Nổ tàu Hàn Quốc, 5 người chết

Tàu tuần tra gần xác tàu Doola 3 trọng tải 4.191 tấn Ảnh: Yonhap
Tàu tuần tra gần xác tàu Doola 3 trọng tải 4.191 tấn Ảnh: Yonhap
TP - Sáng 15-1, tàu Doola 3 với thủy thủ đoàn gồm 11 người Hàn Quốc và 5 công dân Myanmar bất ngờ phát nổ, gãy làm đôi, khiến 5 thủy thủ thiệt mạng, 6 người mất tích. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hàn Quốc đã cử đội tàu tuần tra và cứu hộ tới tìm kiếm người mất tích.

> Tàu du lịch năm sao chìm: Ba người chết, gần 4.000 người sơ tán

Sau khi Doola 3 (không chở hàng) gặp nạn trên Hoàng Hải gần thành phố cảng Incheon của Hàn Quốc, năm người trên tàu được cứu. Theo chủ tàu, Cty Doola Shipping, vụ nổ xảy ra khi một số thủy thủ lau chùi bể chứa dầu trên boong.

“Doola 3 bình thường chở dầu diesel, nhưng lần này tàu chở xăng. Chúng tôi đang tìm hiểu xem việc này có liên quan gì tới vụ nổ”, Cty thông báo. Trước khi rời cảng Incheon tới cảng Daesan ở tỉnh Chungcheong Nam, tàu đã dỡ hàng là 6.500 tấn xăng.

Hôm qua, hơn 24 giờ sau khi tàu du lịch 5 sao Costa Concordia va phải đá ngầm và mắc cạn ngoài khơi của Ý, một cặp vợ chồng Hàn Quốc đi nghỉ trăng mật và một thành viên thủy thủ đoàn người Ý được cứu thoát khỏi tàu.

Hai người Hàn Quốc (đều 29 tuổi) được đưa vào bờ trong tình trạng sức khỏe tốt, còn người Ý tên là Manrico Gianpetroni bị thương nặng ở chân.

Thuyền trưởng Francesco Schettino và thuyền phó Ciro Ambrosio bị bắt vì vụ tai nạn khiến 5 người chết (gồm 2 hành khách Pháp, 1 thuyền viên người Peru...), 30 người bị thương, 17 người mất tích. Các công tố viên nói, vị thuyền trưởng 52 tuổi rời tàu (chở khoảng 3.200 hành khách và 1.000 thuyền viên) trước khi việc sơ tán hành khách hoàn tất.

Thuyền trưởng Schettino nói rằng, tảng đá ngầm không được đánh dấu trên hải đồ. Cảnh sát Ý đang điều tra xem tại sao tai nạn xảy ra trong khi trời yên biển lặng. Chủ tàu, Cty Costa Cruises, nói rằng tàu bị mất điện sau khi va phải một tảng đá lớn.

Việc sơ tán bằng xuồng cứu đắm gần như không thể vì tàu nghiêng quá nhanh. Một số hành khách so sánh vụ việc với thảm họa Titanic năm 1912 khiến hơn 1.500
người chết.

Theo các điều tra viên, tàu hiện đại thường dùng máy phát điện để chạy động cơ, nên việc mất điện có thể khiến thuyền trưởng không thể lái tàu tránh nguy hiểm.

Lỗi con người cũng có thể là một yếu tố. Yếu tố tốc độ tàu nghiêng hẳn một bên cũng rất quan trọng vì ngoài việc khiến nhiều người hoảng sợ, nó có thể ảnh hưởng khả năng thả xuồng cứu đắm.

Minh Long
Theo Yonhap, AP, BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG