Thêm Thuỵ Sĩ, Đan Mạch ủng hộ Palestine tại LHQ

Thêm Thuỵ Sĩ, Đan Mạch ủng hộ Palestine tại LHQ
TP - Ngày 28-11, Thuỵ Sĩ và Đan Mạch trở thành 2 quốc gia châu Âu tiếp theo ủng hộ Nhà nước Palestine nâng cấp lên địa vị nước quan sát viên của Liên Hợp Quốc (LHQ).

> Bí mật 'phóng xạ' trong mộ ông Arafat
> Palestine: Tu sửa đường hầm nối Gaza – Ai Cập

Theo các nhà phân tích, với đa số ủng hộ từ các nước đang phát triển, Palestine có vẻ chắc chắn sẽ được Đại hội đồng LHQ gồm 193 nước thành viên chấp thuận cho nâng cấp từ địa vị "thực thể quan sát viên" lên địa vị "nhà nước quan sát viên" vào ngày 29-11.

Hôm 27-11, Pháp, ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, trở thành cường quốc châu Âu đầu tiên tuyên bố ủng hộ Palestine. Thông báo này được Thuỵ Sĩ và Đan Mạch đồng thuận.

Ngày 26-11, các nhà ngoại giao Palestine công bố dự thảo nghị quyết về nâng cấp quy chế tại LHQ.

"Quyết định ủng hộ bản nghị quyết là phù hợp với chính sách của Thuỵ Sĩ trong việc tìm kiếm hoà bình lâu dài, công bằng và dựa trên thương lượng giữa Israel và nhà nước Palestine độc lập và tồn tại trong biên giới được quốc tế công nhận", Ngoại trưởng Thuỵ Sĩ nói trong một thông báo.

Quyết định của Thuỵ Sĩ được đưa ra sau chuyến thăm của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong tháng này tới Berne khi Thuỵ Sĩ đang lưỡng lự giữa việc ủng hộ bản nghị quyết hay bỏ phiếu trắng.

"Một lá phiếu ủng hộ sẽ có thể "tái sinh khái niệm về một bản nghị quyết hai nhà nước bằng cách đặt Israel và Palestine vào địa vị ngang hàng nhau trong các cuộc đàm phán hoà bình trong tương lai", Ngoại trưởng Thuỵ Sĩ nói.

Tổng thống Abbas đã nhắc lại cam kết sẽ tái thực hiện tiến trình hoà bình ngay sau cuộc bỏ phiếu của LHQ.

Tại thủ đô Copenhagen, Ngoại trưởng Đan Mạch cho biết nước này cũng sẽ bỏ phiếu thuận. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague ngày 28-11 nói rằng, Anh có thể bỏ phiếu trắng.

Israel và đồng minh thân thiết Mỹ phản đối những động thái này, vì điều đó đồng nghĩa với việc công nhận Nhà nước Palestine độc lập. Israel và Mỹ cho rằng, con đường chân chính làm nên một nhà nước cho người Palestine là thông qua một hiệp định hoà bình, sau khi đàm phán trực tiếp với Israel.

Tuy nhiên, những cuộc thương lượng như vậy bế tắc suốt 2 năm nay, phần lớn là vì về vấn đề định cư của người Israel ở Bờ Tây - một sự mở rộng mà hầu hết các nước trên thế giới cho là bất hợp pháp.

Thời điểm lịch sử

Tại thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây, bà Hanan Ashrawi, thành viên cấp cao của Tổ chức Giải phóng Palestine, nói rằng những động thái của các nước châu Âu là nguồn động viên lớn, là thông điệp để người Palestine được hy vọng.

"Đây sẽ là thời điểm mang tính bước ngoặt để thế giới sửa chữa một bất công lịch sử mà người Palestine đã trải qua kể từ khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948", bà nói.

Nhiều nước châu Âu tỏ ra sẵn sàng ủng hộ những người ôn hoà như ông Abbas, sau cuộc xung đột kéo dài 8 ngày trong tháng 11 giữa Israel và các nhóm vũ trang trên Dải Gaza.

Thay đổi này sẽ cho phép Palestine tiếp cận các cơ quan quốc tế như Toà án Hình sự Quốc tế - nơi xử những người mang tội danh diệt chủng, tội ác chiến tranh và những vi phạm quyền con người khác.

Phái viên Palestine tại LHQ Riyad Mansour nói rằng, nếu Israel tiếp tục vi phạm luật quốc tế, đặc biệt là xây dựng các cơ sở định cư ở Bờ Tây thì Palestine sẽ tham vấn các nước bạn, bao gồm cả châu Âu, xem nên hành động như thế nào.

Mỹ cho biết khoản viện trợ cho Palestine và một số khoản đóng góp của nước này cho LHQ có thể sẽ bị dừng, nếu Palestine được chấp nhận nâng quy chế lại LHQ.

Israel nói rằng, nước này có thể sẽ thôi thực thi Nghị định thư Paris - cơ sở điều chỉnh sự chuyển đổi trong nền kinh tế Palestine ở các lĩnh vực như lao động, cung cấp năng lượng, quan hệ thương mại, hoạt động tài chính… Nghị định thư này vẫn ảnh hưởng các hoạt động kinh tế của Palestine ngày nay.

Quốc hội Mỹ đang phong tỏa khoản tiền 200 triệu USD viện trợ phát triển cho Palestine. Kể từ năm 1994, Mỹ đã viện trợ hơn 3,5 tỷ USD cho chính quyền Palestine.

Những nước ủng hộ hoặc có khả năng ủng hộ nỗ lực của Palestine gồm có Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Thụy Sĩ, Áo, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nigeria… Những quốc gia phản đối hoặc có khả năng phản đối gồm: Israel, Mỹ, Đức, Hà Lan...?

Việt Nam khẳng định tình đoàn kết với nhân dân Palestine

Nhân ngày Quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine của LHQ 29-11 hằng năm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện mừng khẳng định sự ủng hộ và tình đoàn kết với nhân dân Palestine trong cuộc đấu tranh vì các quyền bất khả xâm phạm của mình.

Gia Tùng
tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.