Mỹ - Trung và 'kịch bản soạn sẵn' ở Triều Tiên

Mỹ - Trung và 'kịch bản soạn sẵn' ở Triều Tiên
TPO -Những diễn biến căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên từ tháng 2/2013 tới nay là "kịch bản soạn sẵn” với sự đạo diễn của Trung Quốc và Mỹ, mà trong đó, Triều Tiên là “nhân vật trung tâm của vở kịch”?

> Mỹ - Trung 'đánh cờ' trên Biển Đông 2013
> Trung Quốc hứa hạ nhiệt các điểm nóng

Ảnh biếm họa về cuộc đọa sức Trung - Mỹ
Ảnh biếm họa về cuộc đọ sức Trung - Mỹ.

Theo giới phân tích, “khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên” vẫn sẽ tiếp diễn từ nay tới cuối năm 2013, và có thể diễn biến theo kịch bản như sau: Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm từ một đến hai vụ phóng tên lửa tầm trung và tầm xa mang đầu đạn hạt nhân lên quỹ đạo; thêm từ một đến hai đợt bùng phát căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Seoul.

Nhóm các nước liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên, trong đó có Trung Quốc, Mỹ và Nga, tiếp tục nhân thời cơ tìm giải pháp hòa bình để kiếm tìm thêm những cơ hội của riêng quốc gia mình tại bán đảo Triều Tiên, nơi được xem là “yết hầu” của tuyến đường trên biển nối lục địa Á – Âu.

Xét về địa - chính trị, bán đảo Triều Tiên cách thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc không xa, nhiều thập niên gần đây được xác định là vùng đất chiến lược quan trọng, được cả Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, thậm chí cả Nga tranh giành ảnh hưởng.

Việc Mỹ tuyên bố trở lại châu Á - Thái Bình Dương, tiếp đó Nga manh nha xuất hiện trở lại khu vực này, vị thế chiến lược của bán đảo Triều Tiên càng trở nên nổi bật hơn.

Bán đảo Triều Tiên, nơi được xem là “yết hầu” của tuyến đường trên biển nối lục địa Á – Âu
Bán đảo Triều Tiên, nơi được xem là “yết hầu” của tuyến đường trên biển, nối lục địa Á – Âu.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu bán đảo Triều Tiên đột ngột căng thẳng, tuy nhiên căng thẳng tới mức dữ dội, tạo cảm giác xung đột liên Triều đang vượt qua mọi tầm kiểm soát như thời gian qua, thì chắc chắn đây là lần đầu tiên kể từ năm 1953, thời điểm Hàn Quốc và Triều Tiên ký hiệp định đình chiến.

Ngay cả thời điểm tàu Cheonan của Hàn Quốc vướng nghi vấn bị Triều Tiên đánh chìm hồi tháng 3/2010 trên vùng biển Hoàng Hải, phía Tây bán đảo Triều Tiên (sự kiện khiến 46 người Hàn Quốc chết và mất tích); hay vụ Triều Tiên nã pháo vào khu vực đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc hôm 23/11/2010 (làm hơn 10 binh sĩ và dân thường chết và bị thương), thì tình hình trên bán đảo Triều Tiên cũng không xuất hiện những ngòi nổ dễ dẫn tới một cuộc chiến tranh có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào như hiện nay.

Phải chăng, tất cả diễn tiến trên đều nằm trong toan tính của cả Washington lẫn Bắc Kinh?

Đối với Mỹ: Sau khi châu Á – Thái Bình Dương nổi lên để trở thành một trong những trung tâm địa - chính trị toàn cầu, Washington đã tái khẳng định, bán đảo Triều Tiên là vùng hạt nhân để Mỹ thực hiện ý đồ kiểm soát khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Bắc Á.

Tướng Dana Pittard, chỉ huy căn cứ quân sự Mỹ - Fort Bliss ở Texas, ngày 6/4, cho biết: Mỹ đã hoàn tất khâu chuẩn bị bố trí hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Guam, có chức năng theo dõi và bắn hạ tên lửa của Triều Tiên

Đặt trong tình thế mới với sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc, bán đảo Triêu Tiên được Washington xác định là một trong những bàn đạp giúp Mỹ kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Khác với những động thái trước đây mỗi khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang, trong cuộc khủng hoảng kéo dài từ tháng 2/2013 tới nay, Washington “nhã nhặn khác hẳn thường lệ”.

