> Bài giải môn Toán, Lịnh sử, Sinh học, Ngữ văn
“Kẻ cơ hội” khó đạt được thành tựu
Ở đề Văn khối C năm nay, nhiều thí sinh rất thích câu 2, câu nghị luận xã hội: “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu”.
Thí sinh Nguyễn Thị Thuỵ Mai, thi vào ngành Sư phạm Địa Lý ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: Để làm được câu này, thí sinh phải lý giải được thế nào là kẻ cơ hội, người chân chính. Sự khác nhau giữa thành tích và thành tựu.
Theo ý kiến của Mai: Hiện nay suy thoái đạo đức của những kẻ cơ hội đang là vấn nạn cần được giải quyết. Kẻ cơ hội sống chỉ nghĩ cho bản thân, ích kỷ, hẹp hòi và luôn tìm cách để vụ lợi cho bản thân. Còn người chân chính là những người sống thực, làm những việc vì cộng đồng, tất nhiên là cũng phải vì bản thân mình nhưng không phải ôm hết lợi ích vào bản thân mình.
Thí sinh Hoàng Thành (dự thi ĐH Sư phạm Đà Nẵng) cho hay: đề văn ấn tượng nhất ở câu 2 phần tự luận, viết 1 bài văn ngắn trình bay suy nghĩ về “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu”.
“Đề bài hay, giàu tính xã hội, nếu khả năng liên tưởng và vận dụng tốt các tư liệu từ thực tiễn đời sống hiện nay thì thí sinh làm bài rất thoải mái. Em rất tâm đắc với phần làm bài thi ở câu này. Có rất nhiều cách, dẫn chứng để mình liên hệ từ “kẻ cơ hội” để làm nổi bật” về giá trị của người “chân chính” trong bối cánh hiện nay” - thí sinh Thành nhấn mạnh.
Nguyễn Thị Thuỵ Mai kết luận: “Giới trẻ hiện nay không ít người đua theo thành tích tạm thời, đôi lúc thành tích đó không phải do chính bản thân mình làm nên lại. Ví dụ trong học tập nhiều bạn vì muốn có điểm số cao mà không từ các thủ đoạn như: Xem tài liệu, quay cóp…
Thành tích thì mọi người chỉ nhớ đến trong một thời gian ngắn, nhưng thành tựu còn lưu muôn đời. Vì vậy, em nghĩ bản thân những người trẻ không nên vì những thành tích trước mắt mà phải nâng cao ý thức, trách nhiệm bản thân đối với gia đình, xã hội, ra sức học tập để cùng mọi người tạo nên những thành tựu”.
Phóng viên Tiền Phong đã làm một cuộc khảo sát nhanh với các thí sinh sau buổi thi về vấn đề: Kẻ cơ hội có làm nên thành tựu hay không thì gần như 100% các thí sinh được hỏi cho rằng “kẻ cơ hội” khó đạt được thành tựu.
Thạc sĩ Triệu Thị Huệ - Tổ trưởng bộ môn Văn, THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM cho biết: So với năm ngoái, đề thi năm nay có phần thú vị hơn, đòi hỏi HS phải chủ động, sáng tạo hơn.
Câu nghị luận xã hội ở hai đề rất thú vị và gần gũi với thí sinh, đặc biệt tạo được “không gian” khá rộng để thí sinh trình bày suy nghĩ của bản thân. Nếu đề thi khối D hướng thí sinh tới một hiện tượng nổi bật trong giới trẻ hiện nay là mê muội thần tượng thì đề khối C yêu cầu bàn luận về cách sống của “kẻ cơ hội”, “người chân chính”.
Trong khi đó, thầy Hồ Kỳ Thuận, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn cho biết: Câu nghị luận khối C không dễ làm, vì học sinh khó nhận ra được “kẻ cơ hội” là gì, những ai? Đặc biệt cũng khó phân biệt được những khái niệm như “thành tích - thành tựu” nên rất dễ bị nhầm lẫn.
Thần tượng không phải là tất cả
Trong khi đó, nhiều thí sinh thi khối D cũng khá thích thú với câu nghị luận xã hội của đề Văn: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”, anh chị hãy trình bày suy nghĩ?”.
Theo đánh giá của các thí sinh, câu nghị luận đã đề cập vấn đề rất thời sự, rất phổ biến trong xã hội hiện nay như: Việc giới trẻ chạy đua theo lối sống của ca sĩ, người mẫu, cầu thủ…
Trong thời gian vừa qua, báo chí từng phản ánh việc giới trẻ thể hiện sự ngưỡng mộ thần tượng một cách thái quá đối với các ca sĩ, người mẫu nổi tiếng trên thế giới như việc nhiều người sẵn sàng bỏ ăn, bỏ ngủ cả ngày đêm để đợi ở sân bay khi hay tin thần tượng của mình sắp đến Việt Nam. Sự ngưỡng mộ thần tượng thái quá đã trở thành hiện tượng mê muội thần tượng.
Tại Hội đồng thi THPT Trần Phú (Đà Nẵng), thí sinh dự thi các ngành khối D vào ĐH Đà Nẵng cùng chung tâm trạng thoải mái, vì đề Văn bám sát chương trình, nhiều câu hay.
Theo thí sinh Lê Thị Khánh Linh (SBD 70203, dự thi ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng): câu 2 tự luận về “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét văn hóa, nhưng mệ muội thần tượng là một thảm họa” rất phù hợp với bối cảnh hiện nay khi có nhiều trào lưu, chạy theo các thần tượng từ cách ăn mặc đến lối sống, cách thể hiện là chưa phù hợp”.
Thí sinh Nguyễn Thanh Uyên thi vào Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, đề Văn khối D không quá dài.
Câu mà nhiều thí sinh thích nhất là câu 2. Uyên nói: “Mỗi người chúng ta, đặc biệt là những người trẻ như chúng em thì ai cũng có thần tượng và xem thần tượng là tấm gương để noi theo, phấn đấu trong cuộc sống. Tuy nhiên, cần phân biệt được ranh giới của ngưỡng mộ thần tượng và mê muội thần tượng. Nhiều bạn trẻ hiện nay từ ngưỡng mộ thần tượng đã trở thành mê muội thần tượng. Và dần dần đánh mất cái riêng của bản thân mình”.
Theo thí sinh Hồ Cún Sầu, quê Bình Thuận, thi vào ngành Báo chí – Truyền thông Trường ĐH KHXNNV (ĐH Quốc gia TPHCM), ngưỡng mộ thần tượng là điều phổ biến trong xã hội không chỉ ở giới trẻ mà tất cả các tầng lớp đều có. Một người nào đó làm được những việc mà chúng ta thích nhưng chúng ta không làm được thì chúng ta đều có thể xem họ là thần tượng.
“Tuy nhiên, nếu chúng ta học theo lối sống của thần tượng, học cách ăn mặc, đi lại, nói năng… thì lúc đó, chúng ta đã quá phụ thuộc vào thần tượng và sự ngưỡng mộ thần tượng trở thành sự mê muội. Chúng ta cứ mãi chạy theo thần tượng mà quên đi cuộc sống của chính mình, chính gia đình mình. Nhiều bạn trẻ hiện nay học đòi theo các ca sĩ nhuộm tóc xanh, đỏ, áo hở trên, quần hở dưới… trong khi bản thân gia đình thì khó khăn. Nếu cứ chạy theo thần tượng mãi, chúng ta sẽ không có điểm dừng và nó sẽ trở thành thảm họa với chúng ta, với gia đình. Bởi lúc đó, ta không còn là ta, ta không phải là của gia đình mà ta là một bản sao về hình mẫu của một người nào đó”, thí sinh Cún Sầu nói.
Bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu Hôn nhân Gia đình (TPHCM) phân tích: Mỗi người ai cũng có quyền thích một cái gì đó, cái mà họ khao khát và họ muốn tìm được ở thần tượng của mình.
Nhưng nếu sự thích đó vượt quá giới hạn hiện thực, quá sự kiểm soát thì sẽ trở thành mê muội hay nói khác hơn là cuồng trí. Cũng theo bà Hà, hiện nay, giới trẻ chưa định hình được “ngưỡng mộ thần tượng” đem lại giá trị gì cho mình, chưa biết thích thần tượng vì cái gì?
Thần tượng không phải là tất cả. Người ta hát hay, đá bóng giỏi… đó chỉ là tài năng thôi. Tài năng chỉ là một mặt, không phải là tất cả. Trong cuộc sống, các bạn còn nhiều cái khác như việc học hành, bạn bè, gia đình…
140 thí sinh vi phạm quy chế thi Trong buổi thi thứ nhất, 65 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách 3, đình chỉ thi 59 và không được dự thi do đến muộn 3); có 1 cán bộ bị xử lý kỷ luật đình chỉ làm công tác thi. Trong buổi thi thứ hai, số thí sinh vi phạm quy chế cao hơn, với 75 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách 4, cảnh cáo 2, đình chỉ thi 65, không được dự thi do đến muộn 4) và có 2 cán bộ coi thi bị khiển trách. |
Đề thi khối D đề cập đến một vấn đề phù hợp với tuổi học trò, mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại và gần gũi với học trò nhưng gọi là thảm họa thì chưa chính xác. Đó là ý kiến của cô Cao Thị Thúy Hòa, giáo viên Văn THPT Lô-mô-lô-xốp (Hà Nội). Theo cô Thúy Hòa, khi nói đến thảm họa người ta thường nghĩ đến những thứ như sóng thần, động đất, những thứ không thể chống chọi được, có tác hại khủng khiếp và gây tổn hại đến mức độ cao nhất. Sự mê muội thần tượng của tuổi học trò cần được chia sẻ, cảm thông và hướng dẫn lớp trẻ đi đúng hướng chứ không phải cứ mê muội là thảm họa. Nói về đề thi khối C, cô Hòa cũng nhận xét: Với đề thi này, thí sinh sẽ phải mất một lượng thời gian lúng túng mới có thể giải thích vế thứ nhất, vế thứ hai và bài học rút ra. Đề này, để làm cho tới, sâu và thuyết phục là khó đối với học sinh. Ngay cả giáo viên làm đề thi này cũng phải lập một đáp án thực sự thuyết phục, nếu không dễ hụt hẫng. Đó là điều đáp án cần lưu ý. |