Nga thử thành công tên lửa xuyên lục địa

Tên lửa Bulava
Tên lửa Bulava
TP - Hải quân Nga hôm 7-10 phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava từ tàu ngầm ở Bạch Hải, sau nhiều lần thử thất bại. Một loại tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới đã được chế tạo để mang Bulava, loại tên lửa mới có thể chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ.
Tên lửa Bulava
Tên lửa Bulava. Ảnh: realmilitarynetwork.com

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Alexei Kuznetsov cho biết, trong vụ phóng thử, đầu đạn của tên lửa rơi trúng khu vực định sẵn ở trường bắn Kura trên bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông của Nga.

Tên lửa Bulava mang đầu đạn hạt nhân được giới quân sự Nga mô tả là hòn đá tảng tương lai của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga, trong lúc các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chế tạo từ thời Liên Xô đang dần bị loại.

Các quan chức Nga cho rằng, Bulava là loại vũ khí mới có khả năng chọc thủng bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa tiềm năng nào do có tính năng rời bệ phóng nhanh và luôn đổi hướng bất ngờ trong khi bay.

Chương trình tên lửa Bulava đã ngốn của Nga một ngân sách khổng lồ mà kết quả chưa được nhiều. Trong số 12 lần thử Bulava trước đó, chỉ có 5 lần được công bố là thành công.

Các quan chức quân sự Nga luôn quả quyết rằng, việc phóng thử thất bại là do khâu chế tạo bắt nguồn từ hệ thống quản lý yếu kém thời Liên Xô. Theo họ, rất khó kiểm soát chất lượng linh kiện tên lửa vì chúng do hàng trăm nhà thầu phụ cung cấp.

Ngày 7-10, ông Sergei Chemezov, Tổng Giám đốc tập đoàn công nghiệp quân sự Rostekhnologii, nói rằng, Nga chỉ nợ Iran tiền đặt cọc mua tên lửa phòng không S-300. Theo hợp đồng ký cuối năm 2007, Nga sẽ cung cấp cho Iran 5 hệ thống S-300 PMU-1 với tổng trị giá 800 triệu USD. Do Iran bị Liên hợp quốc cấm vận nên Nga buộc phải đơn phương hủy bỏ hợp đồng.

Ông Chemezov nói rằng, Nga đã nhận trước từ phía Iran 166,8 triệu USD nên nay phải trả lại số tiền đó, chứ Nga không có trách nhiệm phải trả thêm bất kỳ khoản nào.

Tên lửa S-300 được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu có giá trị cao như căn cứ quân sự, chỉ huy sở, trung tâm điều khiển…, có khả năng tiêu diệt bất kỳ mục tiêu bay nào từ tên lửa đạn đạo đến máy bay tầm xa 150 km trên độ cao 27 km. Do các dàn tên lửa dự định bán cho Iran đã được chế tạo xong, nên chúng có thể sẽ được bán cho một nước thứ ba.

Thực hiện lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chương trình hạt nhân của Iran, ngày 22-9, Nga ra lệnh cấm bán một số loại vũ khí cho nước này, bao gồm máy bay quân sự, máy bay trực thăng, tàu chiến, xe bọc thép, và tên lửa. Phía Iran luôn phản đối các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Tehran, đồng thời phủ nhận rằng nước này đang có chương trình chế tạo bom nguyên tử.

Đ.P
Theo New York Times,Ria-Novosti

MỚI - NÓNG