Bên cạnh đó, việc “bán” chỉ tiêu của trường này cho trường khác, liên kết tuyển sinh, đào tạo giữa các trường diễn ra tràn lan, bát nháo…
Cơ sở 3 của trường Trung cấp Đông Dương, nơi dạy sinh viên học 2 ngành không phép. Ảnh: Q.P. |
Tiền trảm, hậu tấu
Sau khi đối chiếu ngành nghề mà các trường TCCN thông báo tuyển sinh với ngành nghề trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp năm 2012 (TSTCCN 2012) do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, chúng tôi thấy hàng loạt ngành không có trong cuốn cẩm nang này vẫn được các trường thông báo tuyển sinh.
Theo cuốn TSTCCN 2012 thì Trường Trung cấp Tây Bắc chỉ có 5 ngành gồm: Điều dưỡng, Dược sĩ, Công nghệ thông tin, Kế toán và Du lịch. Tuy nhiên, ở thông báo số 1269/TB-TB ngày 12-2-2012 của trường về việc xét tuyển hệ chính quy năm 2012 thì đơn vị này xét tuyển 6 ngành (thêm ngành Marketing).
Chưa hết, trên trang web của trường, số ngành nghề mà trường thông báo xét tuyển lên đến 9 ngành, thêm ngành Y sĩ, Hộ sinh.
Tương tự, Trường trung cấp Âu Việt, dù trong cuốn TSTCCN 2012 không có ngành Quản trị kinh doanh nhưng trong các tờ rơi và trên web site của trường vẫn thông báo xét tuyển ngành này với 100 chỉ tiêu và nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 10-4 đến ngày 20-10-2012.
Cá biệt, Trường trung cấp Quang Trung, dù thông báo tuyển sinh từ năm 2011 nhưng đến nay, nhiều ngành của trường vẫn chưa có phép đào tạo.
ThS. Nguyễn Đình Quang, hiệu trưởng trường này thừa nhận với các ngành Kế toán, Xây dựng, Du lịch, trường thông báo tuyển sinh từ năm 2011 nhưng đến nay trường mới đang làm hồ sơ xin cấp phép đào tạo.
Một ngành khác, liên quan việc bảo vệ sức khỏe con người là ngành Y, dù đã thông báo tuyển sinh từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn là thông báo tuyển sinh “chui”.
tìm hiểu của chúng tôi, hàng loạt trường trung cấp khác như Trung cấp Đại Việt, Hồng Hà… vẫn đang tuyển sinh nhiều ngành chưa được cấp phép đào tạo.
Nhắm mắt làm liều
Đại diện các trường trung cấp cho biết, lý do thông báo tuyển sinh cả ngành chưa có phép là chờ giấy phép quá lâu và đợi đến lúc có giấy phép cũng chưa chắc tuyển sinh được nên đành nhắm mắt làm liều.
Hiệu trưởng một trường trung cấp có trụ sở tại quận Bình Tân cho rằng, đề án mở một ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe đã được trường ông chuyển cho Sở Giáo dục, Sở Y tế gần một năm nay nhưng chỉ mới nhận được văn bản đồng ý chủ trương, còn việc thẩm định và cấp giấy phép đào tạo thì không biết đến lúc nào mới có.
“Để được cấp phép một ngành nào đó, chúng tôi phải có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên…
Trong quá trình chờ cấp phép đào tạo thì chúng tôi vẫn phải trả lương cho đội ngũ giảng viên, tiền thuê mặt bằng… Nếu đợi đến lúc có phép rồi mới thông báo tuyển thì lấy đâu ra học sinh để đào tạo” - vị hiệu trưởng này nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vấn đề liên kết đào tạo tại các trường trung cấp khá bát nháo! Các trường trung cấp chia sẻ chỉ tiêu tuyển sinh cho nhau, hoặc tuyển sinh giúp trường bạn.
Trường Trung cấp Đông Dương (TPHCM) thông báo tuyển sinh 9 ngành nhưng có 2 ngành: Sư phạm mầm non và Sư phạm tiểu học lại tuyển sinh “giúp” cho trường Trung cấp Kinh tế công nghệ Đông Nam ở Bình Dương.
Liên lạc qua điện thoại, chúng tôi được nhân viên tư vấn của Trường TC Đông Dương cho hay: Hai ngành Sư phạm mầm non và Sư phạm tiểu học tuyển sinh cho trường Trung cấp Kinh tế công nghệ Đông Nam và địa điểm học tại cơ sở 3 của trường Trung cấp Đông Dương tại Q.10 (TPHCM). Nhân viên này còn cho biết trường Trung cấp Kinh tế công nghệ Đông Nam sẽ cấp bằng tốt nghiệp.
Hiệu trưởng của một trường trung cấp tại Thủ Đức xác nhận việc “bán” chỉ tiêu cho nhau giữa các trường trung cấp là có thật thông qua nhiều cách.
Trước thực tế các trường trung cấp tại TPHCM tuyển sinh không phép nhiều ngành học, ngày 15-5, ông Lâm Văn Quản, trưởng phòng GDCN Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, do ông mới chuyển công tác về phòng nên chưa nắm hết tình hình.
Với những phản ánh của báo chí về việc các trường đang thông báo tuyển sinh các ngành không phép, Sở GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm.