Ứng viên học bổng nước ngoài phải chấp nhận rủi ro

Ứng viên học bổng nước ngoài phải chấp nhận rủi ro
TP - Con chúng tôi, sinh viên Nguyễn Tự (khoa Kinh tế, trường ĐHSP Đà Nẵng, khóa 2011-2015) đã có tên trong danh sách tuyển chọn gửi sang Nga tiếp nhận và gia đình tiếp tục đầu tư kinh phí tầu xe, ăn ở cho cháu vào học tiếng Nga tại TPHCM nhưng khi đang học tiếng, cháu cho biết lại không có tên trong danh sách trúng tuyển đi Nga vào đợt này. Trong việc này có điều gì khuất tất không?

> Ứng viên đề án 322 được bảo lưu kết quả
> Nhiều chương trình học bổng thay thế Đề án 322

Đó là nội dung tóm tắt của đơn yêu cầu giải quyết vụ việc của bạn đọc Nguyễn Đính (TP Tam Kỳ, Quảng Nam).

Ngay sau nhận được đơn của ông Nguyễn Đính, báo Tiền Phong đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài, Bộ GD&ĐT về vụ việc.

Ông Vang cho biết: năm 2012, Chính phủ Liên bang Nga cấp cho Việt Nam 200 chỉ tiêu học bổng đào tạo trình độ đại học.

Ngày 8-5-2012 Trường Đại học Quảng Nam có Công văn số 66/ĐHQN xét chọn và đề cử 2 sinh viên (Nguyễn Tự - sinh viên Khoa Kế toán và Trần Thị Thu Mai - sinh viên Khoa Sư phạm Toán) tham gia dự tuyển.

Cả 2 sinh viên dự tuyển đều đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT nên đã được Bộ sơ tuyển đưa vào danh sách ứng viên chính thức được gửi hồ sơ đàm phán học bổng với Bộ Giáo dục và Khoa học Nga.

Ngày 22-8-2012, Bộ Giáo dục và Khoa học Nga có Công hàm số 16-IN-120 thông báo từ chối tiếp nhận em Nguyễn Tự vì lý do kết quả học tập thấp.

Nghĩa là, tuy bảng điểm kết quả học tập học kỳ 1 năm thứ nhất đại học của sinh viên Nguyễn Tự đạt điểm trung bình trên 7,0 nhưng môn Kinh tế chính trị chỉ đạt 5,1/10 và môn Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ đạt 6,2/10.

Những môn học này là môn học cơ bản đối với ngành học mà em đăng ký đi học nên phía Nga đã không chọn duyệt cấp học bổng.

Như vậy, các ứng viên dự tuyển được Bộ GD&ĐT sơ tuyển gửi đi đàm phán với phía Nga thì chưa phải là đã trúng tuyển mà phải chờ kết quả xét tiếp nhận cấp học bổng của Bộ Giáo dục và Khoa học Nga thì mới được chính thức phê duyệt trúng tuyển và làm thủ tục cử đi học.

Trong Thông báo về khóa học bồi dưỡng tiếng Nga kèm theo danh sách ứng viên được sơ tuyển gửi hồ sơ đàm phán học bổng Hiệp định của Chính phủ Nga năm 2012 ngày 12-7-2012, Cục Đào tạo với nước ngoài cũng đã nêu rõ: “Trong trường hợp ứng viên dự tuyển được sơ tuyển, tham gia khóa học nhưng sau đó không được phía Nga duyệt cấp học bổng đi học thì ứng viên sẽ trở về tiếp tục học tập hoặc công tác tại các trường đại học và cơ quan trước khi đăng ký dự tuyển”.

Về phản ánh của ông Đính đối với cách làm việc của một số cán bộ cơ quan Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT sẽ xác minh cụ thể để chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, ông Vang nhấn mạnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG