Đột nhập kho ‘thuốc thịt người’ ở Trung Quốc

Đột nhập kho ‘thuốc thịt người’ ở Trung Quốc
TPO–“Mỗi ngày uống hai viên, chỉ cần uống trong vòng một tuần là có hiệu quả”– nữ dược sĩ (Trung Quốc) nói khi cấp thuốc làm từ thai nhi cho một phóng viên tờ Mail (Anh), bí mật đóng giả bệnh nhân.

> Khám phá công nghệ sản xuất thuốc làm từ thai nhi

Đột nhập kho nguyên liệu

Phóng viên tờ Mail (Anh) đóng giả bệnh nhân vào điểm bán thuốc, cũng là nơi cất giữ bào thai và xác trẻ sơ sinh tại một thị trấn ở miền bắc Trung Quốc.

Một người phụ nữ lấy ba túi ni lông màu đen từ trong ngăn đá tủ lạnh và đặt xuống đất. Cô cẩn thẩn mở từng gói, trong đó có mấy túi nhỏ đựng  thuốc và giới thiệu rằng đây là những viên thuốc có khả năng chữa trị bệnh rất hiệu quả.

“Mỗi ngày uống hai viên, chỉ cần uống trong vòng một tuần là có hiệu quả ” - người tự xưng là nữ dược sĩ này nói.

Mặc dù những túi ni lông này được buộc lại rất chặt và đã đông cứng nhưng vẫn tỏa ra mùi hôi, rất khó chịu. Được biết, kho chứa nguyên liệu sản xuất thuốc này nằm ở một thị trấn nhỏ miền bắc Trung Quốc.

Nhiều túi đen đựng bào thai được người phụ nữ lấy trong tủ lạnh ra. Ảnh chụp từ clip
Nhiều túi đen đựng bào thai được người phụ nữ lấy trong tủ lạnh ra. Ảnh chụp từ clip.

Trong kho chứa hàng của người này còn có một tủ gỗ đựng thuốc và các loại thảo mộc quý hiếm. Khi đưa túi thuốc này ra giới thiệu, loại thuốc dạng viên nang có vỏ màu vàng và màu đỏ.

Để cho khách hàng an tâm về chất lượng, người này đã mở một viên thuốc ra kèm theo lời cảnh báo có mùi hôi khó chịu. Tiếp đó, 'hướng dẫn viên' này giải thích rằng loại thuốc này được làm từ bào thai bảy tháng tuổi, uống vào rất hiệu quả.

“Loại thuốc này mới sản xuất trong thời gian gần đây, dùng rất tốt, chỉ cần uống hai viên một ngày. Đừng lạm dụng quá nếu không sẽ bị tác dụng phụ là chảy máu cam”- người này cho biết.

Sau khi phóng viên giả bệnh nhân đồng ý, người này liền cho thuốc vào một hộp nhỏ và đánh dấu vào đơn thuốc  trị bệnh đau lưng và nói với “bệnh nhân” nên uống vào mùa lạnh để tránh bị ra mồ hôi nhiều.

Ngay lúc đó, có một “khách hàng” khác là nhân viên y tế của một bệnh viện Trung Quốc cũng có mặt tại căn bếp này. Người phụ nữ kia lôi thêm mấy túi bóng từ ngăn đá ra và nói: “Chọn một túi đi!”. Có thể khách hàng này đang đi mua nguyên liệu về tự làm thuốc.

Những túi ni lông mà người phụ nữ kia lấy ra chính là túi đựng bào thai  càng nhiều tháng tuổi càng tốt. Chúng phải được gói trong túi ni lông, hoặc trong hộp inox và ướp ở ngăn đá.

Đối với những xác trẻ sơ sinh, sau khi để tủ lạnh, người ta chặt ra từng mảnh nhỏ, sấy khô trong lò vi sóng, sau đó nghiền thành bột thô để chế biến thuốc.

Hộp Inox đựng bào thai trẻ em
Hộp Inox đựng bào thai trẻ em.

Theo Dailymail, bí mật về công nghệ sản xuất thuốc thịt người của Trung Quốc dần được phanh phui khi cơ quan Hải quan Hàn Quốc ngày 6-5 đã bắt giữ được hàng nghìn vỉ thuốc “ghê rợn” này. Người vận chuyển thuốc khai không hề biết đến quá trình sản xuất cũng như thành phần của thuốc.

Cơ quan Hải quan Hàn Quốc đã kiểm được mỗi viên “thuốc thịt người” có tới 97- 99% thành phần tương ứng với ADN của người. Tất cả những viên thuốc này có hàm lượng vi khuẩn có hại cao. Một số loại thuốc trong lô hàng bị phát hiện còn làm từ các cơ quan nội tạng cơ thể người.

Nguyên liệu và giá cả

Để che mắt cơ quan chức năng, những viên thuốc này được đựng bên trong những chai màu sẫm, bọc kín và dán nhãn bên ngoài bằng những tên thuốc phổ biến, hợp pháp trên thị trường. Bởi loại thuốc này có mùi hôi nên những người vận chuyển  đặt thêm cả các loại thảo mộc vào để bớt mùi.

Túi “thuốc thịt người” dạng viên nang màu vàng, màu đỏ
Túi “thuốc thịt người” dạng viên nang màu vàng, màu đỏ.

Nguyên liệu của loại thuốc này được lấy từ các trung tâm bệnh viện phụ sản. Tại Trung Quốc, hàng năm có tới khoảng 13 triệu ca nạo phá thai. Tại các bệnh viện phụ sản còn có riêng một nhà xác để giữ các bào thai và xác trẻ sơ sinh. Đây cũng chính là địa điểm mua bán “nguyên liệu” để sản xuất thuốc.

Không có giá cả chính xác cho mỗi xác trẻ sơ sinh nhưng giá của một bào thai tính ra tiền Việt là khoảng 3,3 triệu đồng.

Theo một phụ nữ Hàn Quốc đang sinh sống tại Trung Quốc, cô đã cho con trai uống loại thuốc này để chữa bệnh phổi. Con trai của bà đã uống thuốc trong vòng một tháng và đã đỡ hơn rất nhiều.

Một thương nhân tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc cho biết: “Cách đây vài năm, chúng tôi đã uống những viên thuốc này. Lúc đó, những viên thuốc này có giá khoảng 50 xu/ viên. Tôi đã nhờ con trai tôi sống ở phía đông bắc Trung Quốc mua khoảng 100-120 viên. Tôi thấy thuốc này khá hiệu quả, chỉ có điều giá thuốc hơi đắt”.

Tiếp xúc với một người phụ nữ Trung Quốc, cô cho biết, cô đã mua xác một thai nhi tại khu vực chợ đen và tự tay làm thuốc. “Tôi tự tay làm thuốc này, cắt nhỏ ra, sấy khô và cán thành bột, thế thôi. Nó rất tốt cho sức khỏe”, người này nói.

Thuốc tốt?

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định những viên thuốc này là tốt cho sức khỏe.

Đột nhập kho ‘thuốc thịt người’ ở Trung Quốc ảnh 4
"Thuốc thịt người" có chứa 97-99% thành phần tương ứng với ADN của người.

Theo quan niệm của người Trung Quốc, thuốc từ những bào thai và xác trẻ sơ sinh là vị thuốc dân gian chữa bệnh hiệu nghiệm. Khái niệm chữa bệnh “độc nhất vô nhị” này bắt nguồn từ thời phong kiến, cách đây hàng trăm năm.

Mỗi viên nén có chứa thịt, xương, thậm chí là tóc, móng tay có tác dụng chống lão hóa, tăng cường sinh lực, thậm chí là chữa bệnh ung thư.

Đầu tuần này, người phát ngôn của Bộ Y tế Trung Quốc cho biết sẽ điều tra vụ thuốc làm từ bào thai và xác trẻ sơ sinh này, nhưng ông cũng cho biết hiện nay chưa có bằng chứng rõ ràng về việc sản xuất loại thuốc này.

Theo giáo sư Yang đến từ trường Đại học Bắc Kinh, việc chữa bệnh bằng “thịt người” là có tồn tại những rất hiếm người sử dụng. Ông cho biết, trong truyền thống y học Trung Quốc, nhau thai được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng bào thai để sản xuất thuốc như trên là điều khó tưởng tượng.

Nguyễn Thủy
Theo Dailymail

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.