Lớp học bên hiên trại phong

Lớp học bên hiên trại phong
TP - Mỗi sáng, lũ trẻ trong ấp lại í ới gọi nhau đi học. Khi ra đến đầu con hẻm, một nhóm trẻ rẽ về phía trường học gần đó, một đám khác lại lặng lẽ đi về phía trại phong. Ở đó có một lớp học đang chờ đợi chúng.

> Lớp 'cơi nới' sĩ số: Phạt ai, ai phạt?
> Học tiếng Anh miễn phí với hai chàng trai Mỹ

Lớp học nằm bên mái hiên của Khu điều trị phong Bến Sắn (ấp 4, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, Bình Dương) đã gần 15 năm nay là nơi dạy dỗ cho hàng trăm con em của bệnh nhân phong và cả công nhân trong vùng.

Cô giáo 15 năm gắn bó

Cách đây gần 15 năm, có một cô giáo lặn lội tìm về trại phong, xin được dạy chữ cho những người con bệnh nhân ở đây. Ban giám đốc trại đồng ý, thu xếp cho cô giáo một góc nhỏ bên hông trại phong. Cô Lê Thị Hoàng, gọi thân mật là cô Thu, ở lại với trại phong từ đó. Đến nay đã gần 15 năm, hàng trăm đứa trẻ đã lớn lên từ lớp học của cô và bước vào đời.

 “Lũ trẻ không phải đứa nào cũng có sách. Đứa có sách Toán thì thiếu Tiếng Việt. Cả mấy lứa cùng học, cuốn sách nát bươm. Tôi không cần tiền bạc, ai cho sách, đặc biệt là sách cấp 1 thì tôi quý lắm”.  

Thu nói

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương, thay vì tìm việc ở những nơi ổn định, cô Thu lại xin về Long Thành, Đồng Nai, vào trong rừng cao su dạy chữ cho con em công nhân. Thế rồi, căn bệnh bại liệt ập đến khiến phần thân dưới của cô liệt hoàn toàn. Căn bệnh quái ác lan dần. Tay phải của cô không cầm vững cả viên phấn. Nghỉ việc, cô quyết tâm tập bò, tập đi, tập cầm nắm như đứa trẻ lên ba. Không ngờ một thời gian sau, điều trị có tiến triển rõ rệt. Cái ngày cầm lại được viên phấn viết những nét chữ đầu tiên, lòng cô mừng khôn xiết.

Khi biết chuyện những đứa trẻ ở trại phong không được đi học, cô bèn lặn lội tìm lên, mặc sự ngăn cản của gia đình. “Số phận của tôi tưởng như đã nằm một chỗ, giờ đã đi lại được, tôi nghĩ rằng mình phải làm điều gì đó để trả ơn cuộc đời”, cô Thu nói. Những ngày đầu, lớp học chỉ khoảng 15 học trò. Phần lớn các em từ nhỏ đã không được đi học. Dần dần, nhiều bệnh nhân cũng xin vào học chữ.

Lớp của trẻ nghèo

Tủ sách là tài sản quý giá nhất của cô Thu
Tủ sách là tài sản quý giá nhất của cô Thu.
 

Cách đây 5 - 7 năm, những công ty, nhà máy mọc lên ở khu công nghiệp Nam Tân Uyên này ngày một nhiều. Công nhân tứ xứ đổ về tìm kế mưu sinh. Những đứa con công nhân không có hộ khẩu, không thể đến trường. Lớp học bên hiên trại phong lại dang tay nhận lũ trẻ con công nhân vào học.

Đến nay, lớp học đã tăng lên gần 50 em. Các em lớp 1, 2 ngồi chính giữa lớp, các anh chị lớn hơn ngồi hai bên. Cô Thu phải đi mua lại những tấm ván bỏ đi của cánh thợ xây ở các công trường xây dựng, mang về đóng bàn ghế cho các em. Mỗi chiếc bàn lại có một màu gỗ, một kích thước khác nhau.

Từ ngày có lũ trẻ bên ngoài vào, những đứa trẻ con bệnh nhân có thêm bạn, những cụ ông, cụ bà mừng vui như có thêm con cháu. Cụ Điểu bị lạc con trong một lần đi bệnh viện. Sau này con lớn vào trại tìm, nhưng cụ đã đổi tên thành Hiếu. Con tìm không ra mẹ, bỏ về và không bao giờ quay lại. Cụ giấu nước mắt sống lầm lũi một mình, không đành lòng phiền con cái. Ngày ngày, lũ trẻ sau giờ học lại đến chơi đùa, giúp cụ ăn cơm, đọc sách cho cụ.

Bé Trúc Ly, bé Oanh năm nay 12 tuổi. Hôm trước bố mẹ vào gặp cô, xin cho học hết tháng rồi nghỉ để phụ bố mẹ kiếm tiền. Duy Phương 12 tuổi, Giang 10 tuổi cũng sắp sửa nghỉ học. Những em nhỏ hơn dường như cảm nhận được điều đó nên rất chăm chỉ học. Chúng biết ở ngoài kia không trường lớp nào nhận chúng, và bạn bè ở đây cũng không chơi với nhau được bao lâu nữa.

15 năm qua, hơn 300 học sinh đã được cô Thu dạy chữ. Trong đó có 3 em là con bệnh nhân đã vào đại học. Ngày 20/11, nhận những bó hoa đầu tiên, cô khóc: “Lần sau các con đừng mua hoa, để tiền mà mua sách vở cho mấy em nhỏ ở đây nghen”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.