Với mức học phí từ 165 USD/năm/học viên trở lên, số tiền mà trung tâm này mang theo trước khi “biến mất” có thể lên đến hơn 1 tỉ đồng.
Nợ tiền thuê nhà rồi biến mất
Biên lai học phí của học viên Trịnh Hồng Nhung với số tiền trên 2,5 triệu đồng |
Tại cơ sở 177 Bạch Đằng, P.15, Q. Bình Thạnh, người ta thấy bảng hiệu của Trung tâm E.A.C, có trụ sở đặt tại số 177 Bạch Đằng, P.15, Q. Bình Thạnh - TPHCM và 90-92 Lê Thị Riêng, P. Bến Thành, Q.1 - TPHCM, vẫn còn treo nhưng người của trung tâm thì không có ai. Chủ căn nhà này tên là Phạm Xuân Diệu cho biết: “E.A.C thuê nhà từ ngày 1-3-2004 với giá 9.000 USD/tháng.
Đã 14 tháng qua, E.A.C mới trả 14.000 USD. Từ tháng 7-2004, tôi đã gọi điện thoại cho ông Nguyễn Quang Huy, đại diện của E.A.C, để đòi tiền thuê nhà nhưng đến nay họ vẫn không thanh toán. Ngày 8-4, tôi quyết định đòi lại nhà, không cho E.A.C thuê nữa”.
Tại cơ sở số 90-92 Lê Thị Riêng, P. Bến Thành, Q. 1, chủ nhà tên là Tuấn cũng cho biết E.A.C còn thiếu 3 tháng tiền nhà không trả nên chủ nhà buộc phải thu nhà lại.
Đóng 2,5 triệu đồng chỉ học được 1 buổi
Khoảng 500 học viên đến nay vẫn không biết tìm E.A.C ở đâu để đòi lại tiền học phí. Một học viên tên Nguyễn Thị Trang vừa rớm nước mắt vừa kể: Chị đã đóng 510 USD để cho 3 người đi học là chị, con chị và người cháu, đến ngày 29-10-2005 mới hết khóa học. Chị nói vào đầu tháng 4 trung tâm thông báo cho học viên nghỉ 2 tuần để sửa chữa, nhưng giờ này trường đã biến mất không để lại một địa chỉ liên lạc.
Còn chị Võ Thị Anh Đào, một học viên khác, cho biết chị đã đóng 942.000 đồng từ ngày 7-3. Một tháng sau, trung tâm mới gọi đi học nhưng chị chỉ mới học được 1 ngày là trường biến mất. Chị Trần Tuyết Nhung cho biết chị đóng trọn khóa 1 năm là 2.355.000 đồng, đến tháng 11-2005 mới hết khóa.
Có lẽ xót xa hơn là anh Trần Đình Phán, nhà ở P.26, Q.Bình Thạnh, người vừa đóng 2.512.000 đồng cho con đi học. Anh Phán cho biết, anh đã nộp tiền từ tháng 1-2005 nhưng E.A.C cứ khất lần khất lượt nói là chưa có lớp học, đến khi có lớp cũng không thèm thông báo. Xót ruột quá anh dẫn cháu đến và được trung tâm xếp lớp nhưng không ngờ cháu vừa đi học được 1 buổi thì trường thông báo nghỉ để sửa chữa, sau đó đóng cửa luôn. “Họ đã lừa đảo, cướp những đồng tiền xương máu của chúng tôi”- anh Phán bức xúc nói.
Truy tìm dấu vết E.A.C
Ngày 18-4, chúng tôi tìm đến Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM để hỏi về trung tâm này. Ông Đào Xuân Đức, trưởng phòng đăng ký kinh doanh, cho biết: Công ty TNHH Tư vấn giáo dục Tân Thiên Niên Kỷ E.A.C được cấp giấy phép kinh doanh số 4102021285 ngày 7-4-2004 ở lĩnh vực tư vấn giáo dục, đào tạo dạy nghề do bà Lê Thị Minh Nhân, nơi ở số 380/4A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đứng tên làm giám đốc.
Ông Đức giải thích, ngoài việc xin giấy phép kinh doanh tại Sở KH-ĐT TP, Công ty E.A.C phải có giấy phép “con” của Sở LĐ-TB-XH TP mới có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. Chúng tôi đặt câu hỏi Sở KH-ĐT sẽ làm gì nếu E.A.C đã thật sự “biến mất” cùng với hơn 1 tỉ đồng học phí. Ông Đức nói: “Khi nào nhận được thông báo của Q. Bình Thạnh về việc này, chúng tôi sẽ cùng với các cơ quan chức năng điều tra, nếu có vi phạm sẽ bị rút giấy phép đầu tư, nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Tại Sở LĐ-TB-XH TP, ông Nguyễn Thành Hiệp, trưởng phòng dạy nghề, đã tìm tên công ty trên dữ liệu máy tính nhưng không có. Ông Hiệp tiếp tục tra cứu ở cuốn Cẩm nang hướng nghiệp dạy nghề TPHCM nhưng vẫn không có tên E.A.C. “Công ty này không đăng ký hoạt động”- ông Hiệp kết luận.
Trước đó, chúng tôi đã liên hệ với Phòng Giáo dục Thường xuyên, Sở GD-ĐT TPHCM để tìm hiểu về tính hợp pháp của trung tâm này. Ông Nguyễn Văn Cương, trưởng phòng, khẳng định trung tâm này không đăng ký hoạt động với Sở GD-ĐT. Như vậy là 1 năm nay Công ty TNHH Tư vấn giáo dục Tân Thiên Niên Kỷ E.A.C hoạt động không hợp pháp!
Được biết, các học viên đã chính thức gửi đơn đến UBND Q.Bình Thạnh, Công an Q.Bình Thạnh tố cáo hành vi có tính chất lừa đảo của E.A.C và đề nghị các cơ quan này can thiệp để E.A.C trả lại tiền cho học viên.