Pakistan: Gồng mình cứu chính phủ khỏi sụp đổ

Pakistan: Gồng mình cứu chính phủ khỏi sụp đổ
TP - Ngày 3-1, Thủ tướng Pakistan Yussuf Raza Gilani vò đầu bứt tai nghĩ cách bảo toàn liên minh cầm quyền sau khi Đảng Phong trào Mutta Qaumi (MQM) rời bỏ liên minh cầm quyền để gia nhập lực lượng đối lập, đẩy Pakistan rơi vào khủng hoảng chính trị.
Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani Ảnh: smh.com.au
Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani. Ảnh: smh.com.au .

Phe đối lập chưa vận động bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Gilani, nhưng các nhà phân tích cho rằng, đó chính là điều lo ngại lớn nhất đối với chính phủ hiện nay ở Pakistan vào lúc chính phủ đang phải tìm cách ổn định phát triển kinh tế và kiềm chế hoạt động của nhóm vũ trang Taliban trong nước.

Do Đảng MQM ly khai, phe cầm quyền Pakistan hiện nay mất vị trí đa số trong Quốc hội. Đảng MQM ra khỏi liên minh cầm quyền vì bất đồng quan điểm đối với các chính sách tăng giá xăng dầu ở Pakistan. Đảng ly khai này cho rằng, mức giá xăng dầu mà chính phủ của Thủ tướng Gilani vừa đưa ra khiến người dân không thể chịu đựng nổi.

Cuộc khủng hoảng chính trị trong giới chóp bu ở Islamabad xảy ra đúng thời điểm Mỹ đang gia tăng áp lực đối với chính phủ Pakistan liên quan chính sách đối với các phe nhóm Hồi giáo vũ trang. Ngoài ra, chính phủ của Thủ tướng Gilani còn đứng trước sức ép từ phía Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc phải thực hiện cải cách hệ thống thuế vốn rất nhạy cảm về chính trị. Đây là điều kiện để IMF cho vay 11 tỷ USD.

Việc Đảng MQM rút ra khỏi liên minh cầm quyền có nghĩa là nếu các đảng đối lập hợp sức lại, họ có thể buộc Quốc hội tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của ông Gilani. Ông Faisal Subzwairi, Chủ tịch Đảng MQM, cho biết, đến nay đảng của ông chưa nghĩ đến khả năng tham gia bỏ phiếu bất tín nhiệm, mà chỉ đòi chính phủ rút lại các chính sách mới về giá xăng dầu.

Kể từ ngày 1-1, giá xăng dầu ở Pakistan tăng 9% khiến tình hình lạm phát càng thêm tồi tệ. Đảng MQM còn cho rằng, chính phủ của Thủ tướng Gilani đã làm chưa hết trách nhiệm để cải thiện an ninh ở thành phố Karachi, nơi đặt trụ sở chính của đảng này.

Ngày 3-1, Thủ tướng Gilani gặp ông Hussain, thủ lĩnh đảng đối lập lớn nhất là Liên đoàn Hồi giáo Pakistan, để tìm kiếm sự ủng hộ của đảng này. Sau cuộc gặp, Thủ tướng Gilani cho biết, ông Hussain không hề đề cập vấn đề thay thế đương kim thủ tướng Pakistan.

Tình hình khủng hoảng chính trị hiện nay ở Pakistan khiến các nhà phân tích chính trị đặt ra nhiều câu hỏi đối với năng lực của chính phủ trong việc đáp ứng đòi hỏi của IMF là thực hiện cải cách kinh tế để thoát khỏi tình trạng nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Đ.P (Theo Reuters)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG