Cô gái bị cưỡng hiếp qua đời, Ấn Độ siết an ninh
> Người dân Ấn Độ phẫn nộ về vụ nữ sinh bị hiếp tập thể
An ninh trên toàn Ấn Độ, đặc biệt tại New Delhi, được thắt chặt sau khi nạn nhân trong vụ cưỡng bức tập thể trên xe buýt cách đây hai tuần qua đời tại bệnh viện ở Singapore ngày 29-12 do nhiều chấn thương nghiêm trọng vùng não và bụng.
Thi thể cô được gia đình đem về Ấn Độ trong ngày 29-12 để mai táng.
Người dân Ấn Độ cầu nguyện cho nạn nhân bị cưỡng bức tập thể. Ảnh: Reuters. |
Khi Amanat (tên do báo chí Ấn Độ gọi nạn nhân, trong tiếng Urdu nghĩa là “báu vật”) được chuyển tới Singapore, các bác sĩ ở Bệnh viện Mount Elizabeth đã cảnh báo về tình trạng nguy kịch của cô.
Reuters dẫn lời tổng giám đốc Bệnh viện Mount Elizabeth cho biết: “Nạn nhân đã rất kiên cường vật lộn với tử thần đến tận giờ, nhưng rất tiếc cơ thể cô bị thương tổn nghiêm trọng nên không thể vượt qua”. Trước khi đến Singapore, Amanat đã trải qua ba cuộc phẫu thuật ở Ấn Độ.
Cả Ấn Độ đã than khóc cô sinh viên đại học bị cưỡng hiếp này. Trong thông điệp chia buồn, Tổng thống Pranab Mukherjee nói: “Toàn quốc sẽ thương tiếc sự ra đi của người con gái dũng cảm của Ấn Độ”. Bà Mamta Sharma, chủ tịch Ủy ban Phụ nữ quốc gia, thúc giục: “Đây là thời điểm siết chặt luật pháp để chấm dứt nạn bạo hành phụ nữ”.
Lo ngại một làn sóng biểu tình bạo lực mới, Ấn Độ đã phong tỏa các tuyến đường dẫn tới trung tâm New Delhi bằng rào sắt, mười trạm tàu điện ngầm ngưng hoạt động, người dân được cảnh báo không nên đi lại vào các khu vực cấm. Hàng ngàn cảnh sát đã được triển khai xung quanh dinh tổng thống, văn phòng thủ tướng và các cơ quan chính phủ trọng yếu từ sáng 29-12.
Thủ tướng Manmohan Singh nói ông hoàn toàn thấu hiểu những phản ứng giận dữ trong cuộc biểu tình vừa qua của “thế hệ trẻ Ấn Độ khao khát muốn thay đổi thật sự”. “Nếu chúng ta có thể chuyển hóa những cảm xúc và ngọn lửa ấy thành một hành động mang tính xây dựng thì đó mới thật sự là biểu hiện của lòng kính trọng với người đã khuất”.
Chính phủ đang xem xét lại mức hình phạt của những tội bạo hành, cưỡng hiếp, đồng thời xây dựng các biện pháp vì sự an toàn và an ninh của phụ nữ. Thống đốc bang Tây Bengal, bà Mamata Banerjee, tuyên bố thành lập 65 đồn cảnh sát với lực lượng toàn bộ là phụ nữ để “xử lý những tội chống lại phụ nữ”.
Theo Tấn Khoa
Tuổi Trẻ