Quân đội Mỹ, Nhật diễn tập chiếm lại đảo. |
Việc Nhật Bản bắt giữ những người Trung Quốc đổ bộ lên đảo và một đoàn thể Nhật Bản tổ chức hoạt động tế lễ rầm rộ và lên cắm cờ tại nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp giữa hai nước đã gây ra những cuộc biểu tình chống Nhật quy mô lớn ở hơn chục thành phố Trung Quốc.
Tình hình quan hệ giữa hai bên càng trở nên căng thẳng khi quân đội Nhật, Mỹ bắt đàu tiến hành cuộc tập trận kéo dài 37 ngày tại Guam và đảo Tinian từ ngày 21-8 với giả định “đoạt lại đảo Senkaku sau khi bị nước ngoài đánh chiếm”.
Trong khi đó, Trung Quốc liên tiếp ra tuyên bố phản đối và khẳng định: chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc về Trung Quốc!
Báo Kinh tế Nhật Bản cho rằng, trong bối cảnh quan hệ Nhật, Trung căng thẳng do vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku, việc quân đội Mỹ, Nhật nhấn mạnh sự hợp tác bảo vệ đảo nhỏ ở chốn biên giới xa xôi, có tác dụng kiềm chế Trung Quốc.
Nhật Bản cũng có ý định mua siêu máy bay trinh sát không người lái "Global Hawk" của Mỹ để tăng cường giám sát Trung Quốc.
Báo Nhật Bản hàng ngày cho hay, chính phủ Nhật đã quyết định xem xét việc chi mấy chục tỷ Yên để mua ba chiếc "Global Hawk" cùng những thiết bị phân tích thông tin để sử dụng chung với Mỹ.
Loại máy bay này có thể hoạt động liên tục 35 giờ trên độ cao từ 15.000 đến 19.000m, tầm xa hoạt động của nó đạt tới 22.000km. Hiện Mỹ đã bố trí ba chiếc loại này tại đảo Guam.
Người biểu tình Trung Quốc đập phá xe hơi Nhật. |
Trước những động thái của Nhật Bản, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) chiều 19-8, đã tổ chức hội thảo về bảo vệ đảo Điếu Ngư với hơn 20 chuyên gia, học giả, nhà ngoại giao tham dự.
Tại hội thảo này, bên cạnh chủ trương nên kiềm chế, cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của Trung Quốc lúc này là phát triển tiềm lực cả về kinh tế và chính trị, nhiều người lại kêu gọi chính phủ Trung Quốc hành động mạnh hơn.
Thiếu tướng La Viện, người được coi thuộc “phái diều hâu” phát biểu rằng, chủ trương đặt tên “Đảo Điếu Ngư” cho chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc để thể hiện chủ quyền đối với nhóm đảo này.
Ông ta còn đề nghị “vạch ranh giới, cảnh báo, đặt bia, làm bãi tập bắn, thiết lập vùng cấm, đánh du kích, tiến hành chiến tranh nhân dân trên biển” ở Điếu Ngư.
Đại tá Đới Húc, Giáo sư Đại học quốc phòng Trung Quốc thì nói: “Tác dụng bảo vệ Điếu Ngư của dân gian không lớn, chả lẽ mua tàu lớn hơn để đi húc tàu Nhật?”.
Ông ta chủ trương “phải giáng trả người Nhật. Bước tiếp theo cần phải bắt giữ một vài chiếc tàu Nhật”.
Lý Nghĩa Cường, Phó Hội trưởng Hội người Hoa thế giới bảo vệ Điếu Ngư cho rằng, lực lượng quyết định để giải quyết vấn đề chỉ có thể là chính phủ Trung Quốc.
Hứa Sâm An, chuyên viên Cục Hải dương Trung Quốc thì đề nghị Trung Quốc dùng kinh tế để gây sức ép với Nhật Bản.
Trong các cuộc biểu tình chống Nhật ngày 19-8 trên các thành phố, đã xuất hiện khẩu hiệu “tẩy chay hàng Nhật” và xảy ra những hành vi quá khích như đập phá xe ô tô Nhật.
Báo Thanh niên Trung Quốc ngày 20-8 kịch liệt phê phán hành động này, coi đây là hành vi phạm tội phá hoại tài sản công dân, phá hoại trật tự công cộng, ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc”.
Báo này cho rằng, “hành động ngu xuẩn như thế, không phải yêu nước, mà hại nước. Kiểu yêu nước đó không thể được ca ngợi mà khiến những người yêu nước thực sự thấy hổ thẹn”.
Thu Thuỷ tổng hợp