> Tìm tiền giúp Việt Nam xử lý dioxin, rà phá bom mìn
> Mỹ công bố giúp Đà Nẵng 1 triệu USD
Trong buổi họp báo kết thúc phiên họp thường niên lần thứ 6 của Ủy ban Cố vấn Hỗn hợp về Chất da cam (JAC) tại Hà Nội ngày 23-9, ông Lê Kế Sơn, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33), cho biết, Việt Nam đã quyết định thực hiện nghiên cứu khoa học cấp quốc gia từ nay đến 2015 về chất độc da cam/dioxin.
Ông Sơn nói rằng, Việt Nam chưa ước tính được tổng kinh phí cần thiết cho việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Phủ nhận con số 300 triệu USD Việt Nam cần để tẩy độc dioxin mà phóng viên AP (Mỹ) đưa ra, ông Sơn nói: “Về phía Ban chỉ đạo 33 và JAC, chúng tôi chưa bao giờ công bố số tiền trên và yêu cầu Mỹ cung cấp 50%”.
Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 33 nêu rõ, việc xử lý chất độc dioxin ở Việt Nam bao gồm cả vấn đề môi trường và con người. Về môi trường, không chỉ có 3 điểm nóng là sân bay Đà Nẵng, Biên Hoà (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định). Tại sân bay Biên Hoà, chưa tính toán được khối lượng đất và bùn cần tẩy độc, cần sử dụng công nghệ gì, nên chưa rõ số tiền cần là bao nhiêu.
Tại sân bay Đà Nẵng, phía Mỹ đã gửi thư cho phía Việt Nam cam kết số tiền cho dự án tẩy độc ở sân bay này là 40 triệu USD từ nay đến 2014. Phía Việt Nam tiếp tục trao đổi và yêu cầu tăng số tiền khắc phục hậu quả dioxin. Phía Việt Nam cần có dự án, công nghệ, rồi trao đổi với phía Mỹ để lựa chọn các dự án cùng tiến hành. Như vậy mới có cơ sở thuyết phục các cơ quan liên quan của chính phủ Mỹ về vấn đề này, ông Sơn nói. Hai bên nhất trí sẽ hoàn thành tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng vào năm 2015.
Tuy số kinh phí Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam tăng dần từ năm 2007, vấn đề dioxin đã được bàn thảo ở Thượng viện, Hạ viện Mỹ cũng như trong các cuộc họp cấp cao, nhưng công việc cũng như khó khăn của hai bên vẫn rất lớn, ông Sơn nói.
Đồng chủ tịch JAC từ phía Mỹ, ông Kevin Teichman, nhấn mạnh, các dự án đang tiến hành cần mang lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam và có ý nghĩa cho người dân, nếu không, chúng không thể bền vững khi tài trợ quốc tế kết thúc. Phiên họp thường niên lần thứ 6 của JAC nhất trí rằng, cần ưu tiên lĩnh vực y tế, tập trung các cộng đồng ở những vùng được coi là điểm nóng vì họ có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn, ông Teichman nói.