Bán trường vì nợ nần
> Trường nghề ngày càng thiếu học sinh
> Đại học tư thục đang bị buôn bán!
> Mua bán tên trường - chuyện chưa có tiền lệ
Tuyển sinh không được, giá thuê đất cao cộng với nợ ngân hàng, một ngôi trường đã phải rao bán nhưng kết cục vẫn không ai mua.
Khuôn viên phía trước Trường trung cấp Trường Sơn. Ảnh: B.D. |
Để duy trì hoạt động, trường đã phải lấy học phí của sinh viên - đáng nói hơn đây là số học phí trường khác nhờ trường này thu giúp.
Trường trung cấp Trường Sơn là trường hoạt động theo mô hình xã hội hóa đầu tiên tại Đắk Lắk. Những ngày này không khí ảm đạm, xung quanh khuôn viên trường hiện nay không còn nhiều học viên đến học như những năm đầu mới mở.
Ông Nguyễn Viết Trường Thành - chủ tịch hội đồng quản trị Trường trung cấp Trường Sơn - cho biết tình thế hiện nay của trường là rất khó khăn. Từ cuối tháng 12, lãnh đạo nhà trường đã phải lên kế hoạch bán cơ sở cho một trường trung cấp khác đóng trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột. “Toàn trường còn 13 cán bộ công nhân viên đang làm việc và khoảng 300 học viên ở các khoa theo học. Năm vừa qua chúng tôi rao tuyển hàng trăm chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được... 31 học viên” - ông Thành nói.
Bán cũng không ai mua
Ngày 19-2, ông Lê Minh Chiến, trưởng phòng đào tạo thường xuyên Trường ĐH Đà Lạt, xác nhận việc liên kết đào tạo với Trường trung cấp Trường Sơn là có thật. Tuy nhiên, Trường ĐH Đà Lạt đã tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cho các sinh viên thuộc diện liên kết đào tạo với Trường trung cấp Trường Sơn theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Dự kiến ngày 21-2, đại diện Trường trung cấp Trường Sơn sẽ sang làm việc với Trường ĐH Đà Lạt để giải quyết số học phí mà trường này đã thu của sinh viên trước đó nhưng chưa chuyển cho Trường ĐH Đà Lạt. |
Theo ông Thành, nguyên nhân dẫn đến tình thế bi đát của trường là do tại TP Buôn Ma Thuột có quá nhiều trường đào tạo trung cấp, lượng tuyển sinh đầu vào của trường hằng năm teo tóp dần và một nguyên nhân quan trọng là... giá tiền thuê đất quá cao.
“Ban đầu chúng tôi nhận thông báo là được miễn tiền thuê đất, nhưng sau đó chúng tôi được báo lại là phải đóng thuế từ năm 2008 - tức sau khi trường tuyển sinh mới chỉ được hai năm, số tiền thuế lên tới cả tỉ đồng. Trong tình hình như thế này là quá khó khăn cho chúng tôi” - ông Thành cho biết.
Không chỉ vậy, do lượng tuyển sinh đầu vào thiếu hụt nên nợ ngân hàng của Trường trung cấp Trường Sơn ngày càng tăng lên. Theo ông Thành, một nguồn vốn lớn để xây dựng trường là từ ngân hàng nhưng hai năm qua, việc các ngân hàng thắt chặt tín dụng và nhận thấy khó khăn của trường nên hối nợ khiến trường càng bế tắc hơn.
Tuy nhiên, đến việc bán trường cũng không hề đơn giản: dù thủ tục đã cơ bản hoàn tất nhưng sau khi xem xét các mặt, mới đây đơn vị nhận mua lại Trường trung cấp Trường Sơn đã rút ý định mua ngôi trường này.
“Họ nói với chúng tôi là với giá thuê đất đang được áp dụng như hiện tại thì sẽ không kham nổi nên họ không mua nữa. Hiện chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi, nếu có đơn vị nào nhận “đỡ đầu” cho trường thì chúng tôi sẽ vực dậy” - ông Thành nói.
Lấy học phí của sinh viên
Trước tình thế khó khăn này, hội đồng quản trị Trường trung cấp Trường Sơn đã phải lấy học phí của sinh viên để “đắp đổi” dẫn đến việc hàng trăm sinh viên bị trễ thi tốt nghiệp. Năm 2007, Trường trung cấp Trường Sơn nhận liên kết với Trường ĐH Đà Lạt tuyển sinh hệ vừa làm vừa học khóa đầu tiên hai ngành gồm ngữ văn - báo chí và quản trị kinh doanh, tổng số sinh viên tuyển được là gần 200.
Theo đó, ĐH Đà Lạt sẽ đảm nhận việc giảng dạy, Trường trung cấp Trường Sơn sẽ tiếp nhận sinh viên và cho ĐH Đà Lạt mượn cơ sở. Vì đây là hệ vừa làm vừa học nên một lượng lớn sinh viên là các cán bộ, cán sự đang làm việc tại các cơ quan nhà nước có nhu cầu học lên ĐH để đảm nhận công việc, chức vụ khác.
Theo kế hoạch, đến cuối tháng 12-2011 khóa học kết thúc và các sinh viên sẽ được thi tốt nghiệp nhưng đã xảy ra sự cố: do quá khó khăn nên sau khi thu học phí “giúp” Trường ĐH Đà Lạt, Trường trung cấp Trường Sơn không hoàn trả cho ĐH Đà Lạt mà giữ lại để giải quyết khó khăn trước mắt. ĐH Đà Lạt thông báo đến toàn thể sinh viên đang theo học đến thời điểm thi tốt nghiệp, mỗi sinh viên đang nợ 9,05-10,8 triệu đồng học phí.
Ông Thành cho biết đã giữ lại học phí của sinh viên Trường ĐH Đà Lạt để giải quyết khó khăn trước mắt, đến hôm nay khoản học phí gần 900 triệu đồng mà trường đã thu của sinh viên vẫn chưa trả được cho ĐH Đà Lạt.
“Chúng tôi đã cam kết trả nợ sau khi bán được trường nhưng vừa rồi việc bán trường không thành công nên chúng tôi cũng đã có văn bản xin gia hạn. Ít ngày tới đây ĐH Đà Lạt và Trường trung cấp Trường Sơn sẽ có buổi làm việc về vấn đề này” - ông Thành nói.
Cũng theo ông, trường ông còn đang phải chịu nợ khoản tiền 300 triệu đồng lợi nhuận liên kết đào tạo của một đơn vị nhận liên kết khác tại Nha Trang.
“Phải bán trường, tôi cảm thấy rất buồn” Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Trường Thành nói: “Dù hợp đồng bán trường với đơn vị cũ đã không thành công nhưng nếu có một đơn vị nào có ý định nhận mua trường thì tôi vẫn bán. Đây là việc bất đắc dĩ. Phải bán một ngôi trường mà bản thân tôi đã kỳ vọng, đổ thời gian và tâm huyết từ nhiều năm nay là một quyết định rất khó khăn và đau lòng. Từ khi mới xây dựng trường đến nay chúng tôi tự hào đây là một ngôi trường ngoài công lập đào tạo rất bài bản và ít bị phàn nàn. Ban đầu chúng tôi kỳ vọng trường sẽ nhanh chóng phát triển và sớm nâng lên trường cao đẳng. Tôi cảm thấy rất đau lòng và đã soạn ra một bức thư gửi Quốc hội để nói lên tâm sự, trăn trở của mình. Nếu giờ có đơn vị nào nhận đỡ đầu trường, tôi sẽ rất biết ơn đơn vị đó và sẽ dùng tiềm lực này để vực dậy ngôi trường”. |
Theo Tuổi Trẻ