Sáng 4/1, tại Hà Nội và TPHCM, báo Tiền Phong phối hợp với Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tôn vinh và trao Học bổng Nâng bước Thủ khoa năm 2024.
Học tập để vượt qua tự ti và khó khăn
Là một trong 95 sinh viên nhận được học bổng, Lê Văn Lộc (sinh viên Đại học Quốc tế Hồng Bàng) bày tỏ sự biết ơn đến quý ân nhân đã giúp đỡ trong suốt thời gian qua, từ việc ăn ở, tạo điều kiện được đến trường học tập.
Lê Văn Lộc cho rằng chỉ có học tập không ngừng nghỉ thì mới phát triển bản thân. Ảnh: Duy Anh. |
Từ một cậu bé dị tật sứt môi, hở hàm ếch, bị bỏ rơi ở chân cầu lúc còn đỏ hỏn, Lộc đã nỗ lực học tập để trở thành tân sinh viên đại học nhờ vào sự yêu thương, đùm bọc của các sơ ở cô nhi viện.
“Khoảng thời gian trước, em tự tự ti về mọi thứ. Ba mẹ em bỏ đi là một thiếu sót. Tại sao ba mẹ sinh ra rồi bỏ rơi và mình mang hình hài không may mắn. Tự ti, mặc cảm hoài thì cuộc đời không phát triển được. Từ đó ,em thay đổi bản thân để không phụ sự giúp đỡ của các sơ và quý ân nhân”, Lộc nghẹn ngào và cho hay khi lớn lên, bản thân đã có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, giao lưu nên tinh thần cởi mở hơn.
Khi được hỏi chọn cách sống, cách tạo ra tương lai, Lộc cho biết cuộc đời của em là sự biết ơn. Biết ơn ba mẹ đã tạo ra bản thân dù không chăm sóc. “Con đường em chọn là con đường học tập. Tương lai của em là khoảng thời gian rất dài ở phía trước nên phải chăm chỉ học tập để thành công và có cơ hội giúp đỡ các em khó khăn, không có điều kiện đến trường”, Lộc nói.
Các sinh viên nhận học bổng từ chương trình. Trong ảnh ông Phạm Quý Trọng, Vụ phó, Phó trưởng cơ quan Thường trực khu vực miền Nam Ban Tuyên Giáo T.Ư trao học bổng cho các tân thủ khoa. Ảnh: Duy Anh. |
Khác với Lộc, Trần Ngọc Anh Thy (sinh viên năm nhất khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) có hoàn cảnh đặc biệt khi bố mất vì mắc bệnh hiểm nghèo lúc Thy mới được 17 tháng tuổi.
Nữ sinh cho biết thời điểm ấy, bản thân cố gắng học tập là cách để vượt qua khó khăn. “Khi đi học nhiều bạn bè cũng hỏi có nhớ đến ba không, tuy nhiên lúc đó em còn nhỏ nên cũng chỉ nghe gia đình kể lại. Nhiều lúc em cũng thấy tuổi thân nhưng em luôn cố gắng học hành và lấy đó làm động lực để bản thân vươn lên từng ngày”, Thy chia sẻ.
Học tập để báo ơn người giúp đỡ
Tham gia giao lưu tại chương trình, tân thủ khoa Phan Thái Tỷ (sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật hóa, ĐH Nông Lâm TPHCM) cho biết bản thân luôn trăn trở, làm thế nào để có thể mang kiến thức cải thiện bản thân, cuộc sống gia đình và xã hội.
Tân thủ khoa Phan Thái Tỷ. Ảnh: Duy Anh. |
Trước khi trở thành người có ích cho xã hội, Tỷ luôn muốn trở thành người con có hiếu, đặc biệt là có hiếu với mẹ vì mẹ phải tần tảo, hy sinh rất nhiều để em có điều kiện học tập như ngày hôm nay.
“Mong ước lớn nhất của em giai đoạn này là được tiếp tục học tập, được viết tiếp ước mơ để một ngày nào đó quay lại báo đáp hết những người đã giúp đỡ mình và hy vọng có cơ hội để được đồng hành cùng chương trình Nâng bước Thủ khoa của báo Tiền Phong trong tương lai”, Tỷ chia sẻ.
Là người dân tộc H'Mông và sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em, Giàng Văn Đang (Khoa Sáng tác âm nhạc, Học viện âm nhạc Huế) cho biết nhà không có điều kiện nên các anh chị đều phải bỏ học khi vừa học xong lớp 9.
“Em là con thứ 5 trong gia đình, em là người may mắn nhất khi được bước vào ngưỡng cửa đại học. Em nghĩ đây là thách thức lớn đối với gia đình em khi cho em đi học đại học”- Đang xúc động chia sẻ.
Nói về mơ ước của mình, Đang cho biết em từng có suy nghĩ là muốn lưu giữ nét đẹp truyền thống của người dân tộc H'Mông để cho cả nước và xa hơn nữa là cả thế giới biết đến. Đó là em bắt đầu bước theo con đường học tại Học viện âm nhạc Huế và em theo ngành sáng tác âm nhạc.
Nhà báo Phùng Công Sưởng tặng hoa cho tân thủ khoa Giàng Văn Đang. Ảnh: Duy Anh. |
“Năm ngoái, em có thi vào Học viện âm nhạc Huế nhưng em bị trượt do em không biết về môn đó nhiều. Sau đó, em ở lại học thêm trung cấp 1 năm, năm nay em thi lại và đậu với số điểm 38,25. Điều đó khiến em thật sự biết ơn khi những nỗ lực và sự cố gắng của mình được đền đáp” - Đang kể về quá trình phấn đấu của mình.
Chia sẻ ước mơ tương lai, chàng sinh viên trẻ cho biết bản thân mong muốn áp dụng những kiến thức mà mình học được viết nên những cảm xúc của mình để trao cho mỗi người không những bằng lời nói mà còn bằng những cảm xúc, cảm nhận với âm nhạc.
“Em muốn lưu giữ những nét truyền thống đẹp đó lâu dài và đến với con cháu của em sau này và cho mọi người xung quanh”, tân sinh viên bày tỏ.