> Món ăn giúp bé yêu giảm cân khỏe mạnh
Để bảo vệ bé trước các căn bệnh nguy hiểm, mẹ cần đặc biệt chú ý tới vấn đề dinh dưỡng.
Bệnh giao mùa thường gặp ở trẻ
Nhóm bệnh lý hô hấp: Đây chính là “cửa ngõ thông thương” giữa cơ thể và môi trường. Vào thời điểm giao mùa hè sang thu, nhiệt độ giảm xuống, không khí khô hơn, từ đó gây ra khô niêm mạc của các hốc tự nhiên (miệng, mũi). Không khí khô làm lớp dịch nhày dễ đông vón, hạn chế tác dụng bảo vệ niêm mạc. Các bé dễ bị chảy máu cam, viêm mũi cấp và mãn tính.
Giao mùa cũng là thời điểm xuất hiện nhiều dị nguyên mới trong môi trường như phấn hoa (đặc biệt là hoa sữa, bụi bông…), bé rất dễ bị viêm mũi dị ứng, hen phế quản.
Bên cạnh đó, sự bùng phát mạnh của ba loại virus cúm A, B, C gây bệnh viêm đường hô hấp cấp, trong đó cúm A dễ tạo thành dịch. Riêng dạng cúm B, nếu bé mắc phải, ngoài những triệu chứng điển hình kể trên còn có hiện tượng giống viêm ruột thừa, nhiễm trùng. Virus Rhinovirus và Coronavirus làm nặng thêm các bệnh có sẵn như viêm phế quản mạn tính, hen. Trong trường hợp biến chứng, bệnh có thể gây viêm xoang cấp, viêm tai giữa ở bé
Nhóm bệnh lý tiêu hóa: Lồng ruột, tiêu chảy cấp do virut Rota… là bệnh lý tiêu hóa bé dễ gặp khi giao mùa. Khi nhiễm virus, đường hô hấp, hệ miễn dịch của bé phản ứng, có thể tạo nên những hạch lympho trên thành ruột, mạc treo ruột là nguyên nhân gây nên lồng ruột. Virut Rota được coi là căn nguyên hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ em, chúng đặc biệt “hoành hành” vào những ngày hè thu.
Nhóm bệnh lý dị ứng: Giao mùa là thời điểm xuất hiện nhiều tác nhân gây bệnh, chúng có vai trò như những dị nguyên gây dị ứng với các bệnh cảnh như: Viêm da dị ứng, mề đay, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), hen phế quản, viêm tiểu phế quản…
Dinh dưỡng cho trẻ khi giao mùa
Để giúp bé yêu của mình luôn khỏe mạnh, tránh xa các bệnh kể trên, mẹ cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng cho bé. Sau đây là một số điều mẹ cần lưu ý:
1. Cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng từ nhiều nguồn thực phẩm phong phú: Dinh dưỡng được chia thành 4 nhóm gồm tinh bột, các loại thịt, dầu mỡ, các loại rau quả. Mẹ cần cho bé ăn đủ cả 4 nhóm này nếu bé đã biết ăn. Nếu bé đang trong thời kỳ bú mẹ, mẹ cần hấp thụ đủ dinh dưỡng cho bản thân mình.
2. Thực phẩm dễ hấp thu: Hệ tiêu hóa của bé còn non yếu, mẹ nên chế biến những món dễ tiêu, không gây đầy bụng hay rối loạn tiêu hóa, nhờ đó hiệu quả của thức ăn đối với bé sẽ tốt hơn.
3. Đưa những thực phẩm có tác dụng phòng và trị bệnh vào khẩu phần của bé.
- Để phòng bệnh đường hô hấp, mẹ có thể nấu cho bé các món canh từ hẹ, tăng cường rau quả chứa nhiều vitamin C (cam, chanh, quýt, su hào, bưởi, cà chua, giá đậu…). Đặc biệt, sẽ rất tốt nếu mẹ tự trồng được một cây húng chanh trong vườn. Mỗi ngày mẹ nên hái 2-3 lá hấp cùng đường phèn (hoặc mật ong) và cho bé dùng hàng ngày (nước cốt hoặc bã, hoặc cả hai).
- Để tránh tiêu chảy cho bé, mẹ cần lưu ý tới vệ sinh ăn uống thật tốt. Nếu không may bé bị tiêu chảy, mẹ hãy cho bé ăn cháo cà rốt.
- Để hạn chế các bệnh dị ứng, mẹ cần tránh cho bé tiếp xúc các dị nguyên. Khi cho bé ăn hải sản, mẹ nên cho bé ăn từ ít đến nhiều để “dò” phản ứng của cơ thể.
- Cung cấp đủ nước cho bé và vệ sinh mũi, họng, miệng hàng ngày.
Sự quan tâm của mẹ trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ sẽ giúp bé luôn có sức đề kháng và thích nghi tốt với tiết trời giao mùa “khó tính”.
Bác sỹ Bích Ngọc
Đơn vị tư vấn chuyên môn:
Website: methongthai.vn
Email: tuvan@methongthai.vn
Số điện thoại: 04.628.151.22/ 0943.48.49.50
Địa chỉ: Phòng 2203 nhà 24T2 đường Hoàng Đạo Thúy, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội