Những ‘bản sắc Việt’ khắp năm châu

Những ‘bản sắc Việt’ khắp năm châu
TP - Một chàng trai Việt thành danh ở Google tổng. Một nữ sinh "made in Vietnam" nhiều thành tích khiến ngành giáo dục Úc ngỡ ngàng. Rồi thêm cô gái làm rạng danh cộng đồng người Việt ở Úc... Bước chân của người Việt trẻ sải rộng năm châu, tạo nên những dấu ấn đậm trong năm 2012 gian khó.
Nguyễn Thành Nhân và vợ tại nơi làm việc Google ở Mỹ
Nguyễn Thành Nhân và vợ tại nơi làm việc Google ở Mỹ.

Dấu ấn Việt Nam

Tôi biết chàng trai Google Nguyễn Thành Nhân khi còn là sinh viên Đại học Simon Fraser (SFU – Mỹ), với rất nhiều thành tích nổi bật. Sau khi làm trợ lý khoa học cho chương trình nghiên cứu quan sát vệ tinh Trái đất của Chính phủ Canada, ra trường, chàng trai siêu tin, giỏi toán, quán quân cờ ngày nào được mời về thung lũng Silicon, Mỹ làm việc (lĩnh vực quảng cáo).

Sau hơn một năm thử sức ở tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, chàng trai Việt trẻ tuổi nhận hai bằng khen vì thành tích làm tăng doanh thu cho Google. Ngoài ra, Giám đốc tài chính còn viết thư khen “mức tiến bộ đột phá của nhóm Nhân là nguồn gốc sự phát triển của Google”.

Hiện tại, Nhân đã chuyển sang nhóm AdWords, trực tiếp với các công ty trả tiền quảng cáo trên Google. Trong đội ngũ đang ngày đêm sáng tạo, cho ra sản phẩm công nghệ mà cả thế giới phải ngả mũ chào thán phục ấy, có dấu ấn của chàng trai trẻ đến từ Việt Nam.

Trên lĩnh vực đèn sách, dấu ấn của năm 2012 gọi tên Nguyễn Tiến Vũ (quê Bình Định). Sau khi tốt nghiệp lớp cử nhân tài năng ngành Khoa học máy tính, khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) với điểm trung bình 8,7 và điểm 10 cho luận văn tốt nghiệp; điểm TOEIC 830, TOEFL iBT 80 và IELS 6.5, Vũ được ba trường máu mặt là Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Concordia (Quebec, Canada) và Deakin (Victoria, Australia) cấp học bổng.

Đầu năm 2012, chàng trai xứ đánh roi đi quyền khăn gói sang Australia, theo đuổi nghiên cứu về mô hình toán học tại trường Deakin, do Giáo sư Dinh Phung hướng dẫn. Trong nhóm nghiên cứu của vị giáo sư này ở Trung tâm Prada (Đại học Deakin) - cũng là một trong số ít nhóm nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này trên thế giới – có nhân tố trí tuệ Việt mang tên Nguyễn Tiến Vũ.

Ở Đức, nữ nghiên cứu sinh trong lĩnh vực y học nano về điều trị bệnh ung thư Nguyễn Kim Mai Thi (Trường Đại học Kỹ thuật Aachen) xuất sắc vượt qua gần 100 nhà khoa học và doanh nghiệp trẻ đến từ 38 nước, để giành giải ba tại Vòng chung kết Falling Walls Lab 2012, diễn ra tại Berlin, hồi tháng 11.

Ý tưởng của cô gái gốc Việt là tổng hợp một thiết bị sử dụng công nghệ nano, đưa thuốc vào trong tế bào của bệnh nhân bị ung thư, mà không ảnh hưởng tới các tế bào khỏe mạnh khác. Kết quả công trình nghiên cứu được đánh giá cao ấy không chỉ mang lại vinh quang cho nữ nghiên cứu sinh gốc Việt, mà còn làm rạng danh cộng đồng người Việt tại Đức, vì mở ra cơ hội lớn hơn cho hàng triệu người bệnh.

Trong một năm bóng ma kinh tế bao trùm khắp năm châu, tạo ra vô vàn khó khăn cho người dân bản xứ, thì những bước chân của người trẻ không vì thế mà ngắn lại. Ở nhiều góc độ, khía cạnh của cuộc sống, họ vượt lên bản thân, khẳng định dấu ấn - trước hết là CÁI TÔI mạnh mẽ - và cao hơn cả là sức trẻ, nỗ lực học tập, cống hiến của cả một thế hệ năng động có nguồn gốc con rồng cháu tiên.

Đó là Hoàng La Mã (Nguyễn Lương Huy Hoàng, 24 tuổi) một mình liều lĩnh đến châu lục đen với chút tiền tích cóp và 200 USD bố cho để… mở quán games. Hơn năm trời một mình bám trụ nơi không họ hàng, thân thích, chàng trai tốt nghiệp Đại học Hồng Bàng giờ là chủ của hai quán game ở Lobito thuộc Benguala, thành phố lớn thứ hai của Angola xa tít tắp.

Đó là Thái Minh Thùy (hiện học Cử nhân Thương mại tại Đại học Sydney, Úc), với những kết quả học tập vượt trội đến ngỡ ngàng. Khi học phổ thông, Minh Thùy là học sinh xuất sắc hàng đầu của Sở Giáo dục New South Wales. Trên báo chí, đại diện ngành giáo dục của tiểu bang này phải thốt lên khi nói về trường hợp nữ sinh người Việt này rẳng: Không hiểu nổi tại sao cô ấy lại có thể đạt một kết quả học tập cao đến vậy.

Cũng tại xứ sở Kangaroo, sức trẻ Việt một lần nữa được hâm nóng khi Nguyễn Ngọc Trúc, (28 tuổi, sinh viên trường TAFE NSW Sydney Institute, Australia) là một trong 103 thí sinh đến từ 13 trường học ở nước này, được chọn vào vòng chung kết cuộc thi cắm hoa toàn quốc năm 2012. Trúc đoạt giả ba cuộc thi tầm cỡ quốc gia ở xứ sở chuột túi.

Nguyễn Tiến Vũ (ngoài cùng bên trái) cùng các sinh viên quốc tế
Nguyễn Tiến Vũ (ngoài cùng bên trái) cùng các sinh viên quốc tế.

Bản sắc hội nhập

Người ta bảo, ở đâu có bạn trẻ Việt, nơi đó đậm đà bản sắc quê hương. Tôi là người Việt Nam là câu nói thân thuộc đầy tự hào, kiêu hãnh của bao bạn trẻ thành danh trên xứ lạ. Theo từng bước tiến của du học sinh, người Việt khắp nơi trên thế giới, những truyền thống văn hóa tốt đẹp, bao phong tục tập quán đậm đà được quảng bá nơi nơi.

Ở Mỹ, hồi cuối năm nay, nhiều sinh viên Việt Nam tại trường Đại học Texas, tổ chức cuộc thi nhảy, quyên tiền làm từ thiện. Dưới tài tổ chức, kêu gọi của các bạn trẻ đến từ Việt Nam, đông đảo du học sinh từ các nước, bất kể màu da, tôn giáo, ngôn ngữ, đã nắm chặt tay cùng tham gia làm từ thiện. Thế giới như nhỏ bé hơn trong vòng tay đoàn kết, hội nhập của những người trẻ, trong đó du học sinh Việt Nam đóng vai trò chủ đạo.

Tại Thái Lan, sinh viên Đặng Thị Phượng (vừa tốt nghiệp khoa hội họa Trường đại học Nghệ thuật Huế), giành giải nhì cuộc thi mỹ thuật đương đại tiểu vùng sông Mekong lần một năm 2012, với tác phẩm Linh cảm niềm đau bằng chất liệu sơn mài. Thành tích của Phượng như muốn nói với thế giới, hòa trong nhịp chân hội nhập không mệt mỏi của những người trẻ hôm nay trong lĩnh vực hội họa, có đại diện của Việt Nam đấy nhé!

Còn rất nhiều những dòng chảy khác đang mạnh mẽ đổ ra biển lớn, mà nguồn gốc từ nơi dải hình chữ S thân thương. Họ là những người trẻ Việt Nam đang ngày đêm miệt mài mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới, thông qua những kỳ tích của cá nhân mình.

Vì Tôi là người Việt Nam

Dự Đại hội Toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ X vừa diễn ra thành công tại Hà Nội, Đặng Tất Dũng - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Leeds, Vương Quốc Anh, khẳng định, thanh niên, sinh viên ở ngoài nước luôn hướng về Tổ quốc, tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội. Trong đó, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc luôn được các bạn trẻ coi trọng.

Đặng Tất Dũng cho rằng, trách nhiệm giữ gìn và phát huy những nét bản sắc dân tộc được mọi người dân Việt Nam đang thực hiện hàng ngày.

Để tăng cường việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước hiệu quả hơn, ở góc độ các tổ chức sinh viên Việt Nam ngoài nước, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Leeds mong muốn Trung ương Đoàn sẽ phối hợp với Đại sứ quán các nước xây dựng một bộ sưu tập các trò chơi dân gian, bài hát dân ca, tài liệu văn hóa đa dạng kèm hình ảnh chính thức (về bản đồ, các cảnh đẹp..) để các Hội Sinh viên Việt Nam khi tổ chức hoạt động sẽ có nguồn hỗ trợ hiệu quả hơn.

Đây có thể được xem là một công trình thanh niên của Đoàn dành cho sinh viên, học sinh ngoài nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG