Vì sao hàng chục học sinh ở Hà Nội bỏ học?

Vì sao hàng chục học sinh ở Hà Nội bỏ học?
TP - Khoảng một tuần nay, hàng chục học sinh ở thôn Bằng Tạ (xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) không được đến trường do phụ huynh phản đối việc xã ép con em họ rời điểm trường ra học ở khu trung tâm.

Lớp học chỉ có một học sinh

Sáng 25/10, khi phóng viên Tiền Phong có mặt tại khu trung tâm Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì thì lớp 2D chỉ duy nhất một học sinh có mặt. Để buổi học đỡ buồn tẻ, cô giáo Nguyễn Thị Tâm đã phải sang lớp 2C bên cạnh “mượn” thêm hai học sinh nữa “để dạy cho đỡ buồn tẻ”. Lớp 3D thì khá hơn, có tới... 5 học sinh.

Cô Nguyễn Thị Châm, Hiệu trưởng tâm sự: “Hai lớp này chuyển từ điểm trường Bằng Tạ sang. Nhà trường đã bố trí lớp 2D học ở khu nhà hai tầng mới xây năm 2008, còn lớp 3D hiện học tạm ở phòng hội đồng (là nhà cấp 4) do trường còn thiếu phòng học. Để ưu tiên con em Bằng Tạ, chúng tôi định tiếp tục chuyển lớp 3D lên khu hai tầng này còn lớp 2C xuống phòng hội đồng. Nhưng hiện chúng tôi cũng chẳng biết bao giờ dân mới chịu cho con đi học nên tạm thời vẫn để lớp 3D ở dưới đó”.

Theo báo cáo của Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh, ngoài khu trung tâm trường có ba khu lẻ là Đồi Bông, Tân Đức và Bằng Tạ. Ở Bằng Tạ có ba lớp, gồm 1D, 2D và 3D. Theo quy hoạch, xã Cẩm Lĩnh sẽ thành lập hai trường tiểu học ở khu trung tâm và Đồi Bông và sẽ xóa các khu lẻ ở Tân Đức và Bằng Tạ, nhưng nhà trường chưa định xóa các khu lẻ trong năm học 2013 – 2014 do khu trung tâm chưa đủ phòng học.

Tuy nhiên, sau khi đi kiểm tra cơ sở vật chất, nhà trường (30/9) đã phải đề nghị Đảng ủy - UBND xã Cẩm Lĩnh chuyển cả ba lớp học ở điểm trường Bằng Tạ sang khu trung tâm. Để có đủ chỗ cho học sinh từ điểm trường Bằng Tạ chuyển về, Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh phải mượn phòng học của trường mầm non, thậm chí còn phải lấy cả phòng họp hội đồng để làm phòng học.

“Cả ba lớp học ở Bằng Tạ bị mối ăn toàn bộ hệ thống rui, mè, đòn tay, mái nhà bị võng. Chúng tôi không thể để cô trò dạy học ở nơi thiếu an toàn như thế, trong khi xã chủ trương không đầu tư sửa chữa điểm trường này. Chúng tôi chỉ làm chuyên môn, còn địa phương chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất”, cô Châm nói.

Người lớn làm căng, con em thiệt

Nghe tin có nhà báo về xã, hàng trăm người dân chờ ở điểm trường Bằng Tạ suốt buổi sáng, kể cả những người không có con cháu là học sinh của trường tiểu học.

“Họ chỉ lấy cớ xóa điểm trường, lùa học sinh ra khu trung tâm để lấy đất của dân. Dân Bằng Tạ bị lừa nhiều rồi nên giờ họ không muốn bị lừa nữa”, cụ Phùng Xuân Tụ, 81 tuổi bức xúc.

Ông Lê Huy Thu, 70 tuổi nói: “Thương cho con em mình cứ phải học nhờ trên đình, trong chùa nên năm 1978 dân làng góp tiền lại xây điểm trường này. Giờ họ đòi đập nó đi để làm gì? Xã tôi mất rất nhiều đất công rồi, kể cả đất thánh. Bằng Tạ là một trong ba làng cổ của xã Cẩm Lĩnh. Linh hồn của làng là cây đa, bến nước, sân đình. Cây đa, bến nước giờ vẫn còn nhưng ao làng đã bị bán mà trưởng thôn không hề biết gì. Vì thế bây giờ còn chút nào đất công là dân làng tôi phải giữ, trong đó có điểm trường này”.

Những người dân có con em đang và sẽ học tại Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh thì có lý do thiết thực hơn khi phản đối việc chuyển học sinh ra khu trung tâm. Theo nhiều người dân, từ Bằng Tạ ra khu trung tâm xa từ 3 – 7 km, trong khi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, việc bỏ quá nhiều thời gian đưa đón con ảnh hưởng rất lớn tới cuộc mưu sinh của mỗi gia đình.

Chị Lương Thị Diện cũng ở xóm 5 bật khóc khi được hỏi đến: “Tôi là mẹ đơn thân nuôi hai con bằng nghề mò cua bắt ốc. Ba mẹ con sống trong túp nhà rách, tài sản đáng giá là cái xe đạp thì nhường thằng lớn học cấp III. Hằng ngày đưa đứa nhỏ học lớp mầm non ngay trong thôn tôi đã đủ khốn khổ rồi. Sang năm phải đưa con đi học lớp 1 tận khu trung tâm cách nhà 7 km, tôi phải xoay xở làm sao?”. “Tôi e rằng nếu xã giải quyết không thỏa đáng việc này thì nhiều người sẽ cho con bỏ học hẳn”, ông Lê Huy Nhương, xóm trưởng xóm 5 nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho rằng chủ trương xóa điểm lẻ ở Bằng Tạ là điều không thể thay đổi. “Nếu để tồn tại điểm lẻ thì chất lượng giáo dục không lên được. Vấn đề phải giải quyết là nhận thức của người dân", ông Công nói.

“Độ dài đư­ờng đi của học sinh đến trư­ờng: Đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp, khu tái định cư không quá 500m; đối với khu vực ngoại thành, nông thôn không quá 1km; đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 2km”.

Trích Điều lệ trường tiểu học được ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGD&ĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG