Đầu tuần tới tại thủ đô Harare của Zimbabwe, ba phụ nữ nước này sẽ hầu tòa với cáo buộc cưỡng hiếp nam giới để lấy tinh trùng nhằm sử dụng trong các nghi lễ mà người tham dự tin rằng họ sẽ trở nên giàu có. Cảnh sát phải mất hơn một năm điều tra mới bắt được những nữ nghi can dâm tặc đầu tiên.
Tiêm thuốc kích thích
Hồi tháng 7, một nạn nhân xuất hiện trên truyền hình quốc gia Zimbabwe kể lại những gì ông trải qua sau khi được một nhóm ba phụ nữ ở Harare cho đi nhờ xe. “Một người đổ nước vào mặt tôi và tiêm cho tôi thứ gì đó khiến tôi rất hưng phấn về mặt tình dục”, người đàn ông nói.
“Họ dừng xe và bắt tôi quan hệ với từng người một vài lần. Lần nào cũng dùng bao cao su. Khi xong việc, họ bỏ tôi lại trong bụi cây, không mảnh vải che thân”. Nạn nhân kể tiếp: “Một số người cắt cỏ gần đó giúp tôi gọi cảnh sát. Cảnh sát đến đưa tôi tới bệnh viện để xử lý tác dụng của loại thuốc kích thích quan hệ tình dục. Lúc đó, nhu cầu quan hệ của tôi vẫn cao”.
Ba nghi can bị truy tố về tội quấy rối tình dục nghiêm trọng vì luật Zimbabwe không công nhận hành động phụ nữ hiếp dâm nam giới. Họ bị bắt hồi đầu tháng 11 tại thị trấn Gweru ở miền trung, cách thủ đô Harare 275km. Cảnh sát tìm thấy 31 bao cao su đã qua sử dụng trong xe con của họ.
Ba phụ nữ phủ nhận cáo buộc, nói rằng họ là gái bán dâm và vì bận quá nên chưa thể vứt chỗ bao cao su đi. Kể từ khi được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh, họ bị nhiều người đe dọa. Họ nói rằng buộc phải ở nhà để tránh bị để ý.
Người phát ngôn của cảnh sát, ông Andrew Phiri, nói cảnh sát Zimbabwe tin rằng có một mạng lưới nữ dâm tặc đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc. “Chúng tôi nhận được các báo cáo từ các tỉnh, thành phố khắp cả nước. Vụ việc diễn ra trên các xa lộ. Chúng tôi chưa rõ lý do thật sự là gì. Có tin đồn rằng các vụ án liên quan những nghi lễ ”, sĩ quan cảnh sát Phiri nói. Cảnh sát đang kêu gọi những người biết rõ vụ án đứng ra làm chứng.
Nhiều người tin rằng, tinh dịch của nạn nhân được sử dụng trong các nghi lễ nhằm đem lại thành công trong kinh doanh. Có người còn cho rằng, tinh dịch được bán ra nước ngoài. Nhà xã hội học, chuyên gia văn hóa Claude Mararikei nói: “Đó là lĩnh vực nghi lễ và ma thuật, kiểu như hoạt động của hội kín”. Theo ông Mararikei, giới nghiên cứu không muốn đi đến địa điểm diễn ra các buổi hành lễ vì họ không thể toàn mạng trở về để mà công bố những điều mắt thấy tai nghe.
Thông tin về các nữ dâm tặc khiến nhiều nam giới đề cao cảnh giác khi đi đường. “Giờ tôi chỉ đi xe buýt vì có đông người. Tôi không đi nhờ xe riêng, đặc biệt nếu trong xe có phụ nữ”, ông Witness nói.
Một số phụ nữ ở Harare lo ngại vấn đề khiến phái nữ mang tiếng xấu. “Những phụ nữ đó thật là xấu xa. Họ quá tham lam. Họ chỉ muốn kiếm tiền dễ dàng. Ước gì mọi người đều đi làm, kiếm tiền chính đáng”, bà Sibongile nói.
Theo luật sư Nakai Nengomasha, thân chủ của ba nam giới nói rằng họ từng bị các nữ dâm tặc tấn công, con số nạn nhân thực sự có thể cao hơn báo cáo vì nhiều người không báo cảnh sát. “Nạn nhân thường cảm thấy mình mất nam tính, ghê sợ bản thân khi nói về những vấn đề như vậy. Họ cần phải vượt qua quan niệm sai lầm rằng nam giới không thể trở thành nạn nhân tình dục. Họ cần chống lại nếu là đàn ông thực sự”, ông Nengomasha nhận định.
Nạn nhân kể lại nỗi đau của mình trên truyền hình nói rằng ông từng có ý định tự tử. “Tôi cảm thấy bị xúc phạm và tuyệt vọng. Sau khi tôi kể chuyện với vợ, cô ấy bỏ tôi, mang theo ba đứa con. Tôi hy vọng cô ấy sẽ quay lại”.
Nhiều nam giới Zimbabwe nói rằng họ sợ đi nhờ, giờ chỉ dám đi xe buýt Ảnh: BBC. |
Vũ khí của các tay súng Congo
Trong khi đó, nhiều nhóm vũ trang hãm hiếp phụ nữ, coi đây là thú tiêu khiển giải tỏa ức chế, phản đối chính quyền, nâng cao tinh thần chiến đấu… Margot Wallstrom, đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc về bạo lực tình dục trong xung đột, nói rằng, Congo là “trung tâm hãm hiếp của thế giới”.
Riêng năm 2009, hơn 8.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp. Nhiều nhóm vũ trang làm mưa làm gió ở miền đông Congo và tất cả đều bị cáo buộc có nhiều hành động bạo lực ghê rợn đối với phụ nữ.
“Thủ lĩnh phiến quân hỏi tôi: ‘Cô muốn chúng tôi làm chồng cô hay muốn chúng tôi cưỡng hiếp cô?’. Tôi chọn bị cưỡng hiếp”, bà mẹ 8 con tên là Clementine kể lại. Bà giải thích: “Tôi tự nói với mình rằng, nếu mình nói muốn trở thành vợ chúng, chúng sẽ giết chồng mình. Tôi không muốn các con tôi lớn lên và nói rằng người khiến cha chúng chết lại là mẹ chúng”.
Nhưng sự hy sinh của bà Clementine không đủ. Chồng bà bỏ bà theo người khác. “Sau khi chúng hãm hiếp tôi, chồng tôi căm ghét tôi. Ông ấy nói rằng tôi dơ bẩn. Tôi đã hy sinh phẩm giá vì ông ấy, làm sao ông ấy lại có thể bỏ rơi tôi như thế?”. Bà Clementine nói mình sẽ không tái hôn. “Ông ấy là người chồng tôi đã chọn khi thề nguyền trong nhà thờ. Nếu Chúa muốn, ông ấy sẽ trở về”.
Jocelyn Kelly, nhà nghiên cứu của Chương trình Bạo lực Giới thuộc Sáng kiến Nhân đạo Harvard (Mỹ), cho rằng, những người đàn ông có vợ bị tấn công tình dục thường bị tổn thương nặng nề về tinh thần và họ có xu hướng trầm trọng hóa vấn đề. “Họ nói ‘Tôi không thể nhìn mặt vợ được nữa’. Mỗi khi nhìn thấy vợ, họ nhìn thấy một người mà họ không thể bảo vệ. Họ cảm thấy thất bại và cách duy nhất để giải quyết là bỏ vợ, bắt đầu lại”, bà Kelly nói.
Nhiều chuyện đau lòng như thế có thể bắt đầu từ những suy nghĩ, việc làm nông nổi của những người như Emmanuel. Mấy năm trước, anh còn là vị thành niên và là thành viên của nhóm phiến quân CNDP. Emmanuel nói các tay súng CNDP cưỡng hiếp phụ nữ để bày tỏ sự giận dữ đối với chính quyền đã bỏ rơi họ.
Bao cao su để gom tinh trùng Ảnh: BBC. |
“Các phiến quân, thậm chí binh sĩ chính phủ thường hãm hiếp vì chúng tôi ở những nơi hẻo lánh và không được trả lương. Nếu có lương thì thường đến muộn. Sau một thời gian dài sống trong rừng không bóng dáng phụ nữ, nếu một phụ nữ xuất hiện thì tất cả chúng tôi đều tận dụng”, anh Emmanuel nói.
Đổ lỗi cho hoàn cảnh
Bà Marie-Claire Faray (người Congo), Phó Chủ tịch Liên minh Phụ nữ Quốc tế vì Hòa bình và Tự do, nói rằng, những người như Emmanuel không được đổ lỗi như vậy. “Họ chỉ muốn tiêu khiển. Không liên quan việc chiến đấu vì chính nghĩa”, bà nói. Bạo lực tình dục được dùng như một vũ khí chiến tranh với sự dã man cùng cực.
Tại một trung tâm ở thị trấn Goma miền đông Congo, 57 phụ nữ từng bị cưỡng hiếp đang được điều trị. Trong một căn phòng, một mùi rất khó ngửi tỏa ra, cảm giác như là mùi nhà vệ sinh lâu ngày không được lau dọn. Nhưng không, mùi bốc ra từ những người phụ nữ.
Một số bị rò đường tiểu, không thể tự chủ tiểu tiện. Một cô gái 15 tuổi kể mình bị 10 phiến quân của nhóm Interahamwe bắt cóc. Họ giam giữ cô khoảng một năm để làm nô lệ tình dục. “Họ thay nhau hãm hiếp tôi. Đến mức tôi không còn cảm thấy đau nữa”, cô kể. Nhóm phiến quân lấy nước từ ủng cao su của họ cho cô uống và thỉnh thoảng cho cô ăn.
Một binh sĩ chính phủ, người đang thụ án 20 năm tù ở Nhà tù trung tâm Goma nói rằng, ông tấn công người phụ nữ đầu tiên mình bắt gặp sau khi lén lút rời vị trí đóng quân. “Tôi yêu cầu cô ấy giúp đỡ. Tôi thèm sex. Cô ấy không muốn. Tôi ép cô ấy. Tôi cảm giác rằng nếu không quan hệ tình dục, tôi sẽ ốm. Sau đó, cô ấy bỏ đi mà không hề khóc, chỉ nói rằng sẽ tố cáo tôi. Tôi ân hận vì điều đó, giờ tôi ở trong tù”, ông nói. Người đàn ông này chỉ là một số ít dâm tặc mặc áo lính bị bắt và kết án, theo nhà nghiên cứu Jocelyn Kelly.
Thái An
Theo BBC