Ông Nguyễn Tiến Bình cho biết thêm, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ có văn bản kiến nghị Cục Điều tra – Viện KSND Tối cao vào cuộc, làm rõ những hoạt động tư pháp của Công an TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái trong vụ án này, vì ông Bình cho rằng có dấu hiệu “bất bình thường”.
Trước đó, Tổng Biên tập báo Giáo dục Việt Nam cũng đề nghị chuyển vụ án của nhà báo Lê Duy Phong lên Cơ quan điều tra Bộ Công an thụ lý, “nhằm đảm bảo tính khách quan”. Lý do ông Bình đề nghị là thời gian qua ông Phong điều tra một số sự việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo ở Yên Bái, nên Công an TP Yên Bái điều tra sẽ “hơi nhạy cảm, dễ gây thiệt thòi cho ông Phong”.
Trong một động thái khác, các luật sư Báo Giáo dục Việt Nam thuê bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nhà báo Lê Duy Phong đã đăng ký làm việc với Công an TP Yên Bái để được cấp giấy chứng nhận bảo vệ cho ông Phong từ giai đoạn điều tra. Một số luật sư khác cũng đã lên tiếng sẵn sàng vào cuộc bảo vệ miễn phí cho ông Phong.
Ông Phong cùng tang vật. Ảnh CAND
Như tin đã đưa, ngày 22/6, tại một nhà hàng ở TP Yên Bái, Công an TP Yên Bái đã bắt ông Lê Duy Phong, thu giữ một số tang vật, tài liệu liên quan. Theo cơ quan điều tra, ông Phong đã lợi dụng hoạt động báo chí để chiếm đoạt tài sản của một doanh nghiệp tại tổ 66, phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái.
Sau đó, cơ quan điều tra đã khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Phong. Các quyết định trên đã được Viện KSND TP Yên Bái phê chuẩn.
Cũng trong những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp lại bản tường trình được cho là của một nữ sinh viên đi cùng ông Lê Duy Phong, cũng là một trong những nhân chứng. Theo bản tường trình này, trong bữa ăn tại nhà hàng trưa 22/6, ông Phong và những người xung quanh chỉ nói chuyện vui đùa, không bàn công việc. Sau đó, một người đàn ông tên T. cố dúi tiền vào túi quần ông Phong. Ít phút sau, công an ập vào, bắt giữ ông Phong, lập biên bản phạm tội quả tang…