> ‘Xin lỗi, em chỉ là… phụ huynh!’
Phụ huynh đạp đổ cổng trường Thực Nghiệm xin học cho con vào lớp 1. |
Đồng cảm với phụ huynh
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 14-5, cô Tú cho biết, theo dõi vụ việc phụ huynh xô đẩy, đạp đổ cổng trường Thực Nghiệm (Ba Đình, Hà Nội) để mua đơn cho con qua báo chí.
“Năm nào phụ huynh mua hồ sơ cũng đông, nhưng năm nay mới có cảnh tượng như vậy. Mọi năm, phụ huynh xếp hàng trật tự. Không biết có phải phụ huynh năm nay quá quý mến trường không?” - Cô Tú nói.
Mỗi năm, trường này có hơn 100 chỉ tiêu vào lớp một, trong khi hàng nghìn phụ huynh có nguyện vọng. Vì thế, trường không thể đáp ứng hết, vì cơ sở vật chất, giáo viên chỉ có vậy.
“Sẽ phải có cách thức tuyển sinh nào đó phù hợp trong thời gian tới” - Cô Tú cũng băn khoăn.
Việc đạp đổ cổng trường để ghi tên cho con học trường Thực Nghiệm có thể vì kì vọng của phụ huynh muốn con thành thiên tài như Giáo sư Ngô Bảo Châu (người từng học ở đây).
“Tôi không mong các bạn học sinh thành Ngô Bảo Châu, mà chỉ mong muốn học sinh của mình phát triển đúng bản thân, đam mê và thích thú với các môn học” - cô Tú chia sẻ.
Vì sao trường Thực Nghiệm hot?
Cô Tú cho hay, trường THCS Thực Nghiệm tôn trọng cá tính của học sinh ngay từ đầu vào lớp 1. Học sinh được khẳng định cái tôi, ngay cả trong cách xưng hô cô xưng em chứ không gọi cô xưng con như những trường tiểu học khác.
Ngoài ra, theo cô giáo này, Thực Nghiệm khác trường khác ở việc đánh giá học sinh. Nhiều môn học như Thể dục, Nhạc, Họa, tự nhiên xã hội, chỉ cần đánh giá của giáo viên mà không chấm điểm.
“Việc này cũng giúp các cháu tránh áp lực, không bị nặng nề về điểm. Ở đây không có chuyện học sinh không đạt yêu cầu. Học sinh không nhất thiết phải đạt điểm 9, 10. Như vậy, học sinh rất thích đến trường” - Cô Tú nói.
Tôi không mong các bạn học sinh đều thành Ngô Bảo Châu, mà chỉ mong muốn học sinh của mình phát triển đúng với bản thân, đam mê và thích thú với các môn học |
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể chọn cho con học chương trình đại trà theo quy định của Bộ GD&ĐT, hoặc chương trình thực nghiệm của trung tâm công nghệ giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục).
“Hai đối tượng học sinh sẽ được nhận phương pháp giáo dục như nhau” - cô Tú cho biết.
Còn với cô Trần Tuyết Lan - giáo viên gắn bó với trường THCS Thực Nghiệm 35 năm, cho biết, sức hút với học sinh và phụ huynh là bởi chính môi trường giáo dục. Các em đến trường không chán học, mỗi năm sẽ được thay đổi một giáo viên.
Ngoài ra, cô Lan cho hay, phụ huynh không cần đưa con đi học thêm, ngày 20-11 không cần quà và phong bì, "con anh cũng như con nhà tôi".
“Thầy và trò là những người bạn" - cô Lan chia sẻ.
Phụ huynh nói gì?
Trong hai ngày cuối tuần 12 và 13-5, rất đông phụ huynh đã đạp đổ cổng trường, đội mưa, xếp hàng từ tối hôm trước để đăng ký cho con vào lớp 1.
Theo nhiều phụ huynh thức trắng đêm để mua hồ sơ, trong năm học 2012 - 2013 , trường tuyển 140 em, số lượng hồ sơ bán ra gấp đôi.
Anh Thanh Tùng (Hoàng Mai, Hà Nội) - người đội mưa từ tối hôm trước, xếp hàng mua đơn cho con - chia sẻ: Theo tôi tìm hiểu, lớp học không quá 42 học sinh, không có bài tập về nhà, các cháu không sợ lớp, trường, không áp lực về bài vở, điểm thi...
Mặt khác, theo tìm hiểu của anh Tùng, ở trường Thực Nghiệm, con anh được học tiếng Anh ngay từ khi học lớp hai (môn học chính).
Chị Thanh Xuân (ở Trương Định, Hà Nội) nói, muốn con học ở Trường THCS Thực Nghiệm vì các cháu không phải học thêm, không bị áp lực về bài vở, được học phương pháp sư phạm rất nhân văn.
“Nhiều con của bạn tôi học ở trường này, về bảo cháu thích đi học, rất hóm hỉnh, tư duy tốt, khác xa với sự thụ động học hành của con trai mình”- chị Xuân chia sẻ.
“Phụ huynh có thể cho con học chương trình đại trà quy định của Bộ GD&Đ) hoặc chương trình thực nghiệm. Hai môi trường này đều rất tốt, học sinh không chạy theo thành tích. Các môn học sinh động, học sinh thoải mái phát triển theo đúng của mình, không bị nhồi nhét" - anh Tuân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ quan điểm sau khi tìm hiểu trường.
Nhiều phụ huynh có con học trường Thực Nghiệm cũng cho hay, cô giáo có cách hành xử với học sinh văn hóa, gây thiện cảm với số đông bố mẹ.