GS Ngô Bảo Châu: Tôi thích học vẽ trước học Toán

Giáo sư Ngô Bảo Châu
Giáo sư Ngô Bảo Châu
TPO- Đó là chia sẻ của Giáo sư Ngô Bảo Châu trong dịp về Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện “Cầu nối- Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ 4 tại Đông Nam Á.
Giáo sư Ngô Bảo Châu
Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh: Đỗ Hợp

Trong chuyến thăm này, Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu sẽ có bài giảng về chủ đề “Phương pháp học tập” cho sinh viên các trường đại học.

PV: Xin Giáo sư cho biết, cảm xúc của mình khi tham dự chuỗi sự kiện “Cầu nối- Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ 4 tại Đông Nam Á trong đó có cuộc nói chuyện với sinh viên các trường đại học tại Việt Nam?

GS Ngô Bảo Châu: Tôi cảm thấy rất vinh dự được tham gia chuỗi sự kiện “Cầu nối- Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ 4 tại Đông Nam Á.

Đây là nguyên nhân để tôi suy nghĩ rất nhiều về bài nói chuyện về vấn đề “Học như thế nào”? Câu hỏi này khó quá khiến tôi suy nghĩ và muốn viết về vấn đề này nhiều lần rồi nhưng đều bị hoãn lại. Đây là lần cuối cùng bắt buộc phải viết, phải hoàn thành. Tất nhiên, kết quả ra sao thì các bạn sẽ đánh giá.

PV: Xin GS cho biết lịch làm việc cụ thể của Giáo sư trong đợt về Việt Nam lần này?

Tôi về Việt Nam được một tuần rồi. Tuần đầu tôi làm việc ở Viện nghiên cứu cao cấp về Toán. Tôi đi vắng từ giữa tháng 9 năm ngoái cho đến bây giờ. Tất nhiên vẫn thường xuyên trao đổi anh chị em ở Viện về công việc.

Tuần này tôi làm việc theo chương trình tổ chức bởi Quỹ hòa bình Quốc tế. Ngày mai (13-3), tôi có buổi nói chuyện ở ĐH Bách Khoa Bách Khoa Hà Nội về chủ đề “Phương pháp học tập”. Ngày 15-3 tại ĐH Mở TPHCM, tôi cũng có cuộc gặp mặt học sinh trường Quốc tế Anh. Thứ bảy tới, tôi sẽ có một buổi nói chuyện với học sinh khiếm thị.

PV: Hiện nay, có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao về nước? Tuy nhiên, thực sự để đảm bảo mức lương và chế độ đãi ngộ như nước ngoài thì ngân sách không thể lo nổi. Đó có phải là lí do các nhà khoa học và chuyên gia nước ngoài hạn chế về nước hay không, thưa GS?

Cách đây vài năm có một khảo sát trên mạng rất hay hỏi ý kiến các bạn đang làm tại Mỹ và Châu Âu là các nhà khoa học trẻ: “Yếu tố gì quan trọng nhất để quay lại làm việc ở Việt Nam”.

Câu trả lời không hoàn toàn giống như câu hỏi trên. Thu nhập là một trong những yếu tố. Kết quả khảo sát thì thu nhập đứng thứ ba chứ không phải đứng đầu tiên. Hai yếu tố đầu là môi trường làm việc và khả năng thăng tiến trong công việc (khác với thăng tiến trong thu nhập).

Tuy nhiên, tôi nghĩ ý kiến này phản ảnh đúng tâm tư của các bạn trẻ làm việc ở nước ngoài. Các bạn trẻ đang làm việc ở nước ngoài chưa có gia đình, chưa phải nhiều trách nhiệm với con cái thì vấn đề thu nhập không phải yếu tố đặc biệt lắm. Họ về mà sống một cuộc sống nghèo khổ thì không ai lựa chọn nhưng không nhất thiết đòi hỏi phải có cuộc sống giàu sang gì.

Cái họ cần là có điều kiện làm việc thực sự, làm khoa học, làm cái họ muốn không mất thời gian vào việc khác. Đấy là điều kiện làm việc, tức là họ có thể lao động chân chính trong lĩnh vực họ muốn và được quyền tự do làm công việc của họ, có điều kiện tập hợp bạn bè đồng nghiệp làm gì đó.

Nhưng thực tế cho thấy, một số bạn bè tôi, dưới tuổi tôi, nhiều người gặp nhiều khó khăn. Rất nhanh chóng họ bị guồng vào cách làm việc hiện tại. Đương nhiên tôi không có chỉ trích cách làm việc. Nhưng rõ ràng, thời gian họ tập trung vào nghiên cứu khoa học, làm việc đơn thuần ít trong khi họ mất rất nhiều thời gian mà đáng ra họ không mất thời gian vào những việc đó.

PV: GS là người làm Toán nhưng cũng là người viết sách và trau chuốt câu từ của mình. Theo GS, văn học có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người?

Tôi nghĩ là tất cả những người làm khoa học tự nhiên cũng như trong ngành nghệ thuật việc chăm chút câu từ là rất quan trọng. Trong mỗi phát ngôn, những cái mình viết ra tự đặt chuẩn, tự đòi hỏi nỗ lực lớn để ý kiến mình được diễn đạt một cách rõ ràng, mạch lạc. Không dùng từ thừa, không dùng sáo từ.

Điều đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng bạn đọc, tôn trọng người đối thoại với mình cũng là tôn trọng chính mình. Quan trọng nhất mà ít người để ý đến là cần cố gắng trong nỗ lực, nỗ lực bắt mình lựa chọn câu từ thích hợp, diễn đạt sáng sủa. Chính điều đó làm cho tư duy của mình sáng sủa, mạch lạc hơn. Ngôn ngữ của mình quyết định tư duy của mình, tự bằng lòng trong cách diễn đạt mập mờ, thì suy nghĩ của họ cũng không được.

PV: Từ khi đảm nhiệm vai trò ở viện nghiên cứu cao cấp về Toán. Xin Giáo sư chia sẻ về công việc cũng như dự án mà GS đang làm?

Viện Cao cấp về Toán được nhà nước thành lập từ năm 2011 nhưng thực sự đi vào hoạt động từ năm 2012. Tuy còn non trẻ nhưng rất may mắn đội ngũ anh chị em làm việc ở Viện nghiêm túc, chuyên nghiệp và trơn tru. Khách ở trong nước và ngoài nước đến tham dự ở Viện đều tỏ sự ngạc nhiên và vui mừng về cách làm việc ở đây.

Bản thân tôi rất là vui vì các bạn trẻ đang làm việc ở Viện rất hăng say, đang làm khoa học thực sự. Đối với chúng tôi đây là phần thưởng lớn cho những cố gắng trước đây của mình.

Tất nhiên, tôi có nhiều việc ở Viện và Công việc bên ĐH Chicago. Tôi đảm nhận hai mảng việc lớn. Ở mảng hoạt động chuyên môn, ba tháng hè về tôi tổ chức một lớp học cho các em sinh viên năm cuối và giảng viên các trường đại học. Năm ngoái có gần 20 em đến từ khắp mọi miền đất nước do các khoa Toán của các trường cử các em lên học. Ngoài ra, có 5-7 em làm nghiên cứu ở nước ngoài, các em này rất khá. Các học viên làm việc từ sáng đến chiều, học, trao đổi cùng nhau. Có hôm tôi giảng bài, có hôm tôi giao sách vở để các em tự đọc, tự thảo luận với nhau. Các em sinh hoạt khoa học rất là vui. Năm nay tôi vẫn sẽ tổ chức như vậy.

Công việc về quản lý, tôi không tham gia vào trực tiếp. Việc này của GS Nguyễn Tuấn Hoa đảm nhiệm. Tôi chỉ đảm nhiệm mảng khoa học của Viện. Viện không có biên chế vĩnh viễn, các nhà khoa học chỉ đến làm việc ở Viện một thời gian ngắn, hàng năm ngày 15-3 là hạn chót để cho các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cũng như trong nước gửi hồ sơ làm việc ở Viện. Họ đến Viện để làm đề tài gì, họ làm việc cùng với ai, sinh viên nào, muốn giáo sư nước ngoài nào làm việc với họ- đó là những điều kiện mà Viện có thể hỗ trợ các nhà khoa học ở Việt Nam.

Tôi là chủ tịch hội đồng khoa học và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Hội đồng khoa học gồm 15 người này sẽ thỏa luận tất cả những hồ sơ đó, loại ra những hồ sơ yếu, chọn hồ sơ tốt. Ngoài ra, tôi chủ động mời các anh chị em đang là chuyên gia ở nước ngoài để khuyến khích họ, tập hợp họ đến làm việc ở Viện.

PV: Điều gì thôi thúc GS đến với Toán học và ai là người giáo sư ngưỡng mộ, yêu thích?

Tôi thực sự không thích thú lắm với môn Toán, cũng thích nhưng không phải thích thú vì học ở trường thực nghiệm vui lắm. Lúc đó, tôi thích học vẽ hơn, học mỹ thuật, học vẽ bánh xe, về cơ chế chuyển lực. Rất thú vị.

Sau lên cấp 2, cụ thân sinh đi Liên Xô về không muốn tôi tiếp tục học ở trường thực nghiệm. Khi thi sang trường chuyên Toán tôi bị trượt. Lúc đấy tôi khó chịu lắm, nghĩ lúc đó mình học rất giỏi lại thi trượt. Cũng nhờ một số thầy cô giáo bạn thân, bạn bè, học trò của bố tôi dạy thêm về Toán, lúc đó tôi mới bắt đầu tiếp xúc bài Toán khó. Đặc điểm, đó là một trong những đặc điểm của các em học sinh thích môn Toán, càng làm những bài toán khó càng thích. Vì nó khó nên càng thích Toán hơn.

Hiện tại, người ta cứ nghĩ là cần phải làm nhẹ chương trình vì nặng quá. Tôi không đồng ý với việc giảm nhẹ chương trình. Sẽ rất sai lầm vì nhiều khi những cái khó, cái hóc búa làm trẻ em thích học hơn, nó có điều kiện chứng tỏ mình. Nếu cố tình làm việc học trở lên quá tẻ nhạt, đơn điệu, dễ dàng chẳng có cách gì học sinh thích học tập.

Người ảnh hưởng nhất đến tôi với tư cách nhà khoa học chính là người thầy giáo người Pháp của tôi là Giáo sư Gerard Laumon, người đã hướng dẫn luận văn tiến sĩ của tôi. Thầy Laumon không có nhiều học sinh lắm, số lượng học sinh cũ của ông dưới 10 người, nhưng trong số nhóm học sinh của ông có một chị bây giờ trên 30 tuổi, lúc bạn ấy được nhận chức Giáo sư của ĐH Havard khi chưa ba mươi tuổi. Có lẽ, đó là một trong những giáo sư trẻ nhất của trường đó từ trước đến nay.

Bây giờ, tôi vẫn chưa biết thầy sắp xếp thời gian như thế nào. Mỗi lần tôi có việc gì gọi điện cho ông để hỏi chuyện, ông nói chuyện quá hai tiếng đồng hồ, mà không bao giờ cảm thấy thiếu thời gian. Ngay đến bây giờ, tôi và các bạn bè đã trưởng thành, ông vẫn thường xuyên, cứ một tháng gọi điện thoại một lần cho từng người một, hỏi xem có việc gì không, có chuyện gì buồn không? Đó là một con người tuyệt vời.

Giáo sư Ngô Bảo Châu là nhà khoa học thứ năm đến Việt Nam trong khuôn khổ chương trình “Cầu nối” lần thứ 4 tại Đông Nam Á, sau chuyến thăm của các giáo sư đạt giải Nobel Kinh tế, Y học, Vật lý và Hóa học trong khoảng thời gian từ tháng 11-2012 đến 1-2013.

Đỗ Hợp (ghi)

Theo Viết
MỚI - NÓNG