‘Phi chính trị hóa quân đội’ là luận điệu phản động

‘Phi chính trị hóa quân đội’ là luận điệu phản động
Đó là khẳng định của Đại tá Bùi Quang Cường, Viện phó Viện Khoa học xã hội nhân văn, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng. Theo ông Cường, đây là luận điệu phản động, phản khoa học nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội.
‘Phi chính trị hóa quân đội’ là luận điệu phản động ảnh 1

Sáng 27-2, tại buổi làm việc với Thành phố Hà Nội để kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã cho rằng, trong quá trình đóng góp ý kiến vào dự thảo, đã có một số người lợi dụng việc đóng góp ý kiến để tuyên truyền, vận động nhân dân chống phá Đảng.

Cách đây hai ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã cảnh báo về việc xuất hiện tư tưởng suy thoái khi có người lợi dụng việc đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp để đưa ra tư tưởng muốn bỏ Điều 4, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, muốn đa nguyên đa Đảng, tam quyền phân lập và phi chính trị hóa quân đội. Nói cách khác là hiến định việc đặt quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng và quân đội không cần phải trung thành với Đảng.

Là người đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hơn ai hết Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, hiểu rõ ý nghĩa tên gọi của Quân đội ta - "Quân đội Nhân dân Việt Nam". Ông khẳng định: “Quân đội là do Đảng sinh ra, để đảm bảo thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước, mà đường lối này xuất phát từ dân và vì dân. Cho nên, mọi hoạt động của quân đội được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được quản lý, điều hành của Nhà nước, tất cả những điều đó đều để phục vụ cho lợi ích chung là vì dân, vì đất nước, Tổ quốc, tương lai tươi đẹp của xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Ngoài mục đích đó, không có mục đích nào khác cả”.

Thực hiện nghĩa vụ của một công dân, với tâm huyết của mình, ông Đăng đang tích cực cùng nhân dân cả nước đóng góp vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ông cho rằng, việc tranh luận để đi đến thống nhất nhận thức cũng một là quá trình, song quan điểm phi chính trị hóa quân đội, nghĩa là quân đội phải trung lập, đứng ngoài chính trị... dù có lý giải thế nào thì quan điểm này cũng không được thuyết phục.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng nói: “Đảng là người khởi xướng thành lập ra quân đội, quân đội được lập ra cũng chỉ để đảm bảo lợi ích cho nhân dân, dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử từ khi có Đảng đến nay, chúng ta phải khẳng định mọi sự thắng lợi của Cách mạng Việt Nam nói chung và của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng đều gắn với sự lãnh đạo của Đảng.

Trong thực tế lịch sử, quân đội luôn gắn với giai cấp và luôn gắn với chính trị chứ không thể có một quân đội đứng ngoài giai cấp và đứng ngoài chính trị. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, quân đội đứng ngoài chính trị là một điều khó và không thể có như thế được”.

Đối với những người làm công tác nghiên cứu, lý luận như Đại tá Bùi Quang Cường thì cho rằng, quan điểm "Phi chính trị hóa quân đội" là một thủ đoạn nham hiểm trong chiến lược "Diễn biến hòa bình" của thế lực thù địch hòng chống phá cách mạng nước ta. Đây là luận điệu phản động, phản khoa học nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội.

Đại tá Cường khẳng định: “Không thể có và không bao giờ có một quân đội phi chính trị, trung lập, đứng ngoài giai cấp. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sáng lập, giáo dục, rèn luyện làm quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc.

Trước yêu cầu và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trong giai đoạn cách mạng mới, vấn đề đặt ra là xây dựng quân đội là quân đội thực sự là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị, tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, của chế độ XHCN và của nhân dân”.

Lịch sử gần 70 năm chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Quân đội ta đã không ngừng phát huy mạnh mẽ truyền thống anh hùng cách mạng. Quân đội ta đã cùng với nhân dân cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù giành lại độc lập cho Tổ quốc, bảo vệ chính quyền cách mạng, làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, giải phóng miền Bắc, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra cho quân đội ta những yêu cầu cao hơn, nặng nề hơn. Song quân đội ta luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, cần cù lao động sản xuất ra nhiều của cải vừa bảo đảm cho yêu cầu ngày càng cao của quốc phòng, vừa góp phần cùng toàn dân thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, sẵn sàng ứng phó kịp thời cùng với nhân dân phòng chống thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân khi có bão lụt, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhân dân. Quân đội ta thực sự xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và của nhân dân, xứng đáng với sự tuyên dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo VTV

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG