Tiếp phiên xử Huyền Như:

Vụ án kỷ lục, với nhiều điều lạ

Huyền Như bị dẫn giải rời tòa
Huyền Như bị dẫn giải rời tòa
Ngày 9/1, TAND TP.HCM tiếp tục diễn ra phiên xét xử "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như. Tính đến thời điểm này, vụ án diễn ra với nhiều tình tiết lạ và đạt được nhiều "kỷ lục" mà từ trước đến nay chưa hề có.

Số tiền chiếm đoạt kỷ lục

Chiếm đoạt 5.000 tỷ, số chưa thu được gần 4.000 tỷ, số tài sản đã thu giữ chỉ hơn 600 tỷ, số có nguy cơ mất trắng xấp xỉ 3.300 tỷ. Đây là vụ án có lẽ có số tiền thất thoát lớn nhất từ trước đến nay, gấp nhiều lần so với số tiền thất thoát của các vụ Vinashin, Vinalines, Minh Phụng…

Thủ đoạn chiếm đoạt đơn giản

Là Quyền Trưởng phòng giao dịch, không có gì tinh vi, không phải lập kế hoạch rồi tổ chức thực hiện, với nhiều đồng phạm có phân công chặt chẽ, khi cần trả nợ, chi tiêu, để chiếm đoạt tiền, Huyền Như chỉ cần giả chứng từ, giả chữ ký để rút tiền, chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng tại Ngân hàng Công thương; giả chữ ký, làm giả hồ sơ vay tiền tại chính Ngân hàng Công thương.

Tiền, tài sản do phạm tội mà có chưa được thu hồi triệt để

Hầu hết số tiền chiếm đoạt chưa được xác định cụ thể để thu hồi, Kết luận điều tra, Cáo trạng chỉ nêu phụ lục về việc những cá nhân, tổ chức, đã được Huyền Như chi trả tiền, không chi tiết. Không đề cập đến chuyện thu hồi hoặc tại sao không thu hồi.

Qua quá trình xét hỏi tại Tòa cho đến hôm nay, đã chuyển qua phần các luật sư tham gia xét hỏi, nội dung tiền chiếm đoạt đi đâu vẫn chưa được làm rõ.

Trả lời Hội đồng xét xử, Huyền Như nêu không nhớ chi tiết, đã khai với Cơ quan điều tra.

Hai lần Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Trong vụ án này, đã hai lần Viện kiểm sát trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, yêu cầu xác định trách nhiệm trả của Ngân hàng Công thương với tiền gửi của khách hàng đã chuyển hợp pháp vào tài khoản của khách tại Ngân hàng Công thương.

Đối với những trường hợp này, Ngân hàng Công thương là đơn vị bị Huyền Như chiếm đoạt tiền. Ngân hàng Công thương phải trả tiền cho khách hàng.

“Nạn nhân” bất đắc dĩ từ chối đòi tiền thủ phạm, không đến Tòa

Nhiều doanh nghiệp, cá nhân gửi tiền vào Ngân hàng Công thương, sau đó bị Huyền Như rút tiền chỉ biết mình là nguyên đơn trong vụ án, để đòi tiền Huyền Như sau khi nhận được thông báo của Tòa.

Công ty chứng khoán Phương Đông, Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên, Công ty chứng khoán SBBS, Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt …, được Tòa xác định là nguyên đơn trong vụ án, bị Huyền Như chiếm đoạt tiền đã từ chối đòi tiền Huyền Như.

Đồng thời yêu cầu Ngân hàng Công thương phải trả tiền. Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt cho đến nay không tham gia phiên tòa.

Bị đơn “giấu mặt”

Bị nhiều cá nhân, doanh nghiệp đòi tiền, đòi phải chịu trách nhiệm về việc quản lý tài khoản tiền gửi , nhưng Ngân hàng Công thương lại chỉ tham gia tố tụng với tư cách Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do được Huyền Như trả tiền, không tham gia tố tụng với tư cách bị đơn.

Hội đồng xét xử trả lời Tòa xác định người bị hại, nguyên đơn theo cáo trạng

Các Nguyên đơn bất đắc dĩ nêu ý kiến, việc xác định nguyên đơn phải theo luật, phải là người, tổ chức bị thiệt hại và có đơn yêu cầu bồi thường. Trong trường hợp này, họ không bị thiệt hại và không có đơn yêu cầu Huyền Như bồi thường, Ngân hàng Công thương mới là đơn vị bị thiệt hại.

Thời gian xét hỏi rất nhanh

Thời gian xét xử dự kiến kéo dài từ ngày 6/1/2014 đến 25/1/2014 nhưng mới đến ngày xét xử thứ tư, đã đến phần xét hỏi của các luật sư.

Vụ án rất phức tạp, số lượng bị cáo, đương sự rất nhiều, số liệu rất lộn xộn thì tốc độ xét hỏi như vậy là rất nhanh.

Trong đó, phải kể đến việc xét hỏi về hành vi chiếm đoạt khoản tiền gửi 200 tỷ đồng của Ngân hàng Nam Việt, Hội đồng xét xử chỉ tiến hành thẩm vấn trong vòng dăm mười phút.

Viện kiểm sát không tham gia xét hỏi sau Hội đồng xét xử

Sau khi Hội đồng xét hỏi kết thúc phần xét hỏi, đến lượt mình, đại diện Viện kiểm sát đã không tham gia xét hỏi, vì Hội đồng xét xử đã hỏi đủ.

Hỏi hay không là quyền của Viện kiểm sát, tuy nhiên một “đại án” kỷ lục, phức tạp, có nhiều vấn đề tồn tại, phải chăng Hội đồng xét xử đã có phương án xét hỏi quá hoàn hảo, đến mức Viện kiểm sát không hỏi gì thêm.

Luật sư: Cách xét hỏi lạ?

Trong ngày xét hỏi tiên của các luật sư, nhiều luật sư bảo vệ quyền lợi cho các khách hàng gửi tiền bị mất tiền đã rất quyết liệt để hỏi đại diện Ngân hàng Công thương về trách nhiệm quản lý tiền, về việc hoàn trả tiền, về việc tự ý trích tiền của khách để thu nợ vay trái pháp luật của chính mình với Huyền Như.

Nhưng rồi tất cả đều chưng hửng vì chủ tọa phiên tòa không cho các luật sư hỏi trực tiếp, yêu cầu các luật sư chỉ nêu câu hỏi, rồi Ngân hàng Công thương sẽ tập hợp lại trả lời chung.

Trong khi đó, các bị cáo, các đương sự khác đều phải trực tiếp trả lời ngay các câu hỏi của luật sư. Đặc biệt, người nhận được nhiều câu hỏi nhất chính là Huyền Như cũng phải lần lượt trả lời trực tiếp các câu hỏi của từng luật sư. Rất nhiều luật sư và người tham dự phiên tòa đã phản ứng với cách điều hành này. Liệu còn có thêm các nội dung lạ khác?

"Cơ quan điều tra chưa áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi vật chứng ở các địa chỉ đã được xác định là chưa thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự"- Luật sư Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự, TAND Tối cao.

 
Theo Báo Đất Việt
MỚI - NÓNG