> Bộ nên chuyển cho trường tổ chức thi tốt nghiệp
Học sinh sau giờ thi tốt nghiệp THPT. |
Cô Th., giáo viên sắp về hưu của một trường THPT thuộc quận Ba Đình, Hà Nội kể, hôm thi môn Sử kỳ thi năm nay, cô đã phải nhắc nhở giám thị 2 coi thi cùng phòng với cô về thái độ thiếu trách nhiệm.
Một số thí sinh ngồi gần vị trí của giám thị 2 giở tài liệu nhưng cô này vẫn lờ đi. Trong khi tịch thu tài liệu của thí sinh (nhưng không lập biên bản), cô Th. mắng thí sinh là tại sao dám coi thường cô giám thị ngồi ngay cạnh! Cô Th. còn dọa, nếu bắt thêm được trường hợp nào giở tài liệu thì sẽ lập biên bản.
Lúc sau, giám thị 2 lên gần cô Th. nói nhỏ: “Thi tốt nghiệp thôi mà cô!". Giám thị 2 còn gọi đùa cô Th. là “sát thủ”.
Thầy Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Vạn Xuân, Hà Nội nhận xét: “Học sinh lớp 12 đều có nhận thức tốt về mặt xã hội, do đó thái độ thỏa hiệp với tiêu cực của người lớn sẽ gieo vào tâm hồn các em một ấn tượng xấu về nhà giáo. Trước những bất công, gian dối, các em sẽ có cách phản ứng riêng của mình mà việc đồng ý quay clip của em học sinh ở Đồi Ngô là một ví dụ”.
Bình luận về kỳ thi tốt nghiệp năm nay, GS Văn Như Cương cho rằng, nếu ai đó tin được tỉ lệ đỗ 99 - 100% là thực chất trong bối cảnh giáo dục bây giờ thì đó là điều đáng ngạc nhiên.
“Tôi nói điều ấy không phải vì cả nước vừa qua một cơn chấn động Đồi Ngô mà qua thực tế của người trực tiếp làm công tác giảng dạy. Trường tôi là trường duy nhất của Hà Nội đỗ 100% ngay năm đầu tiên thực hiện “hai không” nhưng tôi xin nói thẳng, nếu tôi được quyền tự tổ chức thi tốt nghiệp cho học sinh trường tôi, thể nào cũng có ít nhất vài ba em bị đánh trượt”, GS Cương nói.
Còn PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam bày tỏ sự ái ngại đối với hệ thống giáo dục phổ thông trong nước.
Theo GS Nhĩ, đành rằng không nên xem mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp là đánh trượt thí sinh, nhưng cần xem đây là kỳ thi nhằm đánh giá hiệu quả giáo dục.
GS Nhĩ nói: “Đỗ 99- 100% trong tình hình dạy dỗ của các nhà trường hiện nay thì tổ chức thi rình rang làm gì cho tốn kém tiền của của nhà nước, của xã hội?”.
Theo tính toán của một chuyên viên Sở GD&ĐT Hà Nội, chi phí chính thức cho một thí sinh trong kỳ thi này là 195.000 đồng mà hầu hết lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa kể Hà Nội còn hỗ trợ gần 2 tỷ đồng tiền ăn trưa cho cán bộ, giáo viên làm thi và bồi dưỡng thanh tra.
Như vậy, mỗi năm cả nước có gần 1 triệu em đi thi, thì nhà nước tiêu tốn khoảng 195 tỷ đồng.
PGS Nhĩ, GS Cương cũng như nhiều nhà giáo khác đều cho rằng, đã đến lúc Bộ GD&ĐT nên xem lại cách thức tổ chức thi tốt nghiệp.
Thầy Đặng Đình Đại góp ý: “Bộ không nên coi đây là kỳ thi quốc gia nữa mà nên giao về cho các tỉnh, các tỉnh sẽ giao cho các trường. Nên xem nó giống như một kỳ kiểm tra cuối năm, trường tự tổ chức thi, tự coi, tự chấm, nhưng sử dụng đề thi của Sở. Ngày thi cũng không thi đồng loạt trên cả nước mà do từng tỉnh quy định”.