Doanh nhân Thái Bình chế tạo tàu ngầm 'Trường Sa'

Doanh nhân Thái Bình chế tạo tàu ngầm 'Trường Sa'
Chiếc tàu ngầm mini đầu tiên đang được hoàn thiện để chạy thử trên biển vào tháng 11, phiên bản tiếp theo được thiết kế đủ lớn để mang vũ khí.

> Nam sinh chế tạo tàu ngầm chỉ với 2.000 USD
> Chàng trai chế Robot phun thuốc trừ sâu

Chiếc tàu ngầm mini do nhóm kỹ sư và công nhân ở Thái Bình tự sản xuất. Ảnh: Quốc Hòa
Chiếc tàu ngầm mini do nhóm kỹ sư và công nhân ở Thái Bình tự sản xuất. Ảnh: Quốc Hòa.

Theo thuyết trình của nhóm thiết kế, tàu ngầm mini tên Trường Sa có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi, bán kính hoạt động 800 km. Tàu có thể lặn sâu 50 m và có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu được trang bị hai động cơ 90Hp. Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP, thời gian lặn 15 giờ; thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày; tốc độ tính toán 40 hải lý/h.

Đứng đầu nhóm chế tạo là ông Nguyễn Quốc Hòa, 56 tuổi. Ông là giám đốc một công ty cơ khí ở Thái Bình. Ông cho biết, chiếc tàu ngầm mini không làm rập khuôn theo bất kỳ hình dáng chiếc tàu nào trên thế giới mà học hỏi từ nhiều mô hình khác nhau.

Mục đích khi chế tạo con tàu này theo ông Hòa là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phục vụ thương mại và đánh bắt hải sản.

"Bờ biển Việt Nam rất dài, mỗi người, mỗi tập thể nên cùng nhau góp sức để bảo vệ bờ biển, từ đó tăng khả năng khai thác hải sản, bảo vệ ngư dân và thực hiện chủ quyền", ông Hòa nói về ý tưởng khi đóng chiếc tàu.

"Mọi người đều nghĩ tàu ngầm là thứ gì khó khăn, phức tạp. Với chút hiểu biết của bản thân, tôi muốn thử xem thế nào. Điều này cũng để chứng tỏ với mọi người và thế giới thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể làm tàu ngầm chạy được", ông Hòa nói.

Khi thấy ông Hòa thực hiện công việc trên, nhiều người nói là ông "bị điên", nhưng bỏ mặc những lời nói đó, ông cùng các nhân viên công ty vẫn theo đuổi ý tưởng được cho là "kỳ quái". Con tàu đang được hoàn thiện và chuẩn bị mang ra thử nghiệm.

Để tìm ra công nghệ phù hợp, ông Hòa và đồng nghiệp đã tham khảo thông tin trên Internet, đọc các tạp chí khoa học thế giới để nghiên cứu và áp dụng vào thực tế của Việt Nam.

Theo ông Hòa, nếu rập khuôn theo công nghệ của thế giới thì khó mà thực hiện được. AIP còn gọi là công nghệ không khí tuần hoàn độc lập, "công nghệ tuyệt vời cho tàu ngầm", ông Hòa nhấn mạnh.

Ông Hòa phân tích, các tàu ngầm khi lặn xuống nước mà động cơ không hoạt động được phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn pin, hay ắc-quy - hai thứ vô cùng đắt đỏ. Một số tàu ngầm lặn được thời gian ngắn là bởi nó sử dụng pin, khi hết pin, tàu sẽ nổi lên, vì thế hạn chế khả năng hoạt động của tàu ngầm. Tuy nhiên, công nghệ chạy không khí tuần hoàn độc lập sẽ giúp kéo dài thời gian lặn ra của tàu ngầm.

Nếu hoạt động bằng pin, tàu Trường Sa chỉ lặn tối đa hơn một tiếng đồng hồ rồi nổi lên. Nhưng chạy bằng không khí tuần hoàn độc lập từng được áp dụng cho tàu ngầm lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản, con tàu ngầm mini của nhóm ông Hòa sẽ hoạt động lâu hơn nhiều. "Tàu có thể lặn vài ngày, thậm chí là hàng tuần mới phải nổi lên mặt nước. Tất nhiên, tàu ngầm thông thường không thể so với tàu ngầm hạt nhân được", ông Hòa nói.

Ông đang xây dựng bể thử nghiệm tàu ngầm trước khi đưa ra biển. "Nếu thử nghiệm thành công, chúng tôi sẽ chế tạo tàu ngầm lớn gấp đôi tàu mini hiện có. Con tàu lớn này có thể mang ba tấn, đủ sức để trang bị hai quả ngư lôi", ông Hòa nói.

Theo kế hoạch, tháng 11 tới, ông Hòa và đồng nghiệp sẽ đưa tàu ngầm mini ra biển. Ban đầu, ông định chạy thử từ cảng Diêm Điền tới Bạch Long Vĩ. Nếu thành công, ở giai đoạn hai, ông sẽ đưa tàu từ Sài Gòn tới Trường Sa.

"Tôi chắc tàu ngầm của chúng tôi sẽ thành công khi thử nghiệm và tiến tới Trường Sa trong thời gian tới", ông Hòa nói.

Tàu Trường Sa nhìn từ trên xuống. Ảnh: Quốc Hòa
Tàu Trường Sa nhìn từ trên xuống. Ảnh: Quốc Hòa.

Hình ảnh về chiếc tàu ngầm trên khi đưa lên mạng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong đó, có hai đặc điểm khiến mọi người ngờ vực, đó là công nghệ AIP và vận tốc của tàu đạt tới 40 hải lý/h.

AIP (Air Independent Propulsion - động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập), được đề xuất bởi kỹ sư nổi tiếng người Tây Ban Nha, ông Narcís Monturiol i Estarriol. Năm 1867, ông đã phát minh thành công một động cơ đẩy không khí độc lập dựa trên một phản ứng hóa học. Hiện có nhiều khái niệm quanh công nghệ AIP nhưng nó có cùng một nguyên tắc là giúp động cơ tàu ngầm hoạt động dưới nước mà không cần đến ống thông hơi.

Công nghệ này không phải nước nào cũng có thể áp dụng. Các tàu ngầm đang được trang bị động cơ AIP trên thế giới gồm: Tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp; Type-209/212/214 của Đức; tàu ngầm lớp Lada, Amur của Nga, tàu ngầm lớp Asashio, Soryu của Nhật Bản; tàu ngầm lớp Gotland, Södermanland, Archer của Thụy Điển; tàu ngầm S-80 của Tây Ban Nha; tàu ngầm lớp Type-041 lớp Nguyên (Yuan) của Trung Quốc.

Vì thế, việc nhóm ông Hòa sử dụng công nghệ AIP khiến nhiều người nghi ngờ.

Bên cạnh đó, thông tin giới thiệu vận tốc của tàu đạt tới 40 hải lý/h cũng khiến không ít người "hoảng hốt". Phần đông cho rằng, một tàu ngầm có tốc độ di chuyển chỉ trên dưới 10 hải lý/h, còn với 40 hải lý/h, tàu ngầm mini trên đạt tốc độ của một trái ngư lôi.

Đây không phải lần đầu tiên có thông tin Việt Nam chế tạo được tàu ngầm. Trước đó, các nhà khoa học ở Đại học Nha Trang, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng từng giới thiệu về mô hình này. Việt kiều Phan Bộ An cũng từng công bố tàu ngầm do ông chế tạo.

Theo Hương Thu
vnexpress.net

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG