Bất ổn Ảrập, bầu lãnh đạo IMF nóng ở hội nghị G8

Bất ổn Ảrập, bầu lãnh đạo IMF nóng ở hội nghị G8
TP - Hôm qua, lãnh đạo 8 nước giàu nhất thế giới dự hội nghị thượng đỉnh G8 ở Pháp để bàn giải pháp cho khủng hoảng hạt nhân Nhật Bản, kinh tế toàn cầu, các vấn đề an ninh và chính trị khu vực, nợ công khu vực đồng euro, người lãnh đạo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)…

Tại Hội nghị thượng đỉnh G8 kết thúc hôm nay (27-5), các đại biểu được chờ đợi tập trung thảo luận chính sách trợ giúp những nền dân chủ mới trong thế giới Ảrập, tranh luận ai sẽ điều hành IMF, hướng giải quyết cuộc chiến ở Libya. Các quan chức thuộc G8 (bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Nga) đã có một số cuộc thảo luận trước vào hôm 25-5 nhằm tìm kiếm quan điểm chung về một số vấn đề, từ kinh tế thế giới tới cuộc chiến ở Libya, mục tiêu hạt nhân của Iran và bất ổn ở Syria.

Trợ giúp các nền dân chủ Ảrập

Một gói cứu trợ trị giá nhiều tỷ USD cho Tunisia và Ai Cập hy vọng sẽ được thông qua, sau khi các cuộc nổi dậy đã hạ bệ một số nhà lãnh đạo chuyên quyền. Theo nhiều nhà quan sát, một thỏa thuận hỗ trợ các nước trong khu vực muốn có nền dân chủ có thể sẽ được những thành viên G8 đồng ý. Xung đột đẫm máu ở Yemen giữa phe nổi dậy và lực lượng trung thành với Tổng thống Ali Abdullah Saleh cũng thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo G8. Mỹ, nhà tài trợ chính của Tổng thống Ali Abdullah Saleh, hôm qua gọi nhân viên ngoại giao của mình ở Yemen về nước sau khi giao tranh giữa hai phe ngày càng ác liệt.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G8, dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục các đồng minh cam kết sâu hơn vào Trung Đông và Bắc Phi. Ông kêu gọi nhóm G8 không chỉ viện trợ, trợ giúp, mà còn thúc đẩy đầu tư dài hạn và tăng cường thương mại. “Chúng ta chia sẻ lợi ích chung khi thấy quá trình chuyển đổi ở Ai Cập và Tunisia thành công và trở thành kiểu mẫu cho khu vực”, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner viết trong một lá thư gửi tới nhóm G8 hôm 25-5. Tuy nhiên, những cuộc nổi dậy chống lại các nước đồng minh phương Tây, đặc biệt là ở vùng Vịnh với tiềm năng dầu mỏ lớn, có khả năng sẽ không được trợ giúp.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G8, có khả năng Tổng thống Nga Dmitri Medvedev sẽ bày tỏ quan tâm đối với vấn đề Libya, khi các cuộc không kích của NATO hơn 2 tháng qua không đánh bại được nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi. Nga vốn phản đối can thiệp quân sự, nên muốn đề xuất kế hoạch ngừng bắn sau khi các phái đoàn của cả ông Gadhafi và lực lượng đối lập được mời tới thủ đô Mátxcơva để đàm phán. “Ông Gadhafi đã phạm tội và phải chịu trách nhiệm, nhưng trong quá trình chuyển đổi chính trị, chúng tôi muốn tất cả các bên đều tham gia. Nga sẵn sàng đóng vai trò hòa giải nếu các nước khác sẵn sàng, nhưng để thực hiện điều đó thì cần ngừng bắn”, ông Alexander Orlov, đại diện ngoại giao của Nga tại Pháp, nói. Hôm qua, chính phủ của ông Gadhafi mà đại diện là Thủ tướng Al-Baghdadi Ali Al-Mahmoudi liên lạc một số nước phương Tây, trong đó có Tây Ban Nha, đề nghị ngừng bắn ngay lập tức.

Một người biểu tình hô khẩu hiệu phản đối Hội nghị thượng đỉnh G8 Ảnh: Reuters
Một người biểu tình hô khẩu hiệu phản đối Hội nghị thượng đỉnh G8 Ảnh: Reuters.

Vẫn bàn chuyện người đứng đầu IMF

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G8, Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde thông báo sẽ ứng cử vào vị trí tổng giám đốc IMF, sau khi nhận được sự nhất trí từ 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, cũng như sự hậu thuẫn của Mỹ và Trung Quốc. “Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo G8 sẽ tranh luận vấn đề này, ngay cả khi bà Lagarde có thể sẽ là ứng viên sáng giá nhất. Nhưng vấn đề là Tây Âu có nên thống trị vị trí này hay không và tại sao không phải là nước khác, đặc biệt là khối các nước mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng có ứng viên của riêng họ?”, đại sứ Alexander Orlov nói.

IMF đã thông báo sẽ thực hiện quy trình lựa chọn dựa trên tài năng để tìm người thay thế ông Strauss-Kahn. Tổ chức này ra hạn chót vào ngày 30-6 sẽ tìm ra người lãnh đạo mới. Kể từ năm 1945 khi IMF được thành lập, cương vị này luôn thuộc về người châu Âu. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi hàng đầu đề xuất ứng cử viên họ ủng hộ. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Pravin Gordhan có khả năng sẽ bảo vệ vị trí của nhóm BRICS.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại một cuộc họp hôm 25-5 cho rằng, thế giới mạng cần nhiều hơn quy tắc của thế giới thực. Ngay sau đó, nhiều nhà hoạt động vì tự do internet và doanh nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật số nói rằng, nếu các nhà lãnh đạo G8 cố hạn chế tiếp cận internet thì họ sẽ có cách lách qua. Đầu năm nay, Twitter hợp tác với Google để tạo ra dịch vụ cho phép người dân Ai Cập đăng tải thông điệp trên internet sau khi chính phủ nước này cắt truyền truy cập mạng nhằm dập tắt những cuộc biểu tình trên đường phố.

Thái An
(theo Reuters, AP, Xinhua)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hàng rào sắt dải phân cách đường Giải Phóng bất ngờ bị 'nhổ trụi'
Hàng rào sắt dải phân cách đường Giải Phóng bất ngờ bị 'nhổ trụi'
TPO - Không hiểu vì sao hàng rào sắt ở dải phân cách giữa đường Giải Phóng (Hà Nội) bất ngờ bị tháo gỡ, thậm chí có đoạn bị 'nhổ trụi tận gốc'. Hệ thống hàng rào sắt này được sơn sửa thường xuyên và còn mới nhưng bị nhổ đi không một biển thông báo, không chỉ người dân thấy khó hiểu mà thậm chí lực lượng chức năng như Thanh tra giao thông, CSGT cũng không nắm được 'số phận' của dãy hàng rào này ra sao.