Báo Nga ca ngợi phi công Việt huyền thoại:
Phi công Việt bắn hạ 9 máy bay Mỹ và Dogfight nghẹt thở (II)
> Báo Nga ca ngợi phi công Việt huyền thoại
TPO - Anh hùng không quân Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi 9 máy bay địch trong đó có 2 F4, 5 F 105 và 2 máy bay không người lái. Trở thành một trong các phi công huyền thoại của Không quân Việt Nam.
Chuyến bay đầu tiên trên bầu trời Miền Bắc vào tháng 12.1966. Chiến thắng đầu tiên trong trận không chiến 30.4.1967. Thành tích chiến đấu, bắn rơi 9 máy bay địch trong đó có 2 F4, 5 F 105 và 2 máy bay không người lái. Trở thành phi công hàng đầu của quân chủng Không quân Việt Nam (ace filot). Chiến thắng cuối cùng được thực hiện vào ngày 20.12.1969. Trong năm 1979 ở Việt Nam có chương trình tuyển chọn ứng viên - phi công cho chuyến bay vũ trụ quốc tế Việt Nam – Liên xô theo chương trình "Intercosmos" ông là một trong ba ứng viên được cử đến Moscow.
Phóng viên: Ông hãy kể lại một trận đánh đáng nhớ nhất.
Trong lích sử các trận chiến đấu của Không quân Việt Nam, trận không chiến ngày 23.8.1967 được đánh giá như trận đánh đầu tiên, hiệp đồng tác chiến giữa hai phi đội máy bay MiG 21 và MiG 17 đã chặn đứng một đợt không kích ồ ạt của không quân Mỹ vào thủ đô Hà Nội. Để người đọc có thể hiểu rõ nét hơn những sự kiện xảy ra trong trận đánh đó, Tạp chí Nghệ thuật Quân sự (Nga) trích các bút lục ghi lại từ nhật ký tác chiến của trung đoàn 921:
“Tháng 6.1967 Không quân Việt Nam thực hiện nhiều lần xuất kích và tiêu diệt nhiều máy bay địch. Thông tin trinh sát cho biết, trong giai đoạn sắp tới, địch có kế hoạch không kích quy mô lớn thành phố Hà Nội và ngoại ô thành phố, các mục tiêu trọng yếu sẽ là cầu Long Biên và cầu Đuống, nhà máy điện Yên Phụ, ga xe lửa Yên Viên. Bộ tư lệnh lực lượng Không quân Việt Nam quyết định tập trung lực lượng không quân tiêm kích đồng thời tấn công hai lực lượng không quân chủ lực của đối phương trên hai vùng không gian gần Hà Nội và bẻ gãy đòn tấn công đường không của địch. Bộ tư lệnh dự kiến, địch đang chuẩn bị các đòn tấn công mạnh mẽ mang tính hủy diệt vào trung tần tháng 8.1967. Từ nay đến ngày dự kiến tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho hiệp đồng chiến đấu.
Nhiệm vụ chiến thuật ngày 23.8 là ngăn chặn không cho địch tấn công các mục tiêu đã lựa chọn. Lực lượng tham gia chiến đấu 2 máy bay MiG – 21 (trang bị 2 tên lửa R-3S), cất cánh từ sân bay Nội Bài. Thời gian tác chiến: ngày 23.8. Vùng tác chiến đối với MiG 21: tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, vùng tác chiến MiG 17 – không phận tỉnh Bắc Ninh.
Đặc trưng hoạt động của địch trong tháng 8.1967 là từ đầu tháng, địch tiến hành hàng nghìn lượt không kích của Không quân Mỹ và Không quân Hải quân Mỹ, ném bom Hà Nội và Hải Phòng. Các cuộc tập kích đường không chia ra thành các giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 4-5 ngày. Mỗi ngày tiến hành từ 200 – 300 cuộc không kích, hình thành từ 2 – 3 đợt tấn công. Đến ngày 21, 22, 23 địch tập trung đánh Hà Nội.
Hướng tấn công chính là phía Tây Bắc Hà Nội. Máy bay địch bay ở độ cao thấp trên khu vực Đông Anh, địch sử dụng dãy núi Tam Đảo như bình phong ngụy trang để đột kích vào Hà Nội và sân bay Nội Bài. Đội hình chiến đấu của địch cho mỗi đợt tấn công không dưới 30 máy bay. Tỷ lệ máy bay tiêm kích và cường kích ném bom là từ 20 – 33%.
Phi đội cường kích ném bom F- 105 thường bay theo đội hình hành dọc, khoảng cách giữa các biên đội từ 8 – 12 km. Gặp máy bay tiêm kích của ta, máy bay địch sẽ trút bom bừa bãi và thoát ly không chiến, hoặc địch sẽ có hành động nghi binh kéo dài thời gian, đợi máy bay tiêm kích F-4 tiếp cận yểm trợ rút lui. Hai trận đánh trên không vào tháng 8, có sự tham chiến của máy bay siêu âm MiG - 21, không có kết quả.
Máy bay F-105 'thần sấm' của không lực Mỹ (ảnh) từng tham chiến tại Việt Nam. |
Không chiến ngày 21.8 bằng lực lượng MiG -17, đòn tấn công đường không của địch bị ngăn chặn, nhưng đối phương thoát ly không tham chiến, không có kết quả.
Ngày 23.8 thời tiết rất tốt – tầm nhìn xa trên 10 km. Trên độ cao từ 500–4.000m có 2 – 5 cấp độ các cụm mây và trên độ cao từ 7.000m đến 9000m cấp độ các cụm mây là 7 – 9. Căn cứ vào các báo cáo chiến thuật và kinh nghiệm (ví dụ, hướng tập kích của các cụm máy bay cường kích chủ lực thông thường được xác định bằng hướng gây nhiễu tích cực mạnh nhất), Bộ tư lệnh Không quân Nhân dân Việt Nam quyết định lựa chọn vị trí đòn tấn công chính vào máy bay cường kích. Đó là không phận Thanh Sơn thuộc tỉnh Phú Thọ - Tuyên Quang cho lực lượng máy bay tiêm kích siêu âm MiG -21. Không phận vùng Đông Anh, Yên Viên sử dụng lực lượng của MiG – 17. Trong trận đánh ở Đông Anh – Yên Viên có sự tham gia của 4 máy bay MiG 17 thuộc lực lượng không quân Bắc Triều Tiên.
Diễn biến trận đánh ngày 23.8 như sau theo lời của anh hùng Không quân Nguyễn Văn Cốc:
14h15. Bộ tư lệnh Không quân thông báo, đợt không kích của địch vào Hà Nội dự kiến vào 15:00.
14h40. trinh sát tầm xa phát hiện một cụm máy bay địch trên khoảng cách 70 km phía nam của Sầm Nưa thuộc Lào. Trung đoàn trường đoàn không quân Sao Đỏ 921 ra lệnh báo động cấp độ cao nhất.
14h52. Đài radar trinh sát tầm xa RLCP -35 khẳng định sự hiển diện của máy bay địch trên hướng Sầm Nưa vào Việt Nam.
14h54. Máy bay địch vượt qua biên giới Việt – Lào và bắt đầu gây nhiễu.
14h58. Phi công Nguyễn Nhật Chiêu số 1 và Phi công Nguyễn Văn Cốc số 2 cất cánh.
Khi máy bay đạt độ cao quy định, biên đội bẻ lái 250 độ, sau đó là 360, 20, 30 độ liên tiếp. Do đó, hướng bay đã hoàn toàn nằm về hướng mặt trời. Theo kinh nghiệm, Nguyễn Nhật Chiêu xác định địch đã bay đến vùng trời Thanh Sơn.
15h08, số 1 Nguyễn Nhật Chiêu báo cáo đài chỉ huy, đã phát hiện mục tiêu, trên độ cao 5.000 m biên đội quan sát được khoảng 20 máy bay ném bom, đội hình ổn định bay ở độ cao 4.000 m. Bẻ gấp lái, phi công Nguyễn Nhật Chiêu chuẩn bị tấn công. Cũng vào thời điểm đó, khi nghiêng cánh quan sát vùng không gian bán cầu phía sau, tôi phát hiện một tốp máy bay F – 4 Phantom và khẩn cấp báo cáo “705 chú ý, phía sau có nhiều địch, A (máy bay tiêm kích địch)”. Anh Chiêu có thể nhìn thấy khoảng 20 máy bay địch đang bay phía sau chúng tôi. Xác định địch chưa phát hiện được biên đội, anh Chiêu quyết định, mục tiêu của đòn tấn công sẽ là tốp bay thứ hai sau tốp thứ nhất trong đội hình địch. Mặt đất đồng ý.
Khi tốp thứ nhất vừa bay qua, tôi theo mệnh lệnh của số 1 thả thùng dầu phụ và tăng tốc. Chớp nhoáng chúng tôi chiếm vị trí lợi thế đánh địch, vùng bán cầu phía sau, liếc mắt xem đồng hồ độ cao, tôi biết chúng tôi đang ở độ cao 4.000 m (như máy bay địch) tốc độ 1.200 km/h, tốc độ máy bay địch 800–850 km/h. Khoảng cách giữa ta và địch là 1.200–1.500 m. Chúng tôi bay với giãn cách 200 m, mỗi người chọn 1 mục tiêu từ các máy bay bay cuối trong đội hình địch. Tiếp cận và đưa mục tiêu vào kính ngắm, chúng tôi chuẩn bị phóng tên lửa.
Sau này, Đại tá Nguyễn Nhật Chiêu đã viết trong hồi ký của mình (xin trích dẫn từ cuốn sách "Kỷ niệm lần thứ năm mươi ngày thành lập Binh chủng Không quân." Hồi Ký, quyển 1. Nhà xuất bản QĐND, năm 2005, tr. 236-242:
“Trong chốc lát chúng tôi đã chiếm lĩnh vị trí thuận lợi cho tấn công. Vào thời điểm đó tôi nhớ lại lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Nhanh chóng nắm quyền chủ động, tấn công bí mật và bất ngờ. Chỉ tiến hành trận đánh khi đã chắc thắng”. Đám 'Con ma' F-4 tiếp tục bay ổn định theo đội hình, không ngờ đến nguy hiểm ở phía sau. Nhìn sang phải, tôi thấy số 2 đã sẵn sàng phóng tên lửa. Tôi ra lệnh: “708, công kích cùng lúc, đợi tín hiệu của tôi”, anh Cốc trả lời: “Rõ”. Mục tiêu đã nằm trong tầm phóng đạn, tôi ra lệnh “bắn” và nhấn cò. Cánh bên trái máy bay hơi nhấc lên. Trong giây lát, chiếc 'Con ma' bùng cháy.
Trung tướng Nguyễn Văn Cốc kể tiếp. Một giây trước thời điểm phóng…Tôi nghe rõ tín hiệu tên lửa đã bắt được mục tiêu, nhìn sang bên trái, tôi thấy anh Chiêu gật đầu trong thời điểm ra lệnh: “Bắn”. Tên lửa của anh vẽ một đường thẳng màu xanh nối liền máy bay MiG với Phantom F-4. Tôi cũng nhấn nút phóng tên lửa và nhìn thấy rõ quỹ đạo bay của R-3S, tên lửa lao thẳng vào Phantom F-4 thứ 2 bay ở phía trước. Mục tiêu nổ tung. Ngay lúc đó tôi cảm thấy một đợt sóng xung kích đập mạnh vào máy bay. Sau này tôi hiểu, vì tầm bắn đến mục tiêu khoảng 1.000m, máy bay của tôi rơi vào vùng sóng xung kích của vụ nổ máy bay địch bị tôi bắn rơi. Kéo mạnh cần lái về phía mình, tôi làm động tác cơ động lấy độ cao nhằm đưa máy bay thoát ly vùng chiến. Lấy thăng bằng, từ độ cao tôi nhìn thấy 3 đốm lửa cháy, 2 đốm lửa đang nhỏ dần và tiếp đất, đốm lửa thứ 3 cách tôi khoảng 2 km cho thấy, số 1 đã tiêu diệt thêm 1 máy bay của địch.
Không kiềm chế được niềm vui, tôi reo ầm lên: “Cháy rồi, máy bay địch cháy rồi”. Kiểm tra lại máy bay, tôi thấy vẫn điều khiển được nhưng tăng tốc độ khó khăn. Tôi báo cáo tình trạng kỹ thuật cho mặt đất và phát hiện một máy bay Phantom F-4 đang bay ở phía dưới và xin lệnh tấn công. Giọng nói bình tĩnh của trung đoàn trưởng với âm sắc miền Trung vang lên trong tai nghe: “708, bình tĩnh, nhanh chóng hạ cánh”. Tôi được gọi về căn cứ, vì sở chỉ huy cho rằng máy bay của tôi không đảm bảo kỹ thuật cho không chiến. Đồng chí Trần Đức Tú thông báo, địch đang có mặt tại khu vực Tam Đảo, khoảng 20 km đến sân bay Nội Bài. Tôi được lệnh bay lên phía Bắc, sau đó vòng về căn cứ. Khi bay qua bầu trời Yên Viên, tôi nghe thấy giọng nói của Nguyễn Nhật Chiêu, đang thông báo tọa độ của mình và nhận lệnh hạ cánh. Hạ thấp độ cao, tôi thấy chiếc én bạc của anh sáng lấp lánh trên nền xanh biếc của núi rừng.
Nguyễn Nhật Chiêu kể lại việc ông hạ tiếp chiếc Phantom F-4 thứ 2: Sau khi bắn hạ chiếc Phantom thứ nhất, tôi bẻ lái xuyên qua tầng mấy và phát hiện một tốp máy bay địch khoảng 8 chiếc đang bay theo đội hình hành tiến. Lúc đầu tôi định phóng tên lửa cuối cùng vào trung tâm của đội hình để tiêu diệt được nhiều địch, nhưng trong đầu tôi lại vang lên lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…” chỉ bắt đầu trận đánh khi chắc thắng”. Tôi chọn một mục tiêu ở phía ngoài đội hình và tiếp cận địch. Điều kiện bắn cũng tốt như lần phóng đạn thứ nhất. Khi khoảng cách giữa tôi và máy bay địch đạt 1800 km, tín hiệu bắt mục tiêu của tên lửa vang lên rõ ràng. Tôi nhấn nút phóng. Trong chớp mắt máy bay địch bùng cháy. Trên đường về căn cứ chúng tôi gặp máy bay địch từ tốp bay đầu tiên trong đội hình chiến đấu, đang tháo chạy khỏi trận địa phục kích của MiG 17. Máy bay địch bay rất gần, có thể nhìn thấy rõ các nhãn hiệu trên thân. Nhưng trận đánh gặp địch không thể tiến hành do chúng tôi đã gần hết dầu, tôi không còn tên lửa, còn số 2 không thể tăng tốc quá 600 km/h do hỏng hóc ở động cơ. Máy bay địch nhanh chóng thoát khỏi vùng trời miền Bắc Việt Nam.
Từ nhật ký tác chiến của Trung đoàn không quân Sao đỏ 921:
“ kết quả trận không chiến ngày 23.8 cho thấy tính khả thi của thủ pháp chiến thuật “đồng thời tấn công” có nghĩa là trong điều kiện thuận lợi, an toàn, số 1 và số 2 có thể đồng loạt tấn công và nâng cao hiệu suất tác chiến của trận đánh trên không. Trận đánh này có thể trở thành chiến lệ về phương pháp “liên tục tấn công” của không quân Việt Nam.
Hai phi đội máy bay MiG -17 tiến hành đánh chặn địch ở vùng trời Đa Phúc và Yên Viên gần Hà Nội. Trong trận không chiến không cân sức đó, các phi công MiG 17 đã cận chiến và bắn hạ 1 chiếc F-105 và 2 chiếc Phantom F-4. Phi công Lê Thanh Phong, bắn hạ 1 F-4, hết dầu và đạn, bị nhiều máy bay địch bao vây tấn công, đã hy sinh trong chiến đấu. Phi đội MiG- 17 của phi công Bắc Triều Tiên không rõ các hoạt động tác chiến, chỉ biết các anh đã bắn hạ 1 trong 3 chiếc máy bay địch bị rơi.
Việc đưa hai loại máy bay tiêm kích MiG -21 và MiG -17 vào một trận không chiến với những tính năng kỹ chiến thuật khác nhau đã tạo ra hai tầng không chiến, tầng trung và tầng thấp, từ đó đã hạn chế hoạt động của máy bay địch trong các thủ đoạn sử dụng độ cao thấp tiếp cận các mục tiêu quan trọng trên miền Bắc Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Văn Cốc kể lại: Khi còn học ở Liên xô tôi được xem bộ phim “ Bầu trời trên Baltic. Với các cảnh máy bay MiG – 3 sử dụng chiến thuật “ đồng loạt tấn công” để tiêu diệt các máy bay Đức "Focker". Cảnh phim đã gây ân tượng rất mạnh với tôi. Khi tôi chiến đấu ở Việt Nam, các hoạt động tác chiến được thực hiện theo nguyên tắc: “số 1 tấn công, số 2 cảnh giới” trong chiến đấu với máy bay địch. Nhưng ngày 23.8.1967 tôi cùng với anh Nguyễn Nhật Chiêu đã diễn lại cảnh phim Baltic ngay trên bầu trời Tổ quốc. Từ thời điểm đó, Phi công Nguyễn Văn Cốc được mệnh danh là “Chim cắt số 2”.
Trong tiểu đoàn của ông được biên chế chỉ có phi công Việt Nam hay có cả phi công Xô viết?
Tiểu đoàn của tôi biên chế hoàn toàn là phi công Việt Nam, cũng như các đơn vị khác trong trung đoàn. Theo chương trình huấn luyện thường xuyên chúng tôi có các huấn luyện viên bay là phi công Xô viết. Trong một thời gian có một đơn vị nhỏ các phi công Bắc Triều Tiên sang nghiên cứu thực tế chiến đấu, được biên chế máy bay MiG - 17 và 21 sản xuất tử Liên Xô. Vào giai đoạn 1966 – 1968 các bạn chiến đấu Triều tiên đã tham gia hơn năm mười trận không chiến và bắn rơi khoảng hơn 30 máy bay địch.
Ngày nay, thế hệ các máy bay tiêm kích đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ, xuất hiện các máy bay thế hệ thứ 4 như F-15, Su-27, MiG – 29, thế hệ 4++ như Su –35 hoặc thế hệ máy bay thứ 5 như F – 35. Các máy bay này đều có những tính năng kỹ chiến thuật đặc trưng như tốc độ siêu âm, khả năng cơ động rất cao, mang được nhiều vũ khí trên cánh, sử dụng công nghệ stealth và có khả năng tác chiến tầm rất xa, đến hàng trăm km. Dường như có một xu hướng thống trị bầu trời bằng công nghệ máy bay hiện đại, siêu cơ động và tấn công tầm xa trong một cuộc chiến công nghệ và phi tiếp xúc.
Trong vòng xoáy chạy đua công nghệ này, nước có nhiều kinh nghiệm nhất trong không chiến tất nhiên là Mỹ - Việt Nam và Nga. Lịch sử các trận không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam cho thấy một điều rất rõ, chiến thắng trên bầu trời còn xa mới phụ thuộc vào công nghệ hiện đại và siêu hiện đại, cũng hoàn toàn không phụ thuộc vào số lượng máy bay có trên bầu trời trong một lần xuất kích. Mỗi lần không tập miền Bắc, không quân Mỹ thường điều động hàng trăm máy bay với tần xuất xuất kích rất cao, chưa từng có ở bất cứ cuộc chiến nào ngoại trừ Đại chiến thế giới lần thứ II, nếu nhìn về góc độ kỹ năng tác chiến, thì phi công Mỹ hoàn toàn không phải là công tử, và bản lĩnh chiến đấu của họ cũng rất cao. Điểm yếu duy nhất khiến họ mất ưu thế trên bầu trời chính là nhân tố con người và mặt đất.
Về chiến thuật, có thể nhận thấy rất rõ, mọi cuộc không chiến tầm xa đều dẫn đến cận chiến tầm gần nếu như lực lượng không quân tham chiến là lực lượng chiến đấu thật sự, chứ không phải là đơn vị diễu hành. Và trong cận chiến tầm gần, trong điều kiện vũ khí trang bị gần tương đương, ví dụ như Su – 30MK và F – 15, thì phi công và mặt đất quyết định tất cả. Đó là khả năng cơ động chiến đấu cao, chiến thuật hợp lý, kỹ thuật bay thông minh, dũng cảm và sáng tạo. Rất nhiều lần, phi công Mỹ chỉ phát hiện được MIG khi tên lửa đã nổ tung bên cạnh cánh bay hoặc động cơ, do các phi công Việt Nam có khả năng bay thấp theo địa hình tránh radar tầm xa, đột ngột lấy độ cao ở hướng mặt trời và công kích ở tầm từ vài km trở lại. Hoặc như MiG - 17, bay ở tầm rất thấp, từ mặt ngụy trang địa hình lao vào đội hình địch quần chiến theo cách “bám thắt lưng địch mà đánh”.
Những kỹ năng tác chiến đó với những máy bay thế hệ 4 sẽ được phát huy mạnh mẽ do tính cơ động siêu việt của nó cộng với kỹ năng bay và điều khiển máy bay, sự hoàn hảo trong lựa chọn vị trí tấn công, góc tấn công và tốc độ tiếp cận mục tiêu, hơn nữa là kỹ năng phát hiện và chống bám đuổi, kỹ năng tránh tên lửa điều khiển. Sự kiện chiếc MiG 21U huấn luyện với một phi công Việt Nam, một huấn luyện viên Nga, không mang vũ khí đã cơ động tránh đến 6 lần tên lửa không đối không hiện đại của Mỹ, cho đến khi máy bay hết dầu, phi công nhảy dù, không quân Mỹ mới bắn rơi máy bay “không người lái” là một ví dụ rõ nét nhất về yếu tố quyết định sự thành bại trên không trung.
Không chiến trong tương lai gần sẽ là cuộc chiến đấu trên bầu trời - mặt biển, kỹ năng tác chiến trên biển có nhiều điểm khác với bầu trời trên mặt đất. Nó đòi hỏi trình độ điêu luyện của người phi công, khả năng điều khiển bay hoàn hảo và hiểu biết máy bay sâu sắc, kinh nghiệm chiến đấu và lòng dũng cảm thông minh. Đó là yêu cầu cấp thiết của thế hệ phi công mới của không quân Việt Nam vì sự bình yên của tổ quốc.
Trịnh Thái Bằng
Nguồn: Nghệ thuật Quân sự (Nga)