Trung Quốc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 18  (Kỳ 2)

Trung Quốc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 18  (Kỳ 2)
Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nhấn mạnh, điều cấp thiết là xây dựng một đội ngũ công bộc của dân không những phải vững vàng về chính trị, xuất sắc về chuyên môn, mà còn phải trong sạch, trung thực và có tác phong làm việc tốt.

> Trung Quốc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 18 (Kỳ 1)

Nhiều gương mặt trẻ

Dư luận cho rằng “thể chế Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường” sẽ thay thế “thể chế Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo” tại Đại hội 18. Phó thủ tướng Lý Khắc Cường đi lên từ phong trào thanh niên, giống như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Nhiều người nói rằng, vì từng tốt nghiệp khoa Luật tại Đại học Bắc Kinh, lấy bằng tiến sĩ kinh tế và khá thông thạo tiếng Anh nên Phó thủ tướng Lý Khắc Cường được coi là trí thức có đầu óc cải cách, có lập trường tự do, cởi mở nên được nhiều người ủng hộ.

Cách đây không lâu (8-2), Phó thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc vụ viện Lý Khắc Cường nhấn mạnh, phải nghiêm trị hành vi phạm pháp và phạm tội về an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như cần hoàn thiện thể chế giám sát, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, pháp quy trong lĩnh vực này.

Được biết, Trung Quốc đã lập 1.196 điểm theo dõi, giám sát hóa chất gây ô nhiễm, sử dụng phi pháp chất phụ gia thực phẩm và vi khuẩn gây bệnh bắt nguồn từ thực phẩm, chủ động giám sát bệnh bất thường và vụ việc liên quan tới sức khỏe có nguồn gốc từ thực phẩm tại 416 cơ quan y tế.

Trước đó (15-12-2011), Phó thủ tướng Lý Khắc Cường từng nhấn mạnh tới việc phải mở rộng kích cầu bởi đây là điểm tựa chiến lược cho phát triển của Trung Quốc thời gian tới.

Theo đó, phải chú trọng hơn nữa tới việc tăng thu nhập cho những người có thu nhập thấp, nâng tỉ lệ của người có thu nhập cao và trung bình, thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích lập nghiệp và tạo việc làm, nâng cao sức tiêu dùng của người dân và tiềm năng lớn nhất của mở rộng kích cầu là ở thành thị.

Theo thống kê mới đây (2-12-2011) của Trung Quốc, tổng sản lượng lương thực của quốc gia hơn 1,34 tỉ người trong năm 2011 đạt 571,21 triệu tấn, tăng 24,73 triệu tấn so với năm 2010, tăng 4,5%, lập kỷ lục lịch sử mới.

Cũng theo thống kê mới nhất, GDP bình quân đầu người Trung Quốc đã vượt 5.000USD – GDP bình quân trong năm 2011 đạt 5.449,71USD/người, tăng 23% so với 4.428USD của năm 2010 và Thiên Tân là có mức thu nhập đầu người cao nhất, tiếp đến là Thượng Hải và Bắc Kinh.

Phó thủ tướng Lý Khắc Cường từng nêu rõ, Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ sản xuất lương thực, các cấp chính quyền cần tăng sản lượng lương thực, hỗ trợ khoa học công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp để sản xuất lương thực Trung Quốc tiếp tục được mùa.

Tuy nhiên hiện đang có một thực tế đáng quan ngại khi Trung Quốc đang bước vào thời kỳ “không có nông dân” bởi khoảng 700 triệu người muốn thoát ly nông nghiệp truyền thống, trong khi nước này chuẩn bị bước vào thời kỳ bùng nổ dân số mới bởi tỉ lệ sinh tại Trung Quốc dự kiến sẽ lập đỉnh vào năm 2016.

Được biết, dân số đô thị của Trung Quốc đã vượt 50% và lần đầu tiên dân số đô thị vượt số dân nông thôn. Với tư cách Phó thủ tướng phụ trách công tác phát triển và cải cách kinh tế, ông Lý Khắc Cường được coi là người sẽ thay thế Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Năm gương mặt của
Năm gương mặt của "Thê đội 6" trên bìa tạp chí "Nhân vật Hoàn cầu".

Một trong những nguyên nhân khiến ông Lý Khắc Cường được đề cử vào chức vụ này bởi ông là người “duy nhất” vừa có tri thức kinh tế (tốt nghiệp khoa Luật tại trường Đại học Bắc Kinh), vừa tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản lý kinh tế phong phú trong thời gian công tác tại địa phương.

Giới chuyên môn nhận định, nhờ sự quan tâm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào nên tháng 6-1998, ông Lý Khắc Cường đã được điều về làm Tỉnh trưởng rồi Bí thư Hà Nam, tỉnh nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc với khoảng 90 triệu dân.

Sau đó (tháng 12-2004), ông Lý Khắc Cường được điều về làm Bí thư Liêu Ninh, khu công nghiệp cũ lớn nhất Trung Quốc trước đây. 9 năm công tác tại Hà Nam và Liêu Ninh đã giúp ông Lý Khắc Cường tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý và giải quyết những vấn đề nông nghiệp và công nghiệp.

Tuy xuất thân nông dân và đi lên từ lãnh đạo Đoàn thanh niên – 19 tuổi làm việc tại đội sản xuất thuộc đại đội Đông Lăng, công xã Đại Miếu, huyện Phượng Dương, tỉnh An Huy, nhưng chỉ 2 năm sau (21 tuổi), ông Lý Khắc Cường đã được bầu làm Bí thư Chi bộ đảng – chỉ 6 tháng sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Những người từng làm việc với ông Lý Khắc Cường đều có nhận xét giống nhau. Theo đó, Phó thủ tướng phụ trách công tác phát triển và cải cách kinh tế có phong cách làm việc giống Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào: chắc chắn, cần mẫn, sáng suốt độ lượng, thực sự cầu thị, luôn phục tùng tổ chức, phục tùng đại cục. Được biết, kể từ Đại hội 16 (năm 2002) đến nay, ông Lý Khắc Cường luôn được chú ý bồi dưỡng, đào tạo để trở thành một trong những hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ 5.

Nhiều người coi chuyến thăm CHDCND Triều Tiên (từ 23 đến 25-102011) và Hàn Quốc (26-10-2011) của ông Lý Khắc Cường là để làm quen với công tác đối ngoại trước khi giữ cương vị mới. Nhiều người cũng nói rằng, việc giữ ngôi vị thứ hai thế giới về kinh tế là thách thức không nhỏ của người kế vị Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Cũng không thể bỏ qua vai trò của quân đội bởi những người có tên trong số 12 thành viên của Quân ủy Trung ương đều là lãnh đạo tương lai của quân đội. Bởi trong số 12 thành viên Quân ủy Trung ương có tới 10 người là quân nhân chuyên nghiệp và đều đeo hàm thượng tướng.

Tuy chỉ có 2 “ngoại đạo”, nhưng vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương thuộc về Tổng bí thư, Chủ tịch nước, còn ghế Phó chủ tịch Quân ủy trung ương sẽ thuộc về “nhân vật thứ hai”. 2 ghế Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương khác sẽ thuộc về “người xứng đáng”.

Nếu chiếu theo quy định về tuổi tác thì trong 10 thành viên của Quân ủy trung ương hiện nay chỉ còn Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Chủ nhiệm Tổng bộ Trang bị (63 tuổi) và Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, Tư lệnh Không quân (62 tuổi) là chắc chắn ở lại và nhiều khả năng sẽ trở thành tân Phó chủ tịch Quân ủy trung ương.

Thượng tướng Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân (sinh tháng 8-1945) nếu chưa nghỉ hưu có thể sẽ giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Nếu Thượng tướng Ngô Thắng Lợi phải nghỉ hưu thì người giữ chức vụ này sẽ là Thượng tướng Chương Tấm Sinh, Phó tổng tham mưu trưởng thường trực.

Giới truyền thông đưa tin, quân đội sẽ được tăng vai trò tại Đại hội 18 bởi vấn đề này đã được đề cập khi kết thúc hội nghị trung ương ngày 18-10-2011.

Khi mới khai mạc ngày 15-10-2011, dư luận đã coi đây là hội nghị trung ương cuối cùng trước khi có thay đổi trong ban lãnh đạo vào cuối năm 2012. Giới chuyên môn cho rằng, việc sở hữu ngân sách 91,5 tỉ USD năm 2011 cùng 2,3 triệu thành viên, chiếm 18% trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng và một tỉ lệ khá cao tại Quốc hội, quân đội đang và sẽ có tiếng nói quan trọng trong quốc gia đại sự.

Giới chuyên môn nhận định, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2012 dự kiến ở con số 120 tỉ USD và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2015.

Theo thống kê, tốc độ tăng ngân sách quốc phòng trong 23 năm qua của Trung Quốc đều ở mức hai con số và Bắc Kinh sẽ chính thức công bố ngân sách quốc phòng năm 2012 trong vài tuần tới.

Những trở ngại cần vượt qua

Phòng Phong Huy - dự kiến Tổng tham mưu trưởng
Phòng Phong Huy - dự kiến Tổng tham mưu trưởng.

Giới quan sát cho rằng, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc từ nay tới khi kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa (1949-2049) là thách thức lớn đối với “Thê đội 5” cũng như “Thê đội 6” – đưa quốc gia hơn 1,34 tỉ người trở thành cường quốc hiện đại, đạt mức trung bình của các nước phát triển.

Theo mục tiêu đã đặt ra, tới năm 2020, Trung Quốc sẽ hoàn tất “công đoạn thứ 2” trong 3 hiện đại hóa mà Đặng Tiểu Bình đề ra, do đó, hạt nhân lãnh đạo của “thê đội 5” về cơ bản cũng là của “thê đội 6” nên công tác nhân sự càng đặc biệt quan trọng.

Giới phân tích cho rằng, việc tìm kiếm và chọn nhân sự đã và đang giúp cho nhiều người trở thành Bí thư và Chủ tịch tỉnh trẻ nhất trong vài thập niên qua.

Tuy sinh năm 1963, nhưng nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên Hồ Xuân Hoa (Chủ tịch tỉnh Hà Bắc) được coi là người có nhiều triển vọng đi theo lộ trình của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.

Tiếp đến là ông Chu Cường, người lăn lộn với công tác đoàn 11 năm, sau khi làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên đã trở thành Chủ tịch tỉnh Hồ Nam (chủ tịch tỉnh trẻ nhất Trung Quốc) bởi có phong cách làm việc hiện đại, tư duy sắc bén.

Giới truyền thông cho biết, chủ trương “Đảng ra chính sách, thanh niên thực hiện” là một trong những bước đột phá giúp ông Chu Cường có vị trí hiện nay.

Giới truyền thông cho rằng, ông Chu Cường và ông Hồ Xuân Hoa được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Phó thủ tướng Lý Khắc Cường nâng đỡ, tạo điều kiện.

Không thế bỏ qua Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Lục Hạo và Chủ tịch khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Nur Bekri. Nhiều người nói rằng, ông Lục Hạo được Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình và ông Tăng Khánh Hồng, nguyên Phó chủ tịch nước ủng hộ.

Chương Tấm Sinh - dự kiến Bộ trưởng Quốc phòng
Chương Tấm Sinh - dự kiến Bộ trưởng Quốc phòng.

Một trong những thế mạnh của ông Lục Hạo là am hiểu kinh tế nhưng khá kiệm lời. Giới quan sát coi ông Lục Hạo là một trong những nhân vật sáng giá trên chính trường bởi năm 2012 Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên mới 44 tuổi.

Hơn nữa, sau thành công của Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đã mang lại cơ hội chính trị cho nguyên Phó thị trưởng Lục Hạo, người không giấu giếm tham vọng trở thành Thị trưởng Bắc Kinh. Dư luận cũng quan tâm tới 2 nhân vật được coi sẽ trở thành một trong 9 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 18.

Đó là Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và Bí thư Quảng Đông Uông Dương. Được biết, sau khi rời ghế Bộ trưởng Thương mại, danh tiếng của ông Bạc Hy Lai nổi như cồn với việc mạnh tay chống xã hội đen kể từ khi là Bí thư Trùng Khánh.

Dư luận chung đều cho rằng, sau 34 năm cải cách (1978-2012), tuy trở thành một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới, nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức phức tạp cùng quy mô chưa từng thấy.

Trong đó đáng quan tâm nhất là việc bồi dưỡng và xây dựng thế hệ lãnh đạo có đủ kỹ năng, năng lực, trung thực, có trách nhiệm và tận tâm phụng sự người dân.

Nhiều người cho rằng, trẻ hóa lãnh đạo là đổi mới tư duy – không coi trọng quá mức kinh nghiệm lãnh đạo mà đề cao năng lực tổng hợp, tinh thần trách nhiệm cũng như nhiệt huyết của người lãnh đạo.

Đạo đức của người lãnh đạo không chỉ đơn thuần là nhận thức tư tưởng, mà cần phải được thực tiễn chứng minh – coi trọng hiệu quả, đề cao nỗ lực cống hiến cá nhân.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nhấn mạnh, điều cấp thiết là xây dựng một đội ngũ công bộc của dân không những phải vững vàng về chính trị, xuất sắc về chuyên môn, mà còn phải trong sạch, trung thực và có tác phong làm việc tốt.

Trưởng thành trong môi trường đất nước phát triển không ngừng, thế hệ lãnh đạo mới này được kỳ vọng sẽ mạnh dạn trong việc đưa Trung Quốc tiến lên chiếm vị trí lãnh đạo châu Á, thậm chí là thế giới thời gian tới.

Theo petrotimes.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.