> Tân Ngoại trưởng Trung Quốc là cựu đại sứ tại Nhật
> Vì sao Tập Cận Bình chọn Nga là điểm đến đầu tiên?
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 18/3 cũng kịp thời cho biết “hy vọng cùng với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc xây dựng mối quan hệ chiến lược cùng có lợi, xuất phát từ đại cục”.
Nhật Bản cho rằng Vương Nghị sẽ có “trí tuệ về nhiều mặt”. Báo Tin tức kinh tế Nhật Bản thậm chí còn dự đoán với việc để cho Vương Nghị đảm nhận chức Ngoại trưởng, có thể Trung Quốc phát đi tín hiệu cải thiện quan hệ với Nhật Bản, đương nhiên, “cũng hy vọng phía Nhật Bản có những thay đổi tương ứng”.
Theo bài báo, tân Ngoại trưởng Vương Nghị - người nói tiếng Nhật lưu loát - có quan hệ giao lưu mật thiết với giới quan chức và tài chính Nhật Bản. Năm 2006, ông Vương Nghị với tư cách là Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản đã có công đóng góp cho chuyến thăm “du lịch phá băng” đến Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhiệm kỳ đầu tiên.
Có ý kiến phân tích cho rằng tới đây, việc tìm kiếm con đường khôi phục quan hệ Trung-Nhật sẽ được khởi động toàn diện, Phó Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản Masahiko Komura sẽ đi thăm Trung Quốc với tư cách là Đặc sứ của Thủ tướng Nhật Bản.
Bài báo cũng cho biết năm nay, hội đàm cấp cao Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc có hy vọng trở thành cơ hội đầu tiên để Trung Quốc và Nhật Bản thăm dò, nghe ngóng trước khi hành động.
Người phụ trách thông tin báo chí của Chính phủ Nhật Bản ngày 15/3 tiết lộ chính phủ ba nước Trung-Nhật-Hàn bắt đầu xem xét tổ chức hội đàm cấp cao vào các ngày 25-26/5 tại Seoul.
Phía Hàn Quốc đã thông báo cho Trung Quốc và Nhật Bản lịch trình đó. Nếu được phía Trung Quốc hưởng ứng thì phía Nhật Bản, theo dự tính cũng sẽ đồng ý.
Do mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản xấu đi bởi mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ nên quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có được cải thiện hay không cũng sẽ trở thành tiêu điểm trong hội đàm.
Theo dự đoán, Thủ tướng Nhật Bản Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tham gia hội đàm. Đây sẽ là lần gặp gỡ đầu tiên sau khi ba nhà lãnh đạo này bắt đầu trên cương vị mới của mình.
Hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9 tới, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra vào khoảng tháng 10 tới đều sẽ tạo cơ hội cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư vẫn chưa tìm ra được đối sách giải quyết thích hợp. Thái độ của phía Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư vẫn cứng rắn.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga vẫn một mực nhấn mạnh quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng dù ban lãnh đạo mới của Trung Quốc lên nắm quyền thì “trước mắt cũng khó trông đợi có những thay đổi lớn”.
Theo Vietnam+