Nhà chùa, giáo xứ tiếp sức mùa thi

Nhà chùa, giáo xứ tiếp sức mùa thi
TP - Mùa thi đại học năm nay, các chùa tại TPHCM dành khoảng 8.000 chỗ ăn ở miễn phí cho sĩ tử đi thi đại học. Các sĩ tử và người nhà ở chùa được miễn phí ăn ở, thậm chí còn được chùa đưa rước tới tận phòng thi. Nhiều nhà dân, giáo xứ cũng ra tay hỗ trợ sĩ tử.

> 1.500 tình nguyện viên tham gia Tiếp sức mùa thi
> Thiên Long tiếp tục đồng hành cùng Tiếp sức mùa thi 2013

Sướng như sĩ tử ở chùa

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hầu hết các chùa nhận nuôi sĩ tử mùa thi đến ngày 28/6 mới mở cửa đón sĩ tử cùng người nhà. Thế nhưng những ngày này, nhiều chùa đang bận rộn chuẩn bị chỗ ăn ở, chăn mền chờ các thí sinh, bên cạnh đó nếu thí sinh và người nhà nào tới sớm, chùa vẫn rộng cửa đón chào.

Chùa Trung Nghĩa (phường 27, quận Gò Vấp) 5 năm nay được sĩ tử biết và tìm tới cư trú trong mùa thi. Chùa chỉ rộng 200m2, thế nhưng năm nào cũng dành chỗ cho 20-30 sĩ tử cùng người thân cư trú trong những ngày thi.

Ni sư trụ trì Tịch Nữ Tịnh Ân cho biết: “Do chùa chỉ có nữ tu nên chỉ nhận những cháu gái tới ở, còn cháu trai thì chùa gửi nhà phật tử quanh vùng. Ngoài việc lo ăn ở miễn phí cho thí sinh và người thân, nhà chùa còn dành 6.000 suất ăn miễn phí cho thí sinh và người thân cũng như tình nguyện viên tại các điểm thi đại học”.

Tại chùa Pháp Vân (Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh), thầy Minh Tâm phụ trách lo chỗ ăn ở cho sĩ tử tại chùa cho biết, những năm trước, chùa đón khoảng 600 thí sinh cùng người nhà, nhưng năm nay chùa cố gắng dành 700 chỗ.

 “KTX ĐH Quốc gia TPHCM đang tiếp nhận thí sinh và thân nhân trong kỳ thi vào các trường ĐH-CĐ năm 2013 với hơn 4.000 chỗ có trang thiết bị và cơ sở vật chất tốt; an ninh trật tự ổn định, nhân viên y tế trực cấp cứu 24/24 giờ; căng tin phục vụ suốt ngày; các tuyến xe buýt từ nội thành đến ký túc xá… Để đăng ký, thí sinh chỉ cần giấy báo dự thi và CMND (bản photocopy), lệ phí 10.000 đồng/người/ngày…”  

Ông Trần Thanh An - Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX ĐH Quốc gia TPHCM

Có nhiều chùa còn tổ chức đội quân đưa đón sĩ tử tới phòng thi, trưa mang cơm tới, chiều đón sĩ tử về chùa. “Chúng tôi vận động phật tử trước cả tháng với nhiệm vụ đưa đón sĩ tử đi thi. Bên cạnh đó, chùa liên kết với nhiều trường đại học đăng ký chỗ cho 40 thí sinh, báo Giác Ngộ đăng ký cho 40 thí sinh, còn dư chỗ chùa cho người tới bến xe đón thí sinh về lo ăn ở tại chùa”- thầy Thích Bửu Hiền trụ trì chùa Bồ Đề (đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh) nói.

Năm nay, chùa Bồ Đề dự tính đón 500 thí sinh và người nhà, với phòng học và phòng ăn ngủ riêng, máy tính và mạng internet cho thí sinh dùng tìm tài liệu.

Cô Nguyễn Thị Đượm 47 tuổi, quê Thanh Hóa đưa con gái vào dự thi Trường Đại học Kinh tế TPHCM đang ở tại chùa Vạn Thiện (đường Trần Phú, phường 4, quận 5) nói: “Hai năm trước, tôi đưa đứa con trai đầu vào TPHCM thi đại học cũng cư trú nhờ chùa đây và đã đỗ đại học, giờ đến đứa con gái út cũng tìm đến xin nhờ cửa chùa. Gia đình ở quê nghèo, không người quen ở TPHCM nhưng có cửa chùa rộng mở nên đỡ biết mấy”.

Giáo xứ và người dân rộn ràng đón tiếp thí sinh

Ông Trần Ngọc Anh trong căn phòng dùng làm nơi ở miễn phí cho sĩ tử
Ông Trần Ngọc Anh trong căn phòng dùng làm nơi ở miễn phí cho sĩ tử mùa thi 2013. Ảnh: Phan Anh.
 

Những ngày này, các giáo dân của giáo xứ Xây Dựng (Bành Văn Trân, Q. Tân Bình) cũng rộn ràng với công việc dọn dẹp phòng ốc để chuẩn bị đón tiếp thí sinh.

Chị Trần Thị Thu Hà, hội trưởng các bà mẹ công giáo của giáo xứ Tân Bình cho biết: “Năm nay, giáo xứ có thể tiếp nhận khoảng 200 thí sinh mỗi đợt. Các em được lo ăn ở, đưa đón đến trường thi hoàn toàn miễn phí. Để chăm sóc sức khỏe cho các cháu, giáo xứ cũng đã chuẩn bị đội ngũ bác sĩ gồm hai người sẵn sàng chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các cháu”.

Các địa điểm khác như nhà dòng Đức Bà (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3), nhà dòng Thủ Đức, giáo xứ Mạc Ty Nho (Q.1)… cũng sẽ là nơi cưu mang nhiều thí sinh nghèo về thành phố dự thi.

Theo Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM, ngay từ đầu tháng 4, các đội sinh viên tình nguyện đã bắt đầu đi khảo sát, tìm đến nhà người dân tìm các khu trọ. Nhà trọ giá rẻ, miễn phí sẽ được giới thiệu tới các thí sinh. Tính đến ngày 21/6, đã có 4.557 chỗ trọ được giới thiệu, trong đó có 726 chỗ miễn phí, còn lại khoảng 35.400 chỗ (8.300 chỗ miễn phí)…

Ông Trần Ngọc Anh (144/3A/1 hẻm Đống Đa, Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) là chủ hộ suốt hơn 10 năm qua cho sĩ tử nghèo trọ miễn phí. Ông nói: “Thông thường tôi nhận thí sinh đến ở lúc cận ngày thi nhưng nếu có em nào đến sớm, tôi vẫn nhận hết”. Năm nào nhà ông cũng là nơi trọ của khoảng 20 thí sinh.

Bà Cao Thị Oanh (26/269C, đường Thống Nhất, phường 15, quận Gò Vấp) cũng đã nhiều năm cưu mang các thí sinh. Mỗi năm, mùa thi tới, bà đều có kế hoạch dọn dẹp, chỉnh trang nhà cửa để đón sĩ tử. Từ nhiều năm qua, nhà anh Hoàng (cầu Kho, Q.1), cô Huệ (đường Bưng Ông Thoàn, Q.9)… đã trở thành những địa chỉ quen thuộc của thí sinh nghèo khi lên Sài thành ứng thí.

Thuê xe về quê đón sĩ tử đi thi

Được thành lập cách đây ba năm, năm nay, câu lạc bộ Kết nối sinh viên Vạn Ninh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) lại thuê xe về đón sĩ tử cùng phụ huynh vào Sài Gòn thi đại học.

Ngay từ đầu năm, nhóm đã lên lịch về quê tư vấn tuyển sinh cho các em tại các trường THPT trong huyện, giải đáp thắc mắc của các em và phụ huynh, đồng thời nắm số lượng sĩ tử sẽ tham gia dự thi đại học để kiếm chỗ ăn ở miễn phí cho các em cùng phụ huynh.

“Năm nay câu lạc bộ sẽ thuê ba ô tô loại 45 chỗ của hãng Mai Linh để về đón sĩ tử vào Sài Gòn thi trong hai đợt, kinh phí do nhóm đóng góp và xin tài trợ từ các doanh nghiệp địa phương. Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng kiếm được 200 chỗ ở miễn phí, cùng đội quân đưa đón và tổng đài hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho phụ huynh và thí sinh”- bạn Phan Chi phụ trách đưa đón sĩ tử tại TPHCM cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
TPO - Yên Bái có diện tích rừng trồng khá lớn tạo nên nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng trồng. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh việc cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC), góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững về lâm nghiệp.