Đồng phục mùa đông của học sinh Hà Nội Ảnh: Phạm Yên |
Với các tỉnh phía Nam, đồng phục là một nét đẹp trong các nhà trường từ trước năm 1975. Ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, phong trào mặc đồng phục mới chỉ nở rộ khoảng hơn chục năm nay.
Tuy nhiên, cho đến bây giờ, ở hầu hết các địa phương, quy định về đồng phục gần như được “thả nổi” cho các trường.
Câu chuyện của chiếc áo dài!
Không hẹn mà gặp, từ nhiều năm trước đây, các trường THPT nhiều tỉnh phía Nam (từ Thừa Thiên - Huế trở vào) đồng loạt quy định nữ sinh hàng ngày đến trường phải mặc áo dài. Vốn dĩ chiếc áo dài được xã hội tôn vinh nên không mấy ai dám “ý kiến”. Phụ huynh dẫu có nghèo đến mấy cũng cố gắng chắt bóp sắm cho con 2 bộ áo dài để đến lớp.
Nhưng mấy năm gần đây, dư luận bắt đầu “tấn công” vào những “điểm yếu” của chiếc áo dài với vai trò là đồng phục chốn học đường. Vì thế, năm ngoái, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai với tư cách là Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ - Bộ GD&ĐT, đã phải viết một bức thư gửi Sở GD&ĐT các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khuyến nghị, các trường học không nhất thiết phải bắt buộc nữ sinh sử dụng áo dài làm đồng phục hàng ngày.
Lời khuyến nghị trên bắt đầu có tác dụng kể từ năm học này, 2007 – 2008. Không chỉ các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà cả những địa phương thuộc khu vực khác vốn có thông lệ xem áo dài là đồng phục nữ sinh cũng đã yêu cầu các trường học không bắt nữ sinh mặc áo dài đến trường hàng ngày.
Ông Huỳnh Văn Hoa – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Những năm trước, chúng tôi bắt HS mặc áo dài. Nhưng xét thấy điều kiện khí hậu miền Trung khắc nghiệt nên từ năm nay chúng tôi chỉ đạo các trường không yêu cầu điều đó nữa”.
Nên có những cuộc thảo luận rộng rãi trong các trường học và trong giới phụ huynh về vấn đề đồng phục. Từ đó, ngành GD&ĐT có những mẫu chung về đồng phục Từng trường có thể lựa chọn một trong số những mẫu đó và phụ huynh HS có thể mua đồng phục cho con em mình ở thị trường tự do. Điều này không chỉ giúp cho phụ huynh không bị lệ thuộc vào nhà trường khi mua đồng phục mà còn giúp các trường không bị mang tiếng “lạm dụng” đồng phục để kiếm lời. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, GĐ Sở GD & ĐT Thừa Thiên - Huế |
Một địa phương vốn “nặng nghĩa” với tà áo dài truyền thống là Thừa Thiên - Huế cũng nhận thấy việc bắt nữ sinh mặc áo dài hàng ngày là điều không... khoa học.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế nói: “Từ trước đến nay chưa ai quy định đồng phục của nữ sinh phải là áo dài. Quy định của các trường chẳng qua chỉ là theo phong trào. Từ năm học này, chúng tôi chỉ đạo các trường không bắt nữ sinh mặc áo dài hàng ngày mà chỉ trong dịp đầu tuần, ngày lễ/ tết. Những ngày khác cho các em mặc quần áo bình thường để tạo điều kiện cho các em vận động được thoải mái”.
Theo bà Hà, áo dài dù rất đẹp nhưng là trang phục của lễ hội và yêu cầu người mặc phải có phong thái mềm mại. Trong khi đó lứa tuổi của nữ sinh đòi hỏi các em phải được vận động nhiều. Sự gò bó trong một thời gian dài (do mặc áo dài) đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của nữ sinh.
Chạy đua theo mốt
Qua sự thất thế của chiếc áo dài trong chốn học đường cho thấy, rõ ràng vấn đề đồng phục không thể là chuyện... ngẫu hứng. Nhưng thực tế cho thấy hầu hết các địa phương đang “thả nổi” mảng đồng phục.
Bây giờ, đồng phục được các trường đua nhau thay đổi từ kiểu dáng, màu sắc đến chất liệu vải mỗi năm làm học sinh thích thú còn phụ huynh thì méo mặt.
Nổi tiếng nhất phải kể đến bộ đồng phục của Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (TPHCM) với màu váy không đụng hàng: “xanh đọt chuối”. Còn đồng phục ở trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (TPHCM) là chiếc váy caro nhiều màu, xếp li cực ngắn (trên đầu gối, có quần short bên trong).
Đồng phục của trường tiểu học Trần Quốc Thảo, Q.3 (TPHCM) được thiết kế khá lạ mắt: cổ lá sen màu xanh có chạy thêm đường đăngten viền quanh, hai hàng nút cũng có hai hàng đăngten viền hai bên, tay áo in sẵn logo của trường chứ không phải dạng logo rời để phụ huynh tự gắn vào như nhiều trường khác. Màu xanh của váy cũng nhạt hơn màu xanh đậm thường thấy, lại cùng loại vải với vải may cổ áo.
Đồng phục của học sinh trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ( Tân Phú - TPHCM) |
Với những mẫu đồng phục như trên thì có đắt đến mấy phụ huynh cũng bấm bụng mà mua vì không thể tự may bên ngoài.
Hầu hết các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục do trường bán mà có thể về may đo theo đúng kiểu, đúng màu vải và phải gắn phù hiệu của nhà trường vào áo nhưng hầu như học sinh nào cũng mua ở trường cho lẹ vì mấy loại vải toàn không đụng hàng mà mẫu mã lại quá rườm rà.
Một nữ sinh trường THPT Nguyễn Thị Diệu cho biết: “Mẫu mã năm nay thấy cũng đẹp nhưng màu xanh đọt chuối thì ghê quá. Đâu phải ai cũng có làn da đẹp để mặc màu này đâu. Đồng phục phải chọn kiểu dáng và màu sắc thông dụng để đa số học sinh đều mặc được. Không biết mặc vào em sẽ ra sao nữa”.
Nếu ở bậc mầm non, tiểu học và THCS thì chỉ cần đồng phục mặc hằng ngày và đồ thể dục thì ở bậc THPT, học sinh nữ còn có bộ áo dài trắng mặc cho ngày chào cờ đầu tuần. Lên cao đẳng, đại học kể cả học sinh hệ trung học chuyên nghiệp cũng phải mặc đồng phục.
Trường ĐH Hồng Bàng TP HCM đồng phục có 2 loại: đồng phục thể dục, quân sự, đồng phục mặc hàng ngày, đồng phục mặc vào thứ 2. Có trường chỉ bán đồ thể dục còn các loại khác thì bán vải sinh viên tự may hoặc nhà trường tổ chức đo may. Có trường thì bán sẵn mọi thứ bắt sinh viên mua.
Một sinh viên trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành cho biết: “Mỗi năm nhà trường đổi một mẫu đồng phục mới, cả đồng phục học thể dục lẫn đồng phục học trên giảng đường làm chúng tôi phát chóng mặt”!
Còn ở trường ĐH Hồng Bàng, chỉ riêng màu áo dài, mỗi năm nhà trường chọn mỗi màu áo khác nhau. Có năm thì màu hồng nhạt, năm thì xanh nhạt, năm lại tím nhạt. Áo sơ mi của nam thì năm này gắn logo của trường trên ngực áo, năm sau gắn trên viền túi, có năm lại đưa xuống cầu vai...
“Tụi em cứ như con tắc kè hoa, mỗi năm mỗi màu sắc mới” - Minh Hạnh, sinh viên trường ĐH Hồng Bàng bức xúc.
Đồng phục, chuyện cười ra nước mắt
Năm ngoái, khi nhận đồng phục do nhà trường may sẵn, chưa kịp xỏ hết chân vào chiếc quần thể dục thì đã nghe “xoạt”, đường chỉ may bên dưới đáy quần rách toạc, Hoàng – sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm.
Còn như những người “quá khổ” như Ngọc An – học sinh lớp 5 trường tiểu học Lê Lai, Q. Tân Phú (TPHCM) thì chỉ còn biết mua vải về tự may thôi chứ nhà trường không có size nào vừa với khổ người của em.
Năm học nào chuyện đồng phục cũng là nỗi lo lắng nhất mà ba mẹ Ngọc An phải trải qua. “Nhiều năm, các kiểu đồng phục của nhà trường quá phức tạp mà mẫu người như An mặc vào cứ trông như một mớ bùng nhùng kinh khủng. Vậy mà cứ phải may, cứ phải mặc” - Mẹ Ngọc An ngán ngẩm kể.
Không chỉ bực mình về sự phức tạp mà còn cả những bức xúc về tài chính do đồng phục mang lại. Không phải gia đình nào cũng dư dả tiền của để chạy theo mốt của nhà trường.
“Mỗi năm đổi một mốt, quần áo năm này chưa kịp cũ thì đã phải tận dụng làm giẻ lau nhà để mua đồng phục mới. Thật hoang phí hết mức”, một sinh viên trường ĐH Hồng Bàng kể.
Đồng phục mùa đông của học sinh Hà Nội Ảnh: Phạm Yên |
Bạn nhẩm tính tiền đồng phục cho năm học mới này lên tới hơn 600 ngàn đồng chưa kể tiền công may, gồm đồng phục thể dục, học quân sự (áo thun viền cổ màu đỏ, quần kaki nilông màu xám đậm có dây cột dưới ống chân, giá 113.000 đồng/bộ) và đồng phục mặc vào ngày thứ Hai (nam quần tây, áo sơmi; nữ áo dài, giá 127.000-141.000/đồng/bộ áo dài chưa kể công may). Mỗi sinh viên ít nhất phải 2 bộ mỗi loại. Như vậy mỗi năm riêng tiền đồng phục cũng bằng cả tháng tiền chu cấp của gia đình.