Báo Hoàn Cầu: Trung Quốc nhất định cho Nhật bài học!
> Tham vọng Trung Quốc hai lần 'đứt gánh' vì Nhật Bản
> Trung Quốc ngấm 'quả đắng' cuồng vọng quyền lực
TPO- Thời báo Hoàn Cầu ngày 24-1 đăng bài xã luận 'Trung Quốc nhất định sẽ cho Nhật Bản một bài học sâu sắc'. Tờ báo tự tin nếu chiến tranh xảy ra, Nhật Bản sẽ hoàn toàn thảm bại.
Một số diễn đàn về quân sự đưa máy bay Thành Đô J-10 (Chengdu J-10, ảnh trên) của Trung Quốc và Đại bàng F-15 (F-15 Eagle) của Nhật Bản ra so sánh về sức chiến đấu. Ảnh: Linskysplace. |
Nhật buộc TQ 'nuốt chiếc răng rụng'
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, ông Natsuo Yamaguchi- đặc phái viên của đảng cầm quyền Nhật Bản đang có chuyến thăm Trung Quốc và mang theo bức thư mà thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đích thân viết gửi cho tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình.
Báo chí phương Tây gọi hành động này là “thủ tướng Nhật Bản gửi cành ô liu cho Trung Quốc”. Vấn đề được đặt ra là đây có phải cành ô liu thật hay không? Và chính phủ Trung Quốc sẽ làm gì ngay sau đây?
Tờ báo này nhận định theo giọng kẻ cả rằng có thể nhận thấy, ông Natsuo Yamaguchi đến để “bắn tin” với Trung Quốc, nhưng đằng sau vị đặc phái viên này, thủ tướng Shinzo Abe và bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba lại lần lượt bày tỏ thái độ “không thể thương lượng” xung quanh vấn đề Điếu Ngư (Senkaku), giọng điệu rất ngang nhiên, hống hách.
"Trung Quốc tiếp đãi ông Natsuo Yamaguchi theo nghi thức long trọng, nhưng vị đặc phái viên này chưa kịp “bắn tin” thì những ngôn từ đó dường như đã bị rớt giá thê thảm!" - Hoàn Cầu nhận xét.
Có thể chính phủ ông Shinzo Abe rất có thiện chí muốn xoa dịu quan hệ Trung Nhật, hay nói ngược lại, đâu phải Trung Quốc không có nguyện vọng này?
Năm 2012, quan hệ giữa chính quyềnYoshihiko Noda và Bắc Kinh xấu đi rõ rệt, chắc hẳn hai bên đều không muốn cục diện phát triển theo chiều hướng đó. Nhưng điểm cốt lõi của vấn đề là, Nhật Bản rất cứng đầu trong vấn đề Điếu Ngư (Senkaku), đồng thời muốn Trung Quốc nuốt chửng chiếc răng cửa đã bị Nhật Bản đánh rụng vào bụng, như thế hai bên sẽ bình an vô sự. Nhưng Trung Quốc không thể chiều theo ý nguyện của Nhật Bản và lùi bước trong thời khắc quan trọng này.
Tờ báo sặc mùi dân tộc chủ nghĩa này lưu ý: Năm ngoái ông Yoshihiko Noda cũng gửi thư cho Bắc Kinh, nhưng thực tế đã chứng minh được rằng, những điều ông ta nói thật vô cùng lãng nhách. Sau đó ông Yoshihiko Noda đã phát ngôn rằng “không ngờ” Trung Quốc lại phản ứng quyết liệt như vậy, sự ấu trĩ trong đầu óc chính trị của ông ta đã bị dư luận chỉ trích, mỉa mai dữ dội.
Lối tư duy của Shinzo Abe và Yoshihiko Noda không khác gì nhau, ít nhất bề ngoài đều như vậy. Ông ta nói với Nhật Bản và phương Tây rằng, tôi rất có thiện chí trong việc cải thiện mối quan hệ Trung Nhật, chỉ cần Trung Quốc nhất trí coi đảo Senkaku (Điếu Ngư) là lãnh thổ của Nhật Bản thì mọi chuyện sẽ vô cùng xán lạn!
Rất nhiều học giả Âu Mỹ cảm thấy khó lý giải khi Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra tranh chấp gay gắt xung quanh đảo Điếu Ngư (Senkaku) – một mảnh đất vô cùng bé nhỏ không có người sinh sống. Đây là hai nước lớn, kim ngạch trao đổi thương mại cực lớn, cục diện trước mắt đúng là khá khó tin. Nhưng không thể có cách nào, anh bạn láng giềng này của Trung Quốc thậm chí còn khẳng định “không thể thương lượng”.
Rồi Hoàn Cầu chuyển giọng ôn hòa, phân tích: Chiến lược của Trung Quốc ban đầu là muốn xoa dịu căng thẳng, tăng cường điều động những mặt tích cực trong quan hệ Trung Nhật. Và buộc tội: Tuy nhiên dường như Nhật Bản không hề có tinh thần thỏa hiệp, dường như họ đã quen với việc coi mình là trên hết, o ép người khác, hoặc là quen với việc bị đánh cho không ngóc đầu lên nổi. "Trong cuộc xung đột Trung Nhật, chỉ khi va phải bức tường lửa đạn, bọn họ mới chịu tự điều chỉnh." - tờ báo đanh thép cảnh cáo.
Hoàn Cầu nhìn nhận việc Nhật cử Natsuo Yamaguchi mang thư đến Trung Quốc, cành ô liu này khiến người ta nghi ngờ rằng không phải tặng cho Bắc Kinh mà chỉ là để Shinzo Abe cho phương Tây thấy rằng: Nhìn đó, chúng tôi đang chủ động xoa dịu căng thẳng, quả bóng đã được đá sang cho Trung Quốc rồi.
Chắc Trung Quốc cũng không cần đối phó với Nhật Bản bằng một lập trường nhất quán, ít nhất chúng ta nên linh hoạt trong mọi trường hợp, các hoạt động trao đổi thương mại bình thường giữa hai nước vẫn nên tiếp tục duy trì.
'Dạy cho Nhật một bài học'
Nhưng người Trung Quốc buộc phải nhìn thấu Nhật Bản, cho dù tỏ thái độ hữu hảo hay đối kháng với họ, chỉ có sức mạnh quốc gia là điểm tựa căn bản để duy trì lập trường của Trung Quốc. Đây là thông điệp mà Nhật Bản có thể nghe và hiểu rõ nhất, mọi cuộc đối thoại trên phương diện khác giữa Trung Quốc và Nhật Bản đều chỉ là phụ mà thôi.
Truyền thông Nhật đưa tin, máy bay chiến đấu Trung Quốc J-10 nhiều lần bay vào vùng trời gần quần đảo Snekaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền, khiến Nhật Bản phải điều các chiến đấu cơ F-15 đến để bảo vệ quần đảo mà Nhật kiểm soát trên thực tế. Đồ họa: Fujitv. |
Sau một hồi phân tích, Hoàn Cầu kết luận Nhật Bản buộc phải lùi bước trong lập trường về đảo Điếu Ngư (Senkaku), nếu Nhật Bản không lui một bước, Trung Quốc sẽ tiếp tục đối chọi với Nhật Bản.
Ván bài này Nhật Bản chịu cược bao nhiêu, Trung Quốc sẵn sàng đón tiếp. Mặc dù thái độ bên ngoài của chính quyền Shinzo Abe rất cứng rắn, nhưng ý chí chân thực của Nhật Bản lại thua xa Trung Quốc. Thực tế này sớm muộn sẽ khiến Nhật Bản hụt hơi, mặc dù bề ngoài tiếp tục nói mạnh, nhưng đôi chân cũng sẽ kín đáo lùi về sau.
Tờ báo đại diện cho giọng điệu hiếu chiến của phái diều hâu Trung Quốc đe dọa: Những xung đột quanh đảo Điếu Ngư (Senkaku) giúp Trung Quốc có cơ hội để tiêu hao sức mạnh, nếu đã như vậy thì nhất định Trung Quốc sẽ cho cả đất nước Nhật Bản một bài học sâu sắc.
Cuộc đấu tranh này sẽ phải tiến hành sao cho Nhật Bản không dám khiêu khích với Trung Quốc trong một thời gian rất dài trong tương lai. Nhật Bản cần biết rằng, Nhật Bản tung về phía Trung Quốc luồng lực lớn thế nào thì luồng lực đó sẽ đánh trở lại chính mặt Nhật Bản.
Hoàn Cầu cho rằng cuối cùng quan hệ Trung - Nhật sẽ dịu đi vì Trung Quốc không có hứng thú với việc gây gổ với Nhật Bản, quốc gia này sẽ ngày càng mất đi sức mạnh và không thể đối đầu thực thụ với Trung Quốc. "Nhưng cục diện đó chỉ có thể xuất hiện sau khi đối chọi, đây là kết quả tất yếu khi sức mạnh Trung Quốc đã vươn tới ngày hôm nay. Rất tiếc rằng Nhật Bản chỉ thích chơi kịch bản đó!" - Tờ báo tuyên bố.
Huy Long
Theo Thời báo Hoàn Cầu