Môn Lịch sử: 'Lừ đừ' từ chuẩn quốc gia đến SGK

Môn Lịch sử: 'Lừ đừ' từ chuẩn quốc gia đến SGK
TPO - Sách giáo khoa (SGK) Lịch sử hiện hành bất cập, cần xây dựng bộ mới công phu và thực tiễn hơn. Nhưng, trước đó, cần có chuẩn quốc gia về bộ môn Lịch sử.

> Lịch sử và... trò bốc thăm may rủi
> Học sinh xé đề cương môn Sử: Giáo viên trăn trở
> Đề xuất gộp sử - địa thành môn học mới

Đó là phần lớn ý kiến, đề xuất tại hội thảo về sách giáo khoa lịch sử ở trường phổ thông, diễn ra sáng nay (10/5) tại Hà Nội, do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) tổ chức.

Toàn cảnh cuộc hội thảo sáng 10-5
Hội thảo diễn ra sáng 10/5. Ảnh: ĐH

“Môn phụ” và nỗi “kinh sợ” của người học

Theo PSG, TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, việc biến lịch sử Việt Nam hiện đại thành sản phẩm chủ quan của người soạn thảo chương trình và soạn sách giáo khoa nặng nề về số liệu không thể tiêu hóa được, là nguyên nhân dẫn đến nỗi “kinh sợ” của người học Sử và đọc Sử hiện nay.

Cũng theo PGS Bang, trong chương trình phổ thông có nhiều “môn phụ” bị học sinh “coi thường”, trong đó “môn phụ” làm cho học sinh đáng sợ nhất khi bắt buộc phải học và thi là Lịch sử chính là do sách giáo khoa của môn này.

“Nếu như tăng giờ học môn Lịch sử hoặc nó trở thành môn cơ bản, bắt buộc trong nhà trường, mà với bộ sách giáo khoa đang có, thì tôi cho rằng, môn Lịch sử không còn mấy ai yêu thích. Sẽ dẫn đến sự xa lánh lịch sử, là một thảm họa đất nước”, PGS Bang chia sẻ.

Còn GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, mục tiêu của môn học xoay quanh ba yêu cầu lớn về kiến thức, phẩm chất và kỹ năng. Nhưng khi vận dụng vào chương trình và sách giáo khoa, sự quán triệt các mục tiêu đó lại không rõ, nhấn mạnh quá nhiều vào việc cung cấp kiến thức mà coi nhẹ các mục tiêu khác.

GS Ninh cũng cho hay, những điều trên cho thấy chương trình và sách giáo khoa chưa chú ý đầy đủ đến tính phổ thông của giáo dục học sinh cấp hai và ba. Các kiến thức được chọn lựa, cách thể hiện trên sách giáo khoa còn nặng tính lý thuyết, hàn lâm, không phù hợp với yêu cầu của trình độ phổ thông để học sinh có thể hiểu, tiếp thu và vận dụng ở chừng mực nhất định.

“Đội ngũ tác giả là những giáo sư, giảng viên đại học, trình độ cao, xong xa rời nhà trường phổ thông, không hàng ngày tiếp tục với học sinh nên tư duy xây dựng chương trình và cách viết sách giáo khoa đều mang tính kinh viện, lý thuyết nặng nề, lời văn cô đọng không phù hợp với trình độ và tâm lý học sinh phổ thông”, GS Ninh nhận xét.

GS Ninh cũng nhận định, phương pháp biên soạn giáo trình đại học và phong cách học tập của sinh viên có nhiều điểm khác xa với sách giáo khoa và học sinh, nhưng nhiều khi sách giáo khoa mang dấu vết của “giáo trình đại học bị dồn nén” nên các em khó tiếp thu, sinh ra chán.

thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) phát biểu
Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Đ.H

Giáo viên, học sinh phổ thông “vào cuộc”

Là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Lịch sử, được mời tham gia hội thảo, thầy Trần Trung Hiếu - Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) - đề xuất tăng thời lượng môn Lịch sử từ 0,5 - 1 tiết/tuần.

Thấy Hiếu cũng cho rằng, hiện tại, thời lượng dạy Lịch sử còn hạn chế, nên giáo viên gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cần giảm bớt kênh chữ, tăng hình lên. Ngoài ra, nên có cuốn Atlat Lịch sử để giúp học sinh dễ dàng hệ thống kiến thức, cũng như ôn tập.

Liên quan đến việc biên soạn sách giáo khoa mới, thầy Hiếu cho rằng, giáo viên là người trực tiếp triển khai chương trình chính, vì thế khi viết sách nên có giáo viên tham gia biên soạn và thẩm định sách giáo khoa.

“Dù chúng ta thay đổi chương trình, sách giáo khoa thế nào đi nữa, nhưng nếu bộ môn Sử được đánh giá là phụ, bị đánh giá thấp, thì chắc chắn không thể làm thay đổi những bất cập hiện nay”, thầy Hiếu khẳng định.

Buồn vì... số phận

PGS, TS Sử học Trần Thị Vinh, người nhiều năm giảng dạy và tham gia biên soạn sách giáo khoa, chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất buồn vì có lẽ không quốc gia nào mà các chuyên gia cứ phải ngồi bàn đi bàn lại về số phận của môn này”.

Trong hội thảo ở Đà Nẵng (tháng 8/2012), Thứ trưởng Bộ G&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã gật gù khi nói Lịch sử phải là môn bắt buộc, nhưng cái chúng ta nhận được chỉ rơi vào vòng bốc thăm may rủi- Bà Vinh chia sẻ.

PGS Vinh cũng cho rằng, lộ trình rất khó có bộ sách giáo khoa hoặc nhiều bộ sách giáo khoa mới vào năm 2015.

PGS Vinh đề nghị, muốn có một bộ sách giáo khoa môn Lịch sử thì quan trọng nhất phải có chuẩn quốc gia môn này: “Ai sẽ làm chuẩn này? Người thẩm định cuối cùng về môn Lịch sử?”.

Bà Vinh cũng băn khoăn về việc thiết kế chương trình môn Lịch sử như thế nào và cách tiếp cận chương trình sẽ ra sao. “Chúng ta tiếp cận theo năng lực hay kiến thức? Theo tôi, kết hợp cả hai”- Bà Vinh chia sẻ

Bà Vinh chũng chỉ ra rằng, người viết sách giáo khoa là quan trọng: “Nhưng ai sẽ viết? Xưa nay, các giáo sư, thầy giảng dạy đại học viết. Tôi nghĩ, giáo viên phổ thông viết hoặc được tham gia trong quá trình thẩm định và dạy thử. Các thầy đại học cũng nên bỏ thời gian xuống trường phổ thông xem giáo viên dạy thế nào, sẽ biết ngay mình viết đã phù hợp chưa để phù hợp với thực tế phổ thông chưa”, Bà Vinh chia sẻ.

“Viết xong cuốn sách phải có học sinh phổ thông tham gia vào quá trình thực thi, vì các thầy viết cho em chứ không phải cho người lớn, để tránh tình trạng như GS Phan Huy Lê nói, chúng ta viết lịch sử cho người lớn”, Bà Vinh đề nghị.

Đồng tình với ý kiến này, các chuyên gia dự hội thảo cho rằng, thời gian tới sẽ thử viết lại một số bài học theo quan điểm mới để dạy thử, qua đó đánh giá tính hiệu quả, cũng như đưa ra sự điều chỉnh cần thiết.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.