Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật CSB Việt Nam là phạm vi hoạt động được quy định rõ tại điều 12. Trong trường hợp cần thiết, vì mục đích nhân đạo, hòa bình, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, CSB Việt Nam được hoạt động ở địa bàn liên quan, trên vùng biển nước ngoài, vùng biển quốc tế, nhưng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, thỏa thuận song phương, điều ước và pháp luật quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.
Một điểm mới trong dự thảo Luật này là quy định rõ trách nhiệm của các Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đối với CSB Việt Nam. Theo đó, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước và chỉ huy, chỉ đạo toàn diện CSB Việt Nam. Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thông báo, cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và các thông tin khác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của CSB Việt Nam. Phối hợp truy tìm, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật theo đề nghị của CSB Việt Nam.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thông báo, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết về chủ trương, chính sách, hoạt động đối ngoại của Nhà nước; các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSB Việt Nam. Hướng dẫn, hỗ trợ CSB Việt Nam về nghiệp vụ đối ngoại trong giải quyết các vụ việc liên quan đến yếu tố nước ngoài thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSB Việt Nam…
Cũng theo dự thảo Luật, CSB Việt Nam được trang bị tàu thuyền, xuồng, máy bay và các phương tiện khác; được trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ và trang thiết bị phương tiện nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ (do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết). Tàu thuyền, máy bay và phương tiện khác của CSB Việt Nam có màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu riêng (do Chính phủ quy định chi tiết).