Bạn của người đi biển

Bạn của người đi biển
Có thể nói rằng, một phần nhờ có sóng Viettel, mà những người lính hải quân có nhiều niềm vui, cứ sự động viên từ đất liền để vững vàng bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Ngay khi biết tôi chuẩn bị đi Trường Sa, điều đầu tiên mọi người khuyên tôi là có ngay tài khoản Viettel. Và giờ đây, khi kết thúc chuyến hành trình, tất cả những số điện thoại mà tôi lưu lại của những người ngư dân Trường Sa, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, những người ra công tác Trường Sa ngắn ngày và dài ngày, hay lâu năm, tất cả đều là số Viettel.

Ngay đêm đầu tiên trên biển, trong chuyến hành trình Trường Sa, Viettel đã tặng tôi món quà đầu tiên. Giữa biển đêm thăm thẳm bỗng hiện lên hai toà lâu đài như được xây bằng ánh sáng, với hai mặt trời đỏ lửa rực sáng phía trên. Đó là hai mỏ khai thác dầu Bạch Hổ và Tê Giác Trắng. Và lập tức, máy của tôi lên vạch. Tôi kịp gọi điện về cho gia đình mình. Tôi đã không lỡ giờ kể chuyện cổ tích cho các con trong đêm đầu tiên xa đất liền. Tôi đã kể cho hai con của tôi nghe về hai toà lâu đài bằng ánh sáng lung linh như lơ lửng giữatrời và biển đêm với hai vầng mặt trời đỏ ấm. Như là lâu đài của Nàng Tiên Cá. Câu chuyện cổ tích đầu tiên trên biển tôi kể cho các con nghe được kể trên sóng Viettel.

Đến Sinh Tồn Đông thì có mưa. Cơn mưa chiều lan nhanh trên mặt biển phẳng lặng, chạy ngang qua tàu chúng tôi. Loa trên cabin chỉ huy giục giã mọi người ra lấy quần áo phơi khiến trên hành lang dọc hai mạn tàu đông nghịt. Và bỗng một tiếng reo tưng bừng "Cá heo! Có cá heo!". Với một người mẹ trẻ lần đầu tiên có chuyến công tác dài ngày trên đại dương đó là tin mừng quá lớn. Đến mức đang nói chuyện với con trai, tôi hét lên: “Từ từ đã nhé! Để mẹ chụp ảnh con cá heo cho con!”. Nhờ chiếc Samsung Galaxy Camera, máy ảnh có sim Viettel để online đọc báo, lại đúng lúc chúng tôi đang rời Nam Yết đi Sinh Tồn Đông, quãng đường đang căng sóng. Bức ảnh đôi cá heo nhảy lên giỡn mưa là món quà Trường Sa đầu tiên tôi dành cho cậu con trai ở nhà.

Ông Thu, với mái tóc buộc túm đuôi ngựa và bộ râu dài trông giống như một đạo sĩ già, là người canh hải đăng ở Trường Sa gần 20 năm, từ Song Tử Tây cho đến Sinh Tồn, vẫn còn nhớ những ngày ông theo tàu tiếp tế về nghỉ phép, nhận những tập thư dày hàng gang tay của lính biển nhờ mang vào đất liền. Ông giơ hai bàn tay ra ngang tầm vai mình để diễn tả những tệp thư buộc chặt của lính hải quân. Những lá thư ông mang vào bất kỳ cảng nào, đưa vào bưu điện gần nhất, trút vào thùng thư tất cả nhung nhớ của lính Trường Sa.

Một đại tá Hải quân vẫn còn nhớ thời ông theo tàu một năm một lần mang thư, mang báo vào cho đảo. Lính đảo không thể nén đợi mang về phòng, đọc ngay dưới gốc phong ba, cánh nhà báo chụp ảnh thành những bức ành điển hình về lính Trường Sa. (Những bức ảnh như thế thật sự đã đi vào lịch sử, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thay vào đó là hình ảnh những chàng lính trẻ sau giờ huấn luyện nhắn tin hay gọi điện về nhà.)

Ông kể có những người lính chờ đợi hàng năm không nhận được thư nhà, không thấy tên mình được gọi lên, trong khi bạn bè đọc thư, đã về phòng ôm gối nằm khóc ướt gối. Có cậu lính vì hoàn cảnh cha mẹ không viết được thư, lặng lẽ viết thư cho chính mình, để đến 6-7 tháng sau nhận được những lời động viên mình từ chính mình trong quá khứ.

Cả người gác hải đăng kỳ cựu lẫn ông đại tá một đời ngang dọc đều công nhận rằng sóng Viettel đã làm thay đổi toàn diện và sâu sắc cuộc sống của những người làm việc trên biển. Với người lính hải quân, thời gian 1 năm đã chỉ còn là 1 giây chờ đợi để được nghe tiếng nói nao nức của người thân thì thầm ngay bên tai mình giữa tiếng sóng biển ầm ào.

