Vụ nổ hạt nhân hôm thứ Hai vừa qua của Triều Tiên có cường độ rất mạnh đủ tạo ra địa chấn 4,7 độ Richter và chấn động toàn cầu về một quốc gia hạt nhân mới không thể xem thường. Các chuyên gia vũ khí hạt nhân của Bộ Quốc phòng Nga cho rằng để tạo được địa chấn như vậy, sức công phá của vụ nổ hạt nhân này phải từ 10 đến 20 kilotons.
Tức là vụ nổ hạt nhân vừa qua của Bình Nhưỡng có sức mạnh tương đương với một quả bom nguyên tử mà năm 1945 Mỹ dùng để giết chết 140.000 người và san phẳng thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Báo International Herald Tribune từng có bài của tác giả Donald Greenlees dẫn lời ông Kim Dae Ho- một quan chức Triều Tiên chạy trốn vào Đại sứ quán Hàn Quốc ngày 27/4/1994- nói rằng người đầu tiên đặt nền móng hạt nhân của Bình Nhưỡng là nhà hóa học Lee Sung Ki.
Ông Kim Dae Ho từng giữ chức phó tổng giám đốc nhà máy tuyển quặng uranium của Triều Tiên nên có hiểu biết của người trong cuộc về quá trình hình thành chương trình nghiên cứu hạt nhân nguyên tử và công nghệ hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Kim Dae Ho cho biết, thời kỳ Triều Tiên còn bị Nhật Bản đô hộ, thần đồng Lee Sung Ki được cử sang Nhật Bản học ngành hóa. Sau này trở về Triều Tiên, ông nghiên cứu hạt nhân nguyên tử, được bổ nhiệm chức giám đốc Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử CHDCND Triều Tiên.
Ngoài Lee Sung Ki còn có hai nhà khoa học khác cùng tham gia lập ra ngành hạt nhân CHDCND Triều Tiên. Đó là hai nhà vật lý Do Sang Rok và Han In Suk. Giáo sư Do Sang Rok là nhà vật lý lý thuyết về trường lượng tử, được đào tạo tại Đại học Hoàng gia Kyoto, Nhật Bản.
Chính Giáo sư Do Sang Rok thiết kế máy gia tốc hạt đầu tiên và đi tiên phong thí nghiệm về phản ứng hạt nhân đầu tiên ở Triều Tiên. Nhà vật lý Han In Suk cũng được đào tạo ở Nhật Bản và Đức trước Thế chiến II. Sau năm 1945, ông Han In Suk được cử sang Liên Xô tiếp tục nghiên cứu về hạt nhân nguyên tử tại Đại học Tổng hợp Matxcơva.
Giáo sư Lee Sung Ki qua đời năm 1996, thọ 91 tuổi, còn Giáo sư Do Sang Rok qua đời năm 1990, thọ 87 tuổi. Chưa thấy tài liệu nào nói đến việc nhà vật lý hạt nhân Han In Suk còn sống hay đã mất.
Công nghệ cổ lỗ
CHDCND Triều Tiên bắt đầu đặt nền móng cho ngành chế tạo bom hạt nhân từ năm 1956 với sự tham gia của một nhóm các nhà vật lý và hóa học. |
Một tài liệu của Mỹ được đăng tải trên mạng globalsecurity.org nói rằng công nghệ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thuộc loại cổ lỗ sĩ của thời kỳ chiến tranh lạnh. Công nghệ này sử dụng phương pháp ly tâm để làm giàu uranium.
Dư luận trong giới chuyên gia vũ khí hạt nhân thế giới tin rằng, trước năm 1997, Triều Tiên mới chỉ có hiểu biết về nguyên lý làm giàu uranium chứ chưa có năng lực chế tạo bom nguyên tử. Thời gian này, Triều Tiên mới có hai lò phản ứng hạt nhân loại nhỏ phục vụ nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon, sử dụng công nghệ Magnox.
Năm 1986, Bình Nhưỡng đưa vào sử dụng lò phản ứng hạt nhân có công suất loại nhỏ 5 Mwe.
Ngoài ra CHDCND Triều Tiên còn xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân công suất lớn hơn, một ở Yongbyon công suất 50 MWe và một ở Taechong công suất 200 Mwe. Tuy nhiên, hai nhà máy này phải ngừng giữa chừng vào năm 1994 vì Triều Tiên tham gia ký hiệp định khung về hạt nhân.
Tại một tài liệu được phổ biến, các quan chức Mỹ cho rằng CHDCND Triều Tiên chỉ mở được bước đột phá về công nghệ vũ khí hạt nhân từ năm 1997 sau khi có cuộc trao đổi với Pakistan. Người cung cấp chìa khóa công nghệ làm bom nguyên tử cho Bình Nhưỡng là Tiến sĩ Abdul Qadeer Khan - cha đẻ của bom nguyên tử Pakistan.
Còn nữa