> Bí mật tác chiến của tàu Kilo 'hố đen' trên Biển Đông
> Tàu ngầm Kilo thứ hai của Việt Nam có gì đặc biệt?
> Báo Nga: ‘Ưu tiên đơn đặt hàng tàu ngầm của Việt Nam’
Ngày 22-2, báo điện tử Vietnam+ (VietnamPlus) của TTXVN đưa tin “Trung Quốc lo ngại vì Việt Nam sắp nhận tàu ngầm”.
Bản tin dẫn Đài Tiếng nói nước Nga cho biết hai trong số sáu tàu ngầm diesel - điện mà Việt Nam đặt mua của Nga sẽ được bàn giao trong năm nay, và một số nhà bình luận quân sự Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại trước triển vọng Việt Nam sở hữu các tàu ngầm mới.
Cùng ngày, báo Tin Tức Trung Quốc có bài viết mang tên “Tàu ngầm tiên tiến Việt Nam sẽ được bàn giao, tàu ngầm cùng loại của Trung Quốc tham gia diễn tập săn tàu ngầm”. Bài báo cũng tiết lộ Bắc Kinh đã mua 12 tàu ngầm lớp Kilo 636 từ Nga.
Mặt hàng xuất khẩu nóng
Trang Strategy Page cho biết tàu ngầm lớp Kilo đang là mặt hàng xuất khẩu có giá của ngành sản xuất vũ khí Nga nhờ tính hiện đại và khả năng chở theo tên lửa.
Tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên hạ thủy đi vào hoạt động từ đầu những năm 1980, được đánh giá cao về mặt kiểu dáng. Đến nay hải quân Nga chỉ mua về sử dụng 24 chiếc, trong khi các hãng tàu Nga có các hợp đồng đóng đến 30 chiếc xuất khẩu. Các nước đang sử dụng tàu ngầm lớp Kilo thuộc dự án 636 của Nga là Ấn Độ, Trung Quốc, Iran, Algeria, Ba Lan và Romania.
“Trước mắt phấn đấu trong khoảng 5-6 năm tới chúng ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với sáu tàu lớp Kilo 636. Đây là loại tàu hiện đại, nhưng tôi xin nhắc lại là chúng ta có mua tàu ngầm, mua tên lửa, máy bay và các khí tài kỹ thuật khác cũng là để phòng thủ, để tự vệ, để bảo vệ hòa bình, bảo vệ lãnh thổ của đất nước chứ hoàn toàn không có ý định đe dọa các nước xung quanh, không có ý đồ đi xâm lấn bờ cõi các nước xung quanh” - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trả lời báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội đầu tháng 8-2011. (Trích từ Dân Trí) |
Tàu ngầm thuộc dự án 636 của Nga là loại tàu ngầm chạy động cơ điện - diesel thế hệ thứ ba. Đây là loại được cải tiến từ các tàu ngầm dự án 877 và 877EKM nổi tiếng với tên gọi “Varshvianka” (do Liên Xô sản xuất cho khối quân sự Hiệp ước Warsaw).
Các tàu ngầm được cải tiến thuộc dự án 636 có hiệu suất tác chiến cao hơn so với tàu thuộc các dự án trước.
Các tàu ngầm này được đánh giá cao trên thế giới trong dòng tàu ngầm không sử dụng năng lượng hạt nhân nhờ những thế mạnh về kỹ thuật như: sự kết hợp tối ưu giữa độ ồn thấp và khả năng phát hiện mục tiêu từ xa, hệ thống dẫn đường quán tính mới nhất, hệ thống quản lý thông tin tự động hiện đại đảm bảo thực hiện nhanh chóng các mệnh lệnh, được trang bị hệ thống tên lửa và ngư lôi mạnh mẽ có khả năng tác chiến nhanh.
Trang web fas.org của Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ mô tả tàu ngầm lớp Kilo là loại tàu chống tàu ngầm và chống tàu chiến, chống cả máy bay tầm thấp, có khả năng thực hiện nhiệm vụ tuần tra và trinh sát.
Tàu có sáu khoang riêng biệt giúp nâng cao khả năng chống chìm và sống sót cao khi bị thủng một hoặc hai khoang. Hệ thống chỉ huy, kiểm soát và hệ thống chống cháy được đặt trong phòng kiểm soát chính, tách biệt với các khoang còn lại.
Mô hình bên trong tàu ngầm lớp Kilo 636. Ảnh: naval-technology.com. |
Tàu ngầm lớp Kilo dài 73,8m, rộng 9,9m, được trang bị động cơ diesel - điện. Dưới nước nó có thể di chuyển với tốc độ 20 hải lý, tương đương 37km/giờ, hoạt động ở độ sâu trung bình 240m và có thể lặn sâu tối đa 300m.
Nhờ động cơ điện chính công suất 5.500 mã lực, phạm vi hoạt động của tàu đạt gần 10.000km, có thể lặn liên tục 700km. Tàu có thể chở thủy thủ đoàn 52 người, hoạt động ở chế độ độc lập trong 45 ngày.
Hệ thống vũ khí hiện đại
Tàu được trang bị sáu ống phóng ngư lôi 533mm ở phía mũi, có thể mang tới 18 ngư lôi, với sáu chiếc lên nòng và 12 chiếc trên giá.
Một tàu ngầm lớp Kilo 636 trên công trường. Ảnh: naval-technology.com. |
Tàu ngầm lớp Kilo có khả năng bắn chặn tên lửa hành trình chống tàu chiến và mang tên lửa phòng không MANPADS Strela-3 hoặc 3M-54E, 3M-54E1. Tàu cũng mang theo 24 quả mìn có thể phóng qua ống phóng ngư lôi (hai quả mìn mỗi ống).
Ngày 18-2, trên tờ Chứng Khoán Trung Quốc, thiếu tướng Doãn Trác đánh giá: “Tàu ngầm Việt Nam có thể đe dọa tuyến đường biển quan trọng đi qua eo biển Malacca và biển Đông mà Trung Quốc lại nhập dầu thô qua những tuyến đường biển này”. Còn Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời trung tướng Trần Hưng Quốc, tướng nghỉ hưu của lục quân Đài Loan, cho rằng hải quân Việt Nam có thể đứng thứ 10 trên thế giới, sức mạnh rất lớn. |
Hệ thống ống phóng ngư lôi rất hiện đại nhờ hệ thống điều khiển bằng máy tính giúp tàu chỉ mất 15 giây để chuyển sang thế khai hỏa.
Loạt ngư lôi đầu tiên có thể được phóng đi trong vòng hai phút và loạt thứ hai trong vòng năm phút. Ngoài ra còn có hai ống phóng điều khiển từ xa với độ chính xác tuyệt đối.
Nhờ động cơ chạy êm nhất thế giới giúp khó bị phát hiện nên các tàu ngầm thuộc dự án 636 được các chuyên gia quân sự NATO gọi là “hố đen trong đại dương”.
Các chuyên gia Nga đánh giá đây là dòng tàu ngầm ưu việt, đặc biệt có tổ hợp tên lửa Club vô cùng lợi hại.
Hiện nay giá mỗi chiếc tàu ngầm lớp Kilo khoảng 300-350 triệu USD.
Sau khi hạ thủy, các chuyên gia còn thực hiện rất nhiều thử nghiệm kỹ thuật trong nhiều tháng liền trước khi giao sản phẩm cho khách hàng.
Thông thường các chuyên gia của nhà máy đóng tàu cần tiến hành chín cuộc thử nghiệm hệ thống thủy lực, hai lần kiểm tra thân tàu và các công việc phức tạp đòi hỏi công nghệ cao.
Theo Nguyễn Quân – Mỹ Loan
Tuổi Trẻ