Bên cạnh những tuyên bố về mặt ngoại giao, và đi đầu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc về lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, Mỹ không cho thấy bất cứ nỗ lực nào nhằm “hạ nhiệt” khủng hoảng. Dường như, bản thân người Mỹ cũng đặt kỳ vọng rất lớn vào “thời cơ” này?

Theo báo giới, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh hiện nay là “cơ hội không thể tốt hơn”, nhằm giúp Mỹ tức tốc triển khai lực lượng, khí tài quân sự tới châu Á – Thái Bình Dương và Đông Bắc Á, cũng như đẩy nhanh việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Á, xây dựng liên minh quân sự mới… theo đúng tinh thần của kế hoạch “Kỷ nguyên Thái Bình Dương” của Mỹ.

Thông qua khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ càng có lý do rao giảng với cả thế giới về sự cần thiết phải hiện diện quân sự, cũng như thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Á – Thái Bình Dương: Hỗ trợ đồng minh Hàn Quốc theo thỏa ước; Ngăn chặn chiến tranh nổ ra tại bán đảo Triều Tiên; Thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa “chống lại hệ thống tên lửa đạn đạo của Triều Tiên”.

Đối với Trung Quốc. Nhìn vào bề ngoài, Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á “nhằm vào tên lửa đạn đạo của Triều Tiên”, tuy nhiên, thực chất "Trung Quốc và sự trỗi dậy của Bắc Kinh" mới là mục tiêu chính của Mỹ.

Bản thân Bắc Kinh hiểu rằng, bán đảo Triều Tiên bất ổn sẽ không có lợi cho Trung Quốc, nhưng, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong thời điểm này cũng là thanh gươm sắc để Trung Quốc chống lại Mỹ, giành thế đối trọng.

Hồi cuối tháng 3/2013, một Phó Tổng biên tập Thời báo Nghiên cứu của Trường Đảng Trung ương thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc lập tức mất chức vì kêu gọi Trung Quốc từ bỏ Triều Tiên 

Trên The Financial Times số ra ngày 27/3, ông này viết: “Vụ thử hạt nhân lần 3 của Triều Tiên là thời điểm thích hợp để Trung Quốc đánh giá lại mối quan hệ đồng minh lâu năm với nước này. Với một số lý do, Bắc Kinh nên từ bỏ Bình Nhưỡng và đi vào việc thống nhất hai miền trên bán đảo Triều Tiên”.

Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên là mối quan hệ đặc biệt. Suốt nửa thế kỷ qua, tuy Bắc Kinh không hoàn toàn đồng tình với chính sách trong nước và đối ngoại của Bình Nhưỡng, nhưng trong bối cảnh mà sự hiện diện của Mỹ ngày càng rõ nét tại châu Á – Thái Bình Dương và Đông Bắc Á, thì chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cụ thể hơn là những động thái quân sự, hành động răn đe hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng đối với Washington và Seoul thời gian qua, lại được xem là “cứu cánh” cho Bắc Kinh.

Mỹ và Hàn Quốc thừa nhận mối liên hệ đặc biệt Triều Tiên - Trung Quốc, nhưng sâu xa của mối quan hệ thì Washington không thể tường tận chân tơ kẽ tóc, đặc biệt “có hay không sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng”.

Washington, cũng như Bắc Kinh, đều hiểu rằng, nếu mất đi sự hỗ trợ từ Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên sớm rơi vào tình thế mất cân đối. Nếu các thế lực bên ngoài chen vào, hai miền Nam - Bắc chắc chắn xảy ra chiến tranh, và hậu quả sẽ không thể lường trước được.

An ninh các quốc gia có chung đường biên với Triều Tiên – Hàn Quốc, trong đó có Trung Quốc, thậm chí cả Nga, cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Do đó, Bắc Kinh sẽ giữ tình thế căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên tới mức vừa phải. Bởi lẽ, một cuộc chiến tranh là nằm ngoài toan tính của Trung Quốc, và cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc.

Phải chăng, Bắc Kinh muốn tận dụng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, qua đó gián tiếp mượn Bình Nhưỡng để “nhắc nhở’ Washington về tham vọng của nước này tại châu Á – Thái Bình Dương, về những mối đe dọa thực sự có thể đến từ những quốc gia trước nay được Bắc Kinh bảo trợ.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.