Chân dung hai ứng viên Tổng thống Hàn Quốc

Ứng viên Đảng Đại dân tộc, bà Park Geun Hye (trái) và ứng viên Đảng Dân chủ thống nhất, ông Moon Rae-in
Ứng viên Đảng Đại dân tộc, bà Park Geun Hye (trái) và ứng viên Đảng Dân chủ thống nhất, ông Moon Rae-in
TPO - Hôm nay, 19-12, Hàn Quốc diễn ra cuộc đua giành chức Tổng thống quyết liệt nhất từ trước đến nay giữa hai ứng viên Đảng Đại dân tộc cầm quyền và Đảng Dân chủ thống nhất.

Ứng viên Đảng Saenuri (Đảng Đại dân tộc), bà Park Geun-Hye (2-2-1952), con gái cựu Tổng thống Park Chung Hee, là một nữ chính trị gia, đại biểu Quốc hội Hàn Quốc, cựu tổng bí thư đảng Saenuri. Bà cũng là người đứng sau ông Lee Myung Bak trong cuộc bỏ phiếu lựa chọn ứng cử viên của đảng Saenuri ra tranh cử chức tổng thống.

Cá tính quyết đoán của bà Park được cho là chịu ảnh hưởng nhiều từ người mẹ. Trong suốt những năm đi học trung học, bà Park luôn đứng đầu lớp. Chỉ số IQ của bà là 127. Năm 1971, bà Park quyết định theo học chuyên ngành kỹ sư điện tại Đại học Sogang và tốt nghiệp hạng xuất sắc Khoa Cơ khí và Khoa học.

Có thể nói, từ khi bước vào con đường chính trị, bà Park Geun-Hye đã trở thành một hình tượng đặc biệt luôn được nhắc đến trên chính trường Hàn Quốc. Bà thừa nhận: "Mọi người có cảm tình với tôi vì danh tiếng của cha mẹ tôi" nhưng cũng ngầm khẳng định rằng mình sẽ không đứng dưới tiếng tăm của cha mẹ mà quyết tâm làm lại từ đầu.

Khi chính thức tuyên bố tranh cử Tổng thống vào hôm 10-7, bà đưa ra cam kết: thúc đẩy nền kinh tế công bằng, gia tăng phúc lợi và cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên.

Về quan điểm và chính sách đối với CHDCND Triều Tiên, bà Park khẳng định khẳng định bà sẽ hướng tới một mối quan hệ “cân bằng” hơn với Bình Nhưỡng. Một mặt bà cảnh báo Bình Nhưỡng không nên có hành động khiêu chiến nhưng mặt khác bà kêu gọi hai bên cùng vượt qua thời đại chia cắt và đối đầu để tiến tới một thời mới hòa bình và hài hòa. Bà Park cũng cam kết nối lại viện trợ nhân đạo CHDCND Triều Tiên.

Bà cũng cho biết nếu đắc cử sẽ mở văn phòng đối thoại tại Seoul và Bình Nhưỡng để thúc đẩy trao đổi văn hóa, kinh tế và xã hội. Bà cũng đề cao việc hợp tác nhân đạo giữa hai miền Triều Tiên và không nên đánh đồng việc này với các vấn đề chính trị.

Tuy nhiên, Bà Park nói thêm rằng một CHDCND Triều Tiên có hạt nhân là không thể chấp nhận được. Bình Nhưỡng đã thực hiện 2 cuộc thử nghiệm hạt nhân và đang bị quốc tế chế tài vì các hoạt động đó.

Trong khi đó, ứng viên Moon Jae-in (24-1-1953) của Đảng Dân chủ thống nhất được cho là yếu thế hơn khi chỉ là nghị sĩ Quốc hội một khóa. Ông là một luật sư và từng giữ chức cố vấn Tổng thống và Chánh văn phòng Phủ tổng thống.

Ông Moon Jae-in là người có khuynh hướng chính trị tiến bộ khi đưa ra cam kết cải cách bộ máy quyền lực, thực hiện một nền chính trị mà người dân làm chủ, tạo dựng một nền kinh tế vì con người thông qua cải cách, kiến tạo thêm nhiều việc làm, đảm bảo phúc lợi xã hội.

Ông Moon cũng có quan điểm về CHDCND Triều Tiên khá giống với bà Park. Ông cho biết nếu được bầu làm Tổng thống Hàn Quốc, ông sẽ cam kết thương lượng vô điều kiện với CHDCND Triều Tiên và viện trợ cho Bình Nhưỡng.

Ông nói: “Chúng tôi không cần bất cứ điều kiện nào để đối thoại với CHDCND Triều Tiên như Đảng Đại dân tộc và bà Park Geun-Hye luôn theo đuổi. Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-Bak luôn trung thành với các điều kiện, từ bỏ các cuộc đối thoại, làm mối quan hệ liên Triều lâm vào bế tắc. Vì vậy, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ngày càng tồi tệ hơn”.

Theo các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử, ứng cử viên Đảng Đại dân tộc cầm quyền, bà Park Geun-Hye, vẫn dẫn trước với tỷ lệ sít sao so với ông Moon Jae-in.

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.