> Xử phạt trong lĩnh vực giáo dục: Làm sao khả thi?
> Dạy thêm trái phép, giám đốc sở phải chịu trách nhiệm
Trường nào cũng “dính”
Điều lệ trường Tiểu học Bộ GD&ĐT ban hành từ tháng 12 năm 2010, mỗi lớp học của trường tiểu học không quá 35 học sinh. Tuy nhiên, do đặc thù riêng, từ nhiều năm nay ngành GD&ĐT Hà Nội đã xin phép Bộ GD&ĐT áp dụng quy mô lớp học không quá 40 học sinh/lớp với các trường tiểu học khu vực nội thành.
Ở một vài quận do địa bàn quá hẹp lại đông dân cư, quy mô lớp tiểu học được phép lên tới 45 học sinh/lớp. Trên thực tế, hầu như không quận nào khống chế được sĩ số trong giới hạn đã được “cơi nới”, trừ quận Hoàn Kiếm nhiều năm nay vẫn được Sở GD&ĐT nêu gương bởi khống chế được sĩ số không vượt quá 45 học sinh/ lớp.
Ở nhiều trường thuộc các quận, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình…, tình trạng 50 - 60 học sinh/ lớp đã thành “truyền thống” khiến phụ huynh mặc nhiên chấp nhận thực trạng này. Sĩ số trên dưới 60 học sinh/lớp thậm chí đã lan tới cả trường ít tiếng tăm.
“Theo quy định trường bình thường là 40 học sinh/lớp. Còn 35 học sinh/ lớp là quy định của trường chuẩn quốc gia. Trường tôi do không chịu áp lực về tuyển sinh nên cũng chỉ vượt ít thôi, do đó sĩ số hiện nay của trường khoảng 43 – 45 học sinh/ lớp”, hiệu trưởng một trường tiểu học nói.
Trước thông tin dự thảo nghị định quy định xử phạt hành chính từ mức cảnh cáo tới 20 triệu đồng đối với trường hợp để số lượng học sinh/lớp quá quy định, nhiều cán bộ quản lý giáo dục băn khoăn về tính khả thi của quy định. “Hiệu trưởng nào chẳng muốn chỉ 35 học sinh/lớp! Nhưng những trường ở địa bàn đông dân cư thì làm sao có sĩ số 35 - 40 học sinh? Ở một số trường, chúng tôi muốn giữ chỉ ở mức đến 45 học sinh/lớp còn khó nữa là!”, bà Cao Thị Ngân, Phó Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng nói.
Phạt ai?
Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc xử phạt hành vi để số học sinh/lớp vượt quá quy định chỉ thực hiện được sau khi rà soát, đối chiếu so với chỉ tiêu mà các quận/ huyện giao cho các trường.
“Các quận huyện giao chỉ tiêu căn cứ vào số lớp thực tế mà các trường có rồi nhân lên theo số học sinh/lớp theo quy định. Nhưng nếu thiếu phòng học so với số lượng học sinh trong độ tuổi sống trên địa bàn thì buộc các quận/ huyện phải giao tăng chỉ tiêu. Do đó mình chỉ phạt được trường khi mà họ tuyển sinh vượt chỉ tiêu đã được giao”, ông Quang nói.
Ông Quang cũng thừa nhận, nếu đối chiếu với quy định của Bộ để áp dụng cho Hà Nội không phù hợp. Để giải quyết bức xúc về chỗ học cho con em người dân nhiều trường buộc phải chấp nhận tăng sĩ số lớp học, vì không còn quỹ đất để mở rộng trường, xây thêm phòng.
Nếu thiếu phòng học so với số lượng học sinh trong độ tuổi sống trên địa bàn thì buộc các quận/ huyện phải giao tăng chỉ tiêu”. Ông Lê Ngọc Quang |
Cùng chung quan điểm này, bà Ngân chia sẻ: “Quận Hai Bà Trưng chẳng hạn, có những nơi có đất để xây chung cư cao tầng, siêu thị nhưng trường THCS vẫn phải học chung với tiểu học, trường này học buổi sáng, trường kia học buổi chiều. Có nơi hai phường chung nhau một trường tiểu học (phường Lê Đại Hành và phường Nguyễn Du). Có nơi đã từng đạt chuẩn quốc gia rồi như Tiểu học Vĩnh Tuy nhưng rồi mật độ dân đông quá lại không có thêm trường nên giờ vỡ chuẩn. Đã vậy các cơ quan chức năng khống chế trường học chỉ được xây tối đa 3 tầng. Rất may là vừa rồi quận Hai Bà Trưng đã đồng ý cho các trường được xây 5 tầng”.
Không chỉ quá tải sĩ số/lớp học trong các trường công, phần lớn các trường trong khu vực nội thành của Hà Nội còn thiếu diện tích phòng học, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện, sân chơi, bãi tập, khu vệ sinh…
Nếu chiểu theo dự thảo nghị định đang được bàn thảo những trường hợp này sẽ bị phạt từ mức cảnh cáo đến 10 triệu đồng/ hành vi. Nhưng các cán bộ quản lý giáo dục cũng cho rằng, lý do để thiếu các điều kiện trên cũng tương tự như quy định về sĩ số/ lớp học, do điều kiện khách quan mang lại chứ không phải là điều các hiệu trưởng mong muốn.
“Nếu phạt trường thiếu phòng học bộ môn thì cái chính là phạt ai? Nếu phạt hiệu trưởng thì rất khó, vì họ chỉ là người được giao quản lý nhà trường chứ không phải là người được giao trách nhiệm đầu tư xây trường. Nếu vì lịch sử để lại, ngôi trường mà họ được điều động đến làm hiệu trưởng không có đầy đủ cơ sở vật chất thì sao?”, cô Đinh Thùy Dương, hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân băn khoăn.