ý bắt giữ vì âm mưu vận chuyển 20 triệu euro (tương đương 553 tỷ đồng) tiền mặt từ Thụy Sĩ trên chuyến bay của Chính phủ Ý. Vị linh mục này cũng đang bị điều tra vì cáo buộc tham ô tiền từ thiện.
Trụ sở ngân hàng Vatican. Ảnh: CNS
Trụ sở ngân hàng Vatican. Ảnh: CNS.

Đức ông Nunzio Scarano (61 tuổi), người đang bị điều tra vì bị nghi ngờ tham gia hoạt động rửa tiền của ngân hàng Vatican, nay lại bị cáo buộc gian lận và tham nhũng, luật sư Silverio Sica cho biết. Đây là vụ bê bối tài chính mới nhất xảy ra ở Vatican, chỉ 2 ngày sau khi Giáo hoàng Francis lập ủy ban điều tra hàng loạt vấn đề xảy ra ở ngân hàng Vatican nhiều thập kỷ qua.

Luật sư Sica cho biết, ông Scarano là trung gian trong một sự vụ ở Thụy Sĩ. Ông Scarano được bạn bè nhờ đòi một người môi giới tên là Giovanni Carenzio trả lại 20 triệu euro mà họ đã đưa cho người này để đầu tư.

Theo luật sư, ông Scarano thuyết phục Carenzio trả lại tiền, và đặc vụ người Ý Giovanni Maria Zito đã tới Thụy Sĩ để đưa tiền về trên chuyến bay của Chính phủ, nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện số tiền đó được đưa trái phép vào Ý.

Sự vụ thất bại vì Carenzio không giữ lời hứa. Tuy nhiên, đặc vụ Zito vẫn đòi phải được trả 400.000 euro tiền hoa hồng. Ông Scarano đã trả trước cho anh ta 200.000 euro bằng séc. Nhằm che giấu nửa số tiền hoa hồng còn lại, ông Scarano đã viết báo cáo nói rằng, tờ séc 200.000 euro bị thất lạc, cho dù biết rõ rằng Zito đã cầm tờ séc này. Carenzio và Zito cũng bị bắt cùng ông Scarano.

Ông Nunzio Scarano bị bắt sau khi bị cáo buộc chuyển tiền trái phép và tham nhũng. Ảnh: AP
Ông Nunzio Scarano bị bắt sau khi bị cáo buộc chuyển tiền trái phép và tham nhũng. Ảnh: AP.

Đây không phải rắc rối duy nhất mà ông Scarano đang phải đối mặt. Các công tố viên ở thành phố miền nam Salerno đang thu thập tài liệu cáo buộc quan chức này tham gia hoạt động rửa tiền nhờ tài khoản của mình trong ngân hàng Vatican (IOR).

Chiến dịch điều tra tập trung vào các giao dịch của ông Scarano hồi còn là quan chức tại Cơ quan Quản lý di sản của Tòa Thánh. Năm 2009, ông này rút 560.000 euro khỏi tài khoản IOR rồi mang ra khỏi Vatican để thanh toán tiền mua nhà ở Salerno.

Các hồng y giáo chủ người Mỹ là những người kêu gọi cải tổ Vatican mạnh mẽ nhất. Cải tổ ngân hàng Vatican là một trong những ưu tiên được đặt ra trong các cuộc họp bầu chọn Giáo hoàng hồi đầu năm. Yêu cầu cải tổ được đặt ra trong bối cảnh nhiều tài liệu rò rỉ năm ngoái cho thấy nội bộ Tòa thánh xảy ra nhiều tranh chấp và tham nhũng trong đội ngũ quản lý.

Để gửi tiền vào một tài khoản ngân hàng ở Ý và để tránh bị phát hiện có số tiền lớn như vậy, ông Scarano đã nhờ 56 người bạn mỗi người nhận 10.000 euro tiền mặt, đổi lại họ đưa séc hoặc chuyển tiền tương đương. Từ đó, ông Scarano có số tiền đó trong tài khoản ngân hàng ở Ý. Đó là tiền trong tài khoản IOR mà nhiều người hảo tâm giàu có gửi từ thiện cho ngôi nhà dành cho những người bị bệnh nan y ở Salerno.

Luật sư Sica cho biết, ông Scarano đã cung cấp tên của các nhà hảo tâm cho công tố viên và khẳng định nguồn gốc số tiền là trong sạch, nên các giao dịch đó không thể bị coi là rửa tiền, và ông chỉ “mượn” số tiền đó để dùng tạm thời vào mục đích cá nhân. Ngôi nhà dành cho người bị bệnh nan y chưa được xây dựng, dù đã có đất. “Ông ấy tuyên bố mình hoàn toàn vô tội”, luật sư nói.

Nỗ lực gạn đục

Phát ngôn viên của Vatican Federico Lombardi hồi đầu tuần cho biết, Tòa thánh đang thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết trường hợp của ông Scarano, nhưng chưa bình luận gì về việc ông này bị bắt.

Giáo hoàng Francis từng tuyên bố sẽ không tha thứ cho hành vi tham nhũng hay việc quan chức Vatican lợi dụng chức vụ của mình mưu lợi cá nhân. Giáo hoàng nói rằng, ông muốn có một nhà thờ “nghèo” vì người nghèo và ra những vùng “ngoại vi” để phục vụ những người nghèo nhất. Giáo hoàng cũng nhấn mạnh rằng “Thánh Peter không hề có tài khoản ngân hàng”.

Hôm 26/6, Giáo hoàng Francis cử 5 người vào ủy ban điều tra các hoạt động của ngân hàng Vatican “để mang lại sự hài hòa hơn cho sứ mệnh phổ quát của Tòa Thánh” (theo văn bản thành lập ủy ban này).

Hai trong số 5 thành viên của ủy ban là người Mỹ, gồm linh mục Peter Wells làm việc tại văn phòng Quốc vụ khanh Tòa thánh, và giáo sư luật Harvard Mary Ann Glendon, cựu Đại sứ Mỹ tại Vatican và hiện là Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học xã hội.

Trúc Quỳnh
Theo AP, BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG