Lớp học đặc biệt giữa rừng U Minh Thượng
Gần 70 tuổi, bệnh tật, nghèo khó nhưng 13 năm qua, hai vợ chồng nhà giáo Trần Văn Nhâm, Lê Ngọc Lệ vẫn miệt mài gieo chữ cho hàng trăm trẻ nghèo giữa rừng U Minh Thượng
Ngôi trường tình thương của thầy Nhâm, cô Lệ. |
Ngôi trường tình thương của thầy Nhâm, cô Lệ được dựng trên mảnh đất mượn của người quen ở ấp Xẻo Nhàu A (xã Tân Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), một vùng quê heo hút nhất thuộc rừng U Minh Thượng.
Nhà của ông bà cũng là mái tranh xập xệ được cất tạm trên đất mượn của người khác. Giữa trưa, tiếng trẻ ê a đọc bài xoá tan cái không khí u tịch đặc trưng của miệt rừng.
Để đến được ngôi trường đặc biệt của hai vợ chồng nhà giáo già, học trò phải qua một cây cầu ván mục trơn trượt và một đoạn đường ngập ngụa bùn đất, lau sậy chen chúc. Đập vào mắt chúng tôi, ngôi trường đơn sơ, cũ nát đến nao lòng. Chỉ với 2 phòng học bằng cây lá địa phương, những đứa trẻ miệt mài nắn nót từng con chữ trên những chiếc bàn ghế cũ kỹ được chôn chân dưới nền đất. Chỗ ngồi và viết được đóng bằng những mảnh gỗ vụn chắp vá, sơ sài. Hai phòng học được phân thành 4 lớp từ mẫu giáo đến lớp 3 với 120 học sinh.
Lịch học kín cả 2 buổi sáng và chiều nhưng chỉ có 2 ông bà già thay phiên nhau đứng lớp. Nhất là bà giáo Lệ, bị trượt ngã vẹo cột sống, đi đứng bất tiện nhưng vẫn lên lớp đều đặn ngày 2 buổi. Ông bà dường như không có thời gian nghỉ ngơi vì tối đến phải thức đến tận khuya để chấm bài. Hoàn cảnh như thế nhưng ngôi trường tình thương của vợ chồng nhà giáo già vẫn được duy trì hơn 13 năm nay, được ví như trung tâm trị bệnh “mất căn bản” của học sinh cấp 1 của cả ấp.
Thầy Nhâm trông khá nghiêm khắc sau lớp kính viễn đến 11 độ. Ông tiếp chuyện chúng tôi một cách cởi mở, chân tình. Năm 2000, việc buôn bán gặp nhiều khó khăn, trong khi 2 người con vào đại học, ông bà buộc phải rời TP Rạch Giá, quay về nơi chôn nhau cắt rốn Xẻo Nhàu để mưu sinh. Mượn của người quen được 1 mảnh đất cất căn nhà lá, hàng ngày ông bà trồng rau, giăng cá bán kiếm tiền gởi nuôi 2 người con học đại học ở Cần Thơ.
Hè năm 2001, không đành lòng đứng nhìn con cháu của học trò cũ học đến lớp 3, lớp 4 mà vẫn không đọc được chữ, ông bà bèn đưa về nhà kèm cặp để giúp các cháu lấy lại căn bản. Thấy trẻ theo học thầy Nhâm, cô Lệ một thời gian ngắn mà biết đọc, biết viết, lại lễ phép nên nhiều người trong xóm mang con đến gửi. Hàng chục hộ dân ấp Xẻo Nhàu A khi đó đã đồng loạt ký đơn xin Phòng GD-ĐT huyện An Minh cho phép mở lớp dân lập. Gom góp tài sản cả đời chắt chiu, ông Nhâm, bà Lệ che tạm một cái chái để có chỗ mà dạy cho các cháu, rồi sau này “nâng cấp” lên thành 2 phòng học bằng… “cây nhà lá vườn”.
Lúc mới về rừng, gia cảnh ông bà giáo rất khó khăn, phải mua từng lon gạo, đổi từng thùng nước ngọt... lại còn nuôi đến 2 người con học đại học nên được phụ huynh đề ra mức học phí 500 đồng/ngày. Việc này hoàn toàn tự nguyện, học sinh nào nghèo, không có tiền thì thôi. Từ năm 2002 đến nay, cuộc sống khá hơn, các con ra trường thành đạt, ông bà quyết định không thu tiền học và đổi tên lớp dân lập thành lớp tình thương. Mỗi tháng học sinh nào có điều kiện thì chỉ đóng góp 2.000 đồng để mua phấn, viết, trả tiền điện thắp sáng, đổi nước ngọt để uống và rửa chân vào mùa mưa. Em nào nghèo khó, không có tiền đóng thì cũng không sao vì tất cả là tự nguyện.
Tuổi già, bệnh tật đeo đẳng và chỉ được đào tạo khoá sư phạm ngắn hạn vào năm 1977, ông bà chỉ nhận dạy học sinh từ mẫu giáo đến lớp 3. Nhiều phụ huynh nhà sát vách trường công, vẫn chấp nhận đi xa hơn 5 cây số để cho con theo học thầy Nhâm, cô Lệ.
Ngay cả giáo viên đang dạy cấp 1 tại một số trường công cũng tự nguyện gửi con vào “lò luyện chữ” của ông bà giáo già. Đặc biệt vào những tháng hè, có đến hàng trăm học sinh từ các trường công lập tìm đến đây “học lại” để biết đọc, biết viết, trong đó có cả học sinh cấp 2.
“Thật ra, mình cũng chẳng có tài cán gì ghê gớm đâu mà chỉ dốc hết tâm sức, tấm lòng ra để dạy, nên các trò dù cá tính đến mấy cũng phải học và tiến bộ”, thầy Nhâm vui vẻ nói.
Lớp học tình thương của thầy Nhâm, cô Lệ đã được Sở GD-ĐT Kiên Giang công nhận là một điểm trường. Các kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ cũng được tổ chức như trường công và sở cắt cử giáo viên ở các trường công coi thi. Học hết lớp 3, các em được chuyển sang học lớp 4 ở trường công lập. Hầu hết học sinh xuất thân từ ngôi trường tình thương này đều có học lực khá khi vào các trường công.
Theo Duy Nhân - Phạm Công
Người lao động