Nhiều người Trung Quốc không biết sắp xử bà Cốc Khai Lai

Nhiều người Trung Quốc không biết sắp xử bà Cốc Khai Lai
TP - Phiên tòa xét xử vụ án giết người của bà Cốc Khai Lai, vợ cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Bạc Hy Lai, dự kiến khai mạc ngày 9-8, nhưng nhiều người Trung Quốc không biết gì hoặc biết rất ít về chuyện này.

> An ninh thắt chặt tại phiên tòa xét xử vợ Bạc Hy Lai

Bà Cốc Khai Lai (trái) và phu quân Bạc Hy Lai. Ảnh: từ internet
Bà Cốc Khai Lai (trái) và phu quân Bạc Hy Lai. Ảnh: từ internet.

Phóng viên AP (Mỹ) tại Trung Quốc nói chuyện với một sinh viên trong tiệm cà phê, một tài xế taxi, một người bán phần mềm máy tính và một người bán hoa tươi nhưng chẳng ai biết gì hoặc biết rất ít về phiên tòa sắp diễn ra.

Hầu hết người được hỏi đều nói rằng vụ án mạng chẳng liên quan gì đến họ. Dường như khắp nơi, dân chúng chỉ say sưa bàn tán về những tấm huy chương vàng mà các vận động viên Trung Quốc vừa giành được tại Thế vận hội London, hơn là những kịch tính xung quanh bị can Cốc Khai Lai.

Bị can này bị truy tố tội giết người trong một vụ án bà bị tình nghi là chủ mưu vụ đầu độc làm chết nhà kinh doanh người Anh Neil Heywood ở thành phố Trùng Khánh - nơi chồng bà làm bí thư thành ủy.

Theo một số nhà phân tích, sự kém hiểu biết về vụ án chấn động này của dân thường cho thấy chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc kiểm duyệt thông tin và hạn chế báo chí trong nước phanh phui sự kiện liên quan vụ án.

Anh Gong Genwu, 23 tuổi, làm nghề bán phần mềm máy tính ở một cửa hàng gần đối diện tòa án nơi sẽ xét xử bà Cốc Khai Lai, nói: “Tôi ít để ý đến những tin tức như vậy vì chính trị ảnh hưởng rất ít đối với cuộc sống của tôi”.

Anh Gong cho biết, lần đầu tiên anh được nghe tin về vụ án liên quan đến bà Cốc là khi phóng viên AP tiếp cận anh và nêu câu hỏi.

Khi bị phóng viên gặng hỏi về ý kiến đối với vụ bê bối này, anh Gong chỉ nói rằng, vụ án mạng do người thân của một quan chức cao cấp gây ra chứng tỏ mức độ nghiêm trọng hơn đối với trường hợp vụ án mạng do thường dân gây ra, vì có lẽ thân nhân quan chức đó thiếu đạo đức.

Một số trang mạng bàn luận về lý do tại sao vụ án này được xét xử ở Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy. Một chuyên gia về chính trị Trung Quốc làm việc tại Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế nói rằng, nếu xét xử ở Bắc Kinh, vụ án này sẽ gây ra một hiện tượng chính trị nổi bật.

Nhân viên ngân hàng Tang Chaoli, 22 tuổi, cho biết anh chỉ đọc về vụ án liên quan bà Cốc trên một tờ báo nhưng anh không biết nạn nhân của bà này là một người nước ngoài.

Anh Tang nói anh không để ý tình tiết của vụ án mạng vì hầu hết thời gian anh dành để theo dõi tin tức về Olympic London.

Phóng viên ảnh của AP từ Trùng Khánh đến Hợp Phì để đưa hình ảnh về phiên tòa xử bà Cốc Khai Lai đã bị theo dõi và quay phim từ khi người này đặt chân xuống sân bay và trở về đến khách sạn tối 7-8.

Ngày 8-8, giao thông ở Hợp Phì bớt đông đúc hơn và bên cạnh tòa nhà xét xử bà Cốc và một tòa nhà của chính phủ gần đó có một số xe cảnh sát đỗ. An ninh bảo vệ phiên tòa có vẻ như ở mức tối thiểu.

Truyền hình trung ương Trung Quốc và Tân Hoa xã chỉ đưa tin vắn tắt về vụ án. Việc tìm kiếm các từ khóa “Bạc” hoặc “Cốc” trong các trang blog phổ biến của Trung Quốc không đem lại kết quả vì bị chặn.

Đ.P
Theo AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.