Cuộc sống ở Trường Sa có thể chia rành rẽ làm hai thời kỳ "trước khi có sóng Viettel" và "sau khi có sóng Viettel". Những lứa lính trẻ ra đảo sau này không biết gì nhiều về thời kỳ "trước Viettel", thời kỳ đó chỉ còn lưu dấu trong ký ức của những con sói biển già với mái tóc đã bạc màu cánh sóng.

Chàng Trung úy Hải quân quê Cam Ranh (Khánh Hòa) kể về cậu con trai mới sinh mà anh biết về sự lớn lên từng ngày của bé qua những bức ảnh vợ anh chụp gửi cho anh bằng điện thoại di động.

Trên đảo Sinh Tồn, tôi gặp những cậu lính đọc báo và check mail bằng iPhone. Trên đảo Nam Yết, tôi gặp một nhóm các cậu lính trẻ măng chưa cậu nào có điện thoại. Tôi hỏi không có điện thoại các cậu liên lạc với gia đình thế nào? Viết thư tay hay gọi điện thoại bàn? Các cậu trai quê cười lỏn lẻn nhìn chàng trung úy quê Cam Ranh, một cậu nhanh miệng. "Tụi em mượn sếp".

Hường là một ngư dân làm việc trên một tàu cá, vùng đánh bắt của anh là quanh khu vực biển Trường Sa, chúng tôi đi nhờ tàu của anh tới nhà dàn DK1/12. Công việc thường xuyên của anh là câu cá ngừ đại dương. Chiếc mũ đan bằng cói của anh đã rách tươm nên tôi tặng anh chiếc mũ vải tai bèo bằng vải xanh lá cây của tôi. Anh tặng lại tôi hai chiếc vàm dùng để buộc dây câu cá ngừ mà anh dùng như hai cái cặp quần áo trên tàu. Anh kể với tôi về những bữa ăn bằng cá ngừ tươi kéo lên từ đại dương, xẻ thịt quẹt mù tạt, về chú lợn lúc mua ở đất liền là 60kg, sau hơn hai tháng ngày vỗ béo bằng cơm thừa và cá biển, chàng nặng tới 1 tạ, và chuẩn bị được xuất chuồng cho anh em cải thiện bằng thịt lợn tươi. Anh kể đầy âu yếm về người vợ trẻ đều đặn nhắn tin cho anh mỗi lúc sáng sớm và gọi điện cho anh lúc chiều muộn. Chị kể cho anh về cậu con trai chuẩn bị đi học, vừa tâm sự về những thương yêu mong nhớ của mình.

Bữa cơm trưa đang được nấu trên bếp tàu, anh bếp vui tính chụp chung với tôi một tấm ảnh kỷ niệm mà sau đó, khi tôi lên nhà dàn rồi về tàu lớn, anh gửi tặng tôi qua điện thoại cùng lời nhắn. “Gửi em tấm ảnh kỷ niệm”.

Thịnh là một người đàn ông thực tế. Những món quà anh mang ra Trường Sa cũng vậy. Đó là một túi thẻ Viettel mà anh ngồi tỉ mẩn chia nhỏ thành các gói nhỏ, mỗi khi tới đảo anh gửi tặng các chiến sĩ như một món quà giá trị nhất. Bởi vì những cô gái trẻ trên tàu trong đoàn công tác háo hức với những con ốc Trường Sa thế nào thì những người lính trẻ Trường Sa háo hức với sim Viettel như thế.

Cô bé cùng phòng với tôi trên tàu có một cuộc hẹn ở đảo Sơn Ca. Có một người lính đảo đang nao nức chờ đích danh cô. Bạn cô trong chuyến đi ra Trường Sa trước đó đã hứa với anh sẽ nhờ cô bạn gái chưa có người yêu mang ra tặng anh một chiếc sim Viettel để anh có thể vào mạng, như tất cả bạn bè. Họ gặp nhau ngay trên cầu cảng, và khi cô xuống xuồng CQ quay lại tàu, trên tay cô là một bó hoa hồng hàm tiếu nụ thắm đỏ chúm chím làm bằng ốc biển và lá quấn bằng vỏ thiếc của lon nước ngọt sơn xanh. Họ hứa là sẽ giữ liên lạc với nhau. Chuyện đó hẳn cũng không quá khó khăn khi họ đều đã có những chiếc điện thoại nối mạng Viettel.

Không thể nói khác rằng Viettel bằng chiến lược lớn phủ sóng biển đảo đã chạm vào từng cảm xúc bé nhỏ của từng người lính, thay đổi sâu sắc cuộc sống Trường Sa. Một quyết sách đã thay đổi đến tận gốc rễ điều kiện sống của từng người lính đảo, và cả những người thân nơi hậu phương của họ.

Có thể nói rằng, một phần nhờ có sóng Viettel, mà những người lính hải quân có nhiều niềm vui, cứ sự động viên từ đất liền để vững vàng bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió. Những người vợ trẻ, người mẹ, người cha yên tâm hơn khi được nghe những giọng nói rắn rỏi nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn lòng động viên con em mình vững vàng, vì Tổ quốc.

Theo Hỗ trợ
MỚI - NÓNG