‘Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang là mắc kế địch’

‘Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang là mắc kế địch’
TTXVN giới thiệu bài viết của Trung tướng, phó giáo sư-tiến sỹ Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với nhan đề: "Cơ sở khoa học của các quy định về lực lượng vũ trang nhân dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992":
‘Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang là mắc kế địch’ ảnh 1

Chế định bảo vệ Tổ quốc là một vấn đề quan trọng trong lịch sử lập hiến của Nhà nước. Tất cả các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay (Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992) đều quy định nội dung: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân Việt Nam .

Các quy định về lực lượng vũ trang nhân dân - lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc được quy định trực tiếp trong các bản Hiến pháp Việt Nam các năm 1980, 1992 và tiếp tục được ghi nhận trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Dư luận trong và ngoài nước đã và đang đặc biệt quan tâm bình luận về các nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó có nội dung quy định về Bảo vệ Tổ quốc, nhất là về bản chất, vai trò, vị trí, chức năng của lực lượng vũ trang nhân dân, xung quanh vấn đề này, còn có các ý kiến khác nhau, nhưng tựu chung lại có hai loại ý kiến sau:

Một là, thống nhất, tán thành các nội dung quy định về lực lượng vũ trang mà dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thể hiện; khẳng định sự cần thiết quy định về bản chất cách mạng, tính chính trị của lực lượng vũ trang - trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ Xã hội chủ nghĩa.

Hai là, không cần thiết quy định cụ thể như sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về lực lượng vũ trang; cần phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, cũng như cần thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng, xóa bỏ quy định về sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và xã hội.

Để góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn quy định về lực lượng vũ trang nhân dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xin được trao đổi một số vấn đề sau:

1. Vai trò, vị trí của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử

Việt Nam chúng ta có lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước qua hàng ngàn năm - là quốc gia thường xuyên phải đấu tranh khốc liệt để bảo vệ không gian sinh tồn trước các âm mưu xâm lược và cai trị từ bên ngoài.

Cùng với việc huy động sức mạnh toàn dân, thực hiện kháng chiến toàn dân khi đất nước bị xâm lăng với phương châm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh,” thì việc tổ chức các lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, chủ lực để đối phó với kẻ thù bên ngoài và đảm bảo an ninh trật tự xã hội trong nước luôn là một trong những vấn đề có tính chiến lược, căn bản mà các nhà lãnh đạo, các triều đại từ xưa đến nay đều phải thực hiện.

Có thể nói, bài học lịch sử về dựng nước phải đi đôi với giữ nước, xây dựng, phát triển đất nước phải đi liền, gắn chặt với bảo vệ Tổ quốc còn vẹn nguyên giá trị. Vì vậy, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa các quy định về bản chất, mục tiêu, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân trong chế định Bảo vệ Tổ quốc là có cơ sở lịch sử vững chắc, là sự kế thừa và khẳng định những giá trị được chính thực tiễn vận động và phát triển trong suốt chiều dài lịnh sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam kiểm nghiệm.

2. Bản chất, vai trò lực lượng vũ trang dưới góc độ tổ chức quyền lực chính trị và bảo vệ quyền lực chính trị

Sự hình thành, tồn tại và phát triển của mỗi chính thể, mỗi chế độ xã hội luôn gắn với hệ tư tưởng-chính trị và các thiết chế tương ứng của lực lượng tiên tiến, quyết định đến sự vận động, biến đổi của xã hội trong những giai đoạn lịch sử ở mỗi quốc gia nhất định.

Chính thể Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình thành, phát triển gắn với Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hệ tư tưởng của giai cấp vô sản phát huy vai trò cách mạng trong xã hội Việt Nam với thiết chế tương ứng là Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng với các tổ chức khác thuộc hệ thống chính trị của đất nước.

Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là một trong những yếu tố cấu thành của tổ chức quyền lực nhà nước, có vai trò vô cùng quan trọng để bảo vệ chính thể, bảo vệ quyền lực nhà nước, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, thể hiện tập trung ý chí, nguyện vọng của lực lượng lãnh đạo xã hội và của toàn dân, cần thiết có quy định những nội dung về bảo vệ Tổ quốc và các lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, giáo dục, rèn luyện; quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản chất cách mạng, tính chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là tất yếu, phù hợp thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Mỗi quốc gia, dân tộc, trong tiến trình vận động, phát triển phải tuân theo những quy luật khách quan của xã hội, phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, đặc thù của đất nước. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang cách mạng, là một trong những lực lượng, công cụ trọng yếu để đảm bảo thực hiện chuyên chính vô sản.

Tính chính trị, bản chất giai cấp, tính Đảng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không phải xuất phát từ ý chí chủ quan, một chiều của Đảng Cộng sản Việt Nam mà nó được quy định bởi chính thực tiễn vận động của cách mạng Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ IX đến nay. Điều này có thể khái quát trên các bình diện cơ bản sau:

Thứ nhất, sự ra đời, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội, trong đó có lực lượng vũ trang là sự lựa chọn duy nhất đúng của lịch sử dân tộc, phù hợp tình hình Việt Nam.

Thực tế lịch sử cho thấy, từ cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ XX, chế độ Phong kiến Việt Nam suy tàn, thực dân Pháp xâm lược, đô hộ Việt Nam. Các phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa theo xu hướng phong kiến hay dân chủ tư sản lúc bấy giờ như phong trào Cần Vương, phong trào Duy Tân, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục… đều thất bại và theo đó, con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ lâm vào tình trạng khủng hoảng.

Sự thất bại của các phong trào yêu nước đó phản ánh rất nhiều vấn đề, trong đó có điểm mấu chốt là các lực lượng lãnh đạo thuộc giai cấp địa chủ phong kiến hay tư sản ở Việt Nam hoặc hệ tư tưởng lạc hậu, hoặc thực lực hạn chế, không có được đường lối cách mạng và các thiết chế đủ năng lực để lãnh đạo nhân dân Việt Nam giải phóng dân tộc, đưa đất nước phát triển theo xu thế mới của thời đại.

Sự truyền bá Chủ nghĩa Marx-Lenin của các lực lượng vô sản từ đầu thế kỷ XX vào Việt Nam mà tiên phong, tiêu biểu là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, kết hợp với phong trào yêu nước đã đặt ra nhu cầu tất yếu của sự ra đời của một tổ chức cách mạng vô sản.

Sự ra đời của các tổ chức, sự lớn mạnh của các lực lượng, phong trào vô sản những năm 20 của thế kỷ XX mà đỉnh cao là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 (hợp thành từ 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn) đã thực sự chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối và tổ chức của cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã giành những thắng lợi lịch sử, đưa dân tộc Việt Nam đi vào kỷ nguyên mới - độc lập dân tộc, tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Sự khẳng định vai trò duy nhất lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam vì thế là sự lựa chọn của điều kiện thực tiễn đất nước, là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc.

Thứ hai, con đường cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam, như thực tiễn đã minh chứng chỉ có thể thành công bằng con đường đấu tranh bạo lực cách mạng. Muốn thực hiện bạo lực cách mạng phải kết hợp chính trị với quân sự và các mặt trận khác, trong đó không thể thiếu được mặt trận quân sự, không thể thiếu một lực lượng vũ trang do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Việc hình thành và phát triển một lực lượng vũ trang nhân dân, mang bản chất cách mạng, chịu sự lãnh đạo và tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Tổ quốc và nhân dân là nhu cầu tất yếu để thực hiện nhiệm vụ của cách mạng.

Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam được Hồ Chí Minh, được Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập và chỉ đạo, trong suốt thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như sau này đã phát huy cao độ tinh thần cách mạng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng và chế độ Xã hội chủ nghĩa.

Chỉ dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, với đường lối vũ trang cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam mới có đủ bản lĩnh, năng lực là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Vì vậy, tính chính trị, tính cách mạng, yêu cầu trung thành của lực lượng vũ trang với Đảng Cộng sản Việt Nam, với chế độ Xã hội chủ nghĩa, lực lượng vũ tranh chịu sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề đặc biệt quan trọng để đảm bảo sức mạnh, đảm bảo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cao cả của lực lượng vũ trang trong mọi hoàn cảnh.

Việc dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định rõ về bản chất chính trị, vai trò, nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng vũ trang trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là phù hợp. Quy định này là cơ sở pháp lý cao nhất để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại đáp ứng tốt mọi yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an ninh quốc gia trước mắt và lâu dài.

Thứ ba, tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến phức tạp; bất ổn chính trị xã hội, lật đổ chế độ, thay đổi thiết chế lãnh đạo đất nước do mâu thuẫn trong nước và tác động từ bên ngoài dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền… đã và đang diễn ra ở nhiều nơi (như ở Bắc Phi, Trung Đông)… Các thế lực thù địch, các lực lượng phản động lợi dụng tình hình đó đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hoà bình,” tác động vào bên trong nhằm chuyển hóa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Một trong những vấn đề được các thế lực thù địch tập trung tấn công là tìm mọi cách để thâm nhập nội bộ, hướng lái chính sách, pháp luật hòng phi chính trị hóa, phi đảng phái hóa lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam, tách các lực lượng vũ trang này ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm suy yếu, biến chất lực lượng vũ trang và tước đi công cụ trọng yếu của Đảng, của Nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả của cách mạng.

Vì vậy, nếu đặt vấn đề Hiến pháp mới quy định phi chính trị hóa lực lượng vũ trang sẽ mắc phải đúng mưu kế tác động của các thế lực thù địch đối với đất nước, với chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải bất cứ ý kiến, quan điểm nêu ra về vấn đề phi chính trị hóa lực lượng vũ trang nào cũng xuất phát từ ý đồ xấu, âm mưu đen tối nêu trên. Thực tiễn do nhiều nguyên nhân, như chưa đánh giá đúng tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của đất nước và thế giới, chưa hiểu rõ căn nguyên lịch sử, hoàn cảnh cụ thể của việc xác định tính chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam hoặc do tác động của các luận điều tuyên truyền tiêu cực, một chiều… nên có những ý kiến đồng tình với quan điểm phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, so sánh vấn đề này ở Việt Nam với một số nước phương Tây khác.

Vấn đề này đòi hỏi chính hệ thống chính trị của chúng ta, các cơ quan làm công tác tư tưởng, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước cần tăng cường công tác thông tin, truyên truyền liên quan lĩnh vực này, làm cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ, nhận thức đúng vấn đề, đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác của toàn dân trước các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng việc góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm tiến hành các hoạt động chống phá cách mạng, gây bất ổ định chính trị, xã hội của đất nước.

4. Bài học từ việc phi chính trị hóa lực lượng vũ trang ở một số nước

- Hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô cũ và Đông Âu sụp đổ vào những thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc “cải tổ” xóa bỏ quy định của pháp luật về vai trò lãnh đạo nhà nước, xã hội của Đảng Cộng sản, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang.

- Hiện nay, ở một số nước, đặc biệt ở các nước mà điều kiện kinh tế xã hội, dân trí chưa phát triển ở trình độ cao và đồng đều, sự tồn tại nhiều đảng phái chính trị, thực hiện phi chính trị hoá lực lượng vũ trang đang phải vật lộn, đối mặt với tình trạng mâu thuẫn, xung đột và bất ổn chính trị, xã hội gia tăng, thậm chí tạo nên sự hỗn loạn trong xã hội.

Thực tiễn này có thể thấy rõ ở các “mô hình dân chủ” được phương Tây hết sức cổ vũ, ủng hộ, đã và đang được “thiết kế,” “tạo dựng” ở nhiều nước thuộc khu vực Đông Âu, SNG và đặc biệt là ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông, thông qua các cuộc “cách mạng màu,” hay phong trào “Mùa xuân Arập” trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, một số nước trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan, Campuchia cũng thực hiện phi chính trị hóa (thực chất là đa chính trị hóa, đa đáng phái hóa) lực lượng vũ trang cũng gặp phải không ít trở ngại trong việc đảm bảo đoàn kết, thống nhất nội bộ, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ công dân…

Những hậu quả tiêu cực từ xu hướng phi chính trị hoá lực lựng vũ trang như nêu trên là bài học to lớn cho quá trình xây dựng, sửa đổi Hiến pháp và pháp luật ở Việt Nam chúng ta. Một trong những mục tiêu căn bản của sửa đổi Hiến pháp 1992 là đảm bảo ổn định chính trị xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước ta phát triển bền vững theo con đường cách mạng Xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, Hiến pháp cũng như các đạo luật khác liên quan, không thể quy định phi chính trị hóa lực lượng vũ trang nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên đây là một số ý kiến về cơ sở của việc quy định về lực lượng vũ trang nhân dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và luận giải vì sao không thể đưa vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 các quy định liên quan đến vấn đề phi chính trị hóa lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo TTXVN

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG