Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội:
Hà Nội không 'đóng cửa' với tại chức và dân lập
> Hà Nội 'nói không' với tại chức, dân lập
> Thi tuyển có khắc phục được 'chạy' chức?
> Không thể liên thông dễ dãi
Trao đổi với báo chí , ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định: “Việc tuyển công chức năm 2013 vẫn thực hiện theo quy định của Nhà nước. Hà Nội không phân biệt bằng cấp cũng như trường công hay tư ở kỳ thi này".
Ông Trần Huy Sáng (người đứng) khẳng định việc tuyển dụng công chức năm 2013 vẫn được hiện theo quy định của Nhà nước. Không có chuyện từ chối bằng tại chức và dân lập. |
Liên quan đến việc Hà Nội chỉ lấy những ứng viên tốt nghiệp ĐH chính quy để đào tạo 500 công chức nguồn làm việc tại xã phường, thị trấn giai đoạn 2013-2014, ông Sáng cho biết: Đây chủ trương của UBND thành phố trong đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã phường, thị trấn giai đoạn 2012-2015.
Trong năm 2013 thí điểm 500 và năm 2014 sẽ thực hiện chỉ tiêu còn lại. Do đây là đào tạo nguồn nên yêu cầu đầu vào cao hơn. Đây không phải là kì thi tuyển công chức nên nói Hà Nội không nhận người tốt nghiệp tại chức, dân lập là không chính xác.
Ông Sáng cũng cho biết thêm, nội dung đề án này đã nếu rất rõ trong việc đào tạo công chức nguồn. Quy trình xét tuyển dựa trên các tiêu chí công khai và cũng đưa ra chỉ tiêu cho từng Quận, Huyện.
Nếu để ý sẽ thấy phần lớn các chỉ tiêu này tập trung vào các phường xã khó khăn của Hà Nội, nhất là các huyện thuộc Hà Tây (cũ) và một số huyện của Hòa Bình sau khi sát nhập.
Do đó các ứng viên được xét duyệt vào danh sách đào tạo nguồn ngoài việc theo học khóa đào tạo 18 tháng còn phải trải qua một thời gian thử thách rất dài trước khi xem xét bổ nhiệm vào một vị trí chủ chốt.
Trong buổi họp báo giao ban Thành Ủy Hà Nội chiều ngày 21-1, ông Sáng cũng tiết lộ, mặc dù năm nào Hà Nội cũng tổ chức tuyên dương cả nghìn thủ khoa đầu ra và có cơ chế chính sách để tiếp nhận các em vào làm việc ngay nhưng con số này cho đến hôm nay là không nhiều. Sở dĩ là do mức lương công chức khá thấp nên cũng không hấp dẫn được các em.
Thậm chí, có những em về làm việc được một thời gian sau đó cũng xin rút để chuyển sang nơi khác có mức thu nhập cao hơn. Do đó, gần như công chức nguồn lấy từ thủ khoa đầu ra là rất ít. Chính vì thế Đề án này được đưa ra cũng nhằm giải quyết thực trạng này với yêu cầu đầu vào có phần “mềm hơn”.
Tiêu chí xét tuyển công khai đảm bảo công bằng
Cũng theo ông Sáng, đề án này công khai các tiêu chí đánh giá để lựa chọn nên chắc chắn sẽ đảm bảo được sự công bằng. Cụ thể, đối tượng điều kiện để được tham gia là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hình sự, quản chế hành chính, đang chịu các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào các cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Có bằng tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy trong nước loại khá trở lên hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học (đúng chuyên ngành đã được đào tạo ở bậc đại học) ở nước ngoài loại giỏi, xuất sắc, ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với chỉ tiêu đào tạo công chức nguồn; Có trình độ ngoại ngữ B trở lên một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc; Trình độ tin học văn phòng; Tuổi đời tính đến thời điểm nộp hồ sơ: không quá 27 tuổi đối với người tốt nghiệp đại học, không quá 30 tuổi đối với người có trình độ thạc sĩ, không quá 35 tuổi đối với người có trình độ tiến sĩ; Có đủ sức khỏe đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Cam kết sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo công tác ít nhất 5 năm tại xã, phường, thị trấn được phân công.
Trường hợp là người dân tộc có hộ khẩu thường trú tại xã miền núi của thành phố, đăng ký về làm việc tại xã phải có bằng tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy loại trung bình khá trở lên đúng ngành, chuyên ngành đào tạo công chức nguồn.
Đối với trường hợp không có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội phải có một trong các điều kiện sau: Bằng tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy loại giỏi, đúng ngành đào tạo công chức nguồn; Bằng tốt nghiệp tiến sỹ hoặc thạc sĩ đúng chuyên ngành được đào tạo ở bậc đại học công lập hệ chính quy, phù hợp với chỉ tiêu đào tạo công chức nguồn.
“Việc đưa tiêu chí chọn người không có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội cho thấy thành phố sẵn sàng đón nhận những người tài về phục vụ cho Thủ đô” - ông Sáng nhấn mạnh.
Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ Hà Nội thì việc xét tuyển học viên chủ yếu dựa vào các tiêu chí nêu trên lấy từ cao xuống thấp. Quy trình diễn ra qua các khâu nghiêm ngặt.
Đầu tiên, UBND các quận, huyện, thị xã thông báo công khai chỉ tiêu, điều kiện, tiêu chuẩn, quyền lợi, nghĩa vụ của học viên, thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ, quy trình xét chọn hồ sơ, nội dung đào tạo công chức nguồn tại trụ sở UBND quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bước hai là tiếp nhận hồ sơ và xét tuyển các lớp nguồn công chức. Ở khâu này UBND quận, huyện, thị xã thành lập Hội đồng xét chọn học viên. Hội đồng xét chọn có 5 thành viên gồm: Đại diện lãnh đạo quận, huyện, thị xã làm chủ tịch Hội đồng; đại diện lãnh đạo phòng Tư pháp, phòng Nội vụ, Thanh tra huyện làm ủy viên, chuyên viên phòng Nội vụ làm thư ký. Hội đồng xét duyệt làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng xét duyệt đó là tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức xét tuyển học viên.
Bước 3 là xét duyệt học viên tại chỉ tiêu cuối cùng của chức danh công chức nguồn. Nếu xảy ra tình trạng ở chỉ tiêu cuối cùng của công chức nguồn có hai hồ sơ trở lên đủ điều kiện thì sẽ được xét chọn theo thứ tự ưu tiên: Có trình độ cao hơn; Là người dân tộc có hộ khẩu thường trú tại xã miền núi thuộc huyện; Ngành đào tạo ưu tiên hơn; Xếp hạng tốt nghiệp cao hơn; Điểm trung bình chung toàn khóa cao hơn; Có thời gian kinh nghiệm công tác ở vị trí chức danh xét chọn cao hơn.
Khâu cuối cùng là công bố công khai kết quả của học viên bao gồm danh sách học viên chính thức; Danh sách đề nghị thành phố chuyển sang quận, huyện khác (nếu có)…
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội thì việc lựa chọn và niêm yết kết quả công khai sẽ giúp cho xã hội và chính các học viên giám sát lẫn nhau. Nếu có tiêu cực thì dễ dàng được phát hiện để có biện pháp xử lý.
Mở cơ chế nhưng vẫn… lo
Theo đề án của UBND thành phố Hà Nội thì có rất nhiều quyền lợi cho học viên các lớp nguồn.
Cụ thể, trong thời gian học tập trung được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí theo chế độ đặc thù của thành phố: hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo (kinh phí học tập, tài liệu); Được hỗ trợ tiền ăn theo quy định, trợ cấp kinh phí hàng tháng bằng 2,0 lần lương tối thiểu; Học viên ở xa được bố trí chỗ ở tại ký túc xá của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong;
Sau khi kết thúc khóa đào tạo, được tham dự kỳ thi tốt nghiệp kết hợp với thi tuyển công chức; Học viên đỗ tốt nghiệp được cấp Bằng tốt nghiệp Trung cấp Lý luận chính trị, Chứng chỉ Chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch chuyên viên; Chứng chỉ Chương trình bồi dưỡng kiến thức kỹ năng chuyên ngành; Được tuyển dụng công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn. Được hưởng 100% lương ngạch chuyên viên theo quy định kể từ ngày ký quyết định tuyển dụng.
Đối với Học viên tình nguyện làm việc tại các xã không có người đăng ký được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí đi lại trong thời gian công tác 5 năm tại xã.
Trong thời gian công tác tại xã, phường, thị trấn, tùy theo năng lực và khả năng được đánh giá, xét đề cử vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý tại xã, phường, thị trấn; Sau 5 năm công tác tại cơ sở kể từ ngày có Quyết định tuyển dụng, được xét tuyển công chức hành chính bổ sung cho đội ngũ CBCC nghỉ hưu làm việc tại UBND quận, huyện, thị xã, sở, ngành Thành phố.
“Những học viên theo học lớp nguồn sẽ phải trải qua một thời gian dài thử thách trước khi được xem xét bổ nhiệm thành cán bộ chủ chốt. Chính vì thế đây phải là những người có nhiệt huyết và quyết tâm. Chúng tôi cũng đang làm việc với Sở Tài chính để nghiên cứu chính sách nhằm hỗ trợ thêm bởi nếu không thỏa đáng rất khó để thành công”, ông Trần Huy Sáng bày tỏ.
Nhằm để đảm bảo nguồn ngân sách (dự kiến khoảng hơn 77 tỷ đồng) không bị thất thoát UBND Thành phố Hà Nội đã đưa ra những quy định ràng buộc như học viên phải thực hiện nghĩa vụ học tập rèn luyện theo nội quy của cơ sở đào tạo và các nghĩa vụ khác của học viên theo quy định; Sau khi tốt nghiệp chấp hành sự phân công công tác của tổ chức về xã, phường, thị trấn công tác ít nhất 5 năm, kể từ ngày có Quyết định tuyển dụng; Bồi hoàn toàn bộ kinh phí đào tạo và kinh phí hỗ trợ khác nếu tự ý bỏ học, không tốt nghiệp khóa đào tạo hoặc không thực hiện đúng cam kết…Đây cũng là cách Hà Nội “trói chân” học viên.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội thì đây là năm đầu tiên thí điểm nên chắc chắn vận chưa để vận hành một cách “trơn tru”. Những bộc lộ, yếu kém nếu có sẽ được điều chỉnh kịp thời để đảm bảo tính khách quan, trung thực và cái đích hướng đến là đào tạo ra những công chức nguồn có trình độ cao và giàu nhiệt huyết.
Đội ngũ công chức cấp xã còn nhiều bất cập Theo đánh giá của UBND Thành phố Hà Nội thì hiện còn một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức cấp xã có biểu hiện sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ tổ chức và công dân; Cá biệt một số công chức cấp xã còn có biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền khi giải quyết công việc, gây khó khăn cho tổ chức và công dân. Một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã còn biểu hiện ngại va chạm, né tránh những vụ việc phức tạp, khó khăn; vẫn còn hiện tượng nể nang trong giải quyết công việc khiến hiệu quả công việc không cao. Số lượng công chức cấp xã vẫn còn thiếu so với định biên được giao, nhất là công chức làm công tác Địa chính - Xây dựng và công chức ở bộ phận một cửa. Nguồn cán bộ kế cận cho các chức danh cán bộ cấp xã còn hạn chế, chất lượng đội ngũ cán bộ chưa cao, số cán bộ có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo vẫn còn nhiều (chiếm 36,57%). Một số cán bộ, công chức cấp xã còn có biểu hiện ngại học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, trình độ tin học. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn, tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, dẫn đến việc thiếu tính chủ động, sáng tạo và thiếu tinh thần hợp tác, phối hợp trong công việc, nên hiệu quả công tác chưa cao. Một số cán bộ, công chức cấp xã còn chưa nhận thức đúng về quyền và trách nhiệm của mình; không nắm vững các quy định của pháp luật trong một số lĩnh vực quản lý kinh tế, trật tự xây dựng, quản lý đất đai; Kỹ năng soạn thảo văn bản quản lý của công chức cấp xã còn nặng tính chủ quan, tùy tiện, cảm tính, chưa đúng với quy định của pháp luật, dẫn đến sai phạm gây bức xúc cho tổ chức và công dân. Công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, công chức địa chính - xây dựng, công chức tư pháp - hộ tịch ở một số xã, phường, thị trấn còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. |
Theo Nguyễn Hùng - Quang Phong
Dân trí