Thực hư chuyện SV Ngoại thương canh nhà vệ sinh tại Singapore

Thực hư chuyện SV Ngoại thương canh nhà vệ sinh tại Singapore
TP - Ngay sau khi có thông tin về một số sinh viên xuất sắc của ĐH Ngoại thương HN phải canh nhà vệ sinh, đẩy xe lăn, giúp khách cởi quần đi vệ sinh... ở Singapore, phóng viên báo Tiền Phong đã trao đổi với ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương về sự việc.

Ông giải thích sao về thông tin sinh viên trường ĐH Ngoại thương đang phải lao động ở Singapore?

Đó là chương trình thực tập-làm việc tại Singapore giúp sinh viên (SV) có dịp hiểu biết thực tế như cán bộ nhân viên thực thụ. ĐH Ngoại thương đã ký với công ty Interisland, một công ty cung cấp nguồn nhân lực của Singapore, hợp đồng đưa sinh viên sang để làm việc như đã nói trên.

Thực chất Chính phủ Singapore chỉ chấp nhận 3 trường được thực hiện chương trình này là ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa và ĐH RMIT. SV các trường ĐH khác muốn đi cũng không được.

Vậy công việc họ phải làm và quyền lợi được hưởng theo ký kết là gì?

Các em sẽ tham gia phục vụ tại sân bay và bán hàng ở công ty thời trang chuyên về các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng. Phía bạn trả tiền vé đi, về; trả lương không dưới 450 đô la/tháng, thêm 50 đô la phụ cấp ăn uống và 70 đô la tiền đi lại. Ngoài ra, SV của ta được cấp nơi ở, được hưởng bảo hiểm.

Ông giải thích thế nào trước sự kêu ca, phàn nàn của SV về điều kiện sống và làm việc và những việc không thích hợp mà các SV xuất sắc phải làm?

Đó là những thông tin SV chat với nhau trên facebook hoặc blog. Rất tiếc, có vài ba điểm SV phàn nàn đã được chọn đưa lên mà không phản ánh thông tin một cách toàn diện để người đọc có cái nhìn đầy đủ hơn.

Trên facebook, có SV kể là phải đẩy xe đẩy (push WC) nhưng, rất tiếc, từ WC ở đây là viết tắt của từ wheel chair (xe đẩy) thì đã được hiểu lầm là toa lét nên mới có bài báo giật tít SV ĐH Ngoại thương phải canh nhà vệ sinh.

Trên thực tế, có những SV phải làm ca kíp hoặc làm công việc nặng nhọc; một số SV ngoại ngữ không tốt cho nên người ta nói một đằng lại nghe thành một nẻo. Cũng có công ty trả chậm khoản 50 đô la cho các em. Hay như, việc SV phản ánh nồi niêu xoong chảo không hợp vệ sinh, ineternet chậm cũng là do những điều khoản này không có trong thỏa thuận và sinh viên biết điều đó.

Ở nước ngoài, internet không được miễn phí như nhiều nơi ở ta và phải trả rất đắt; ở đây, phía bạn cấp internet đã là một điều tốt, vì, đáng ra người lao động phải tự lo. Trường hợp giúp khách cởi quần đi vệ sinh cũng có thể có nhưng đã phục vụ ở sân bay thì khách hàng có thể là người tàn tật, khi đưa lên máy bay nếu người ta cần đi vệ sinh mà nhân viên sân bay giúp đỡ là việc bình thường và, tôi nghĩ, chỉ có một trường hợp.

Theo tôi, vài sinh viên thuộc diện cậu ấm, cô chiêu, ở nhà được chơi, không phải lo lắng trong cuộc sống, nay phải làm việc theo ca theo kíp, hoặc công việc nặng nhọc, là không chịu được áp lực. Cũng có người cho rằng mình là SV Ngoại thương, điểm đầu vào cao chót vót, thấy mình giỏi giang mà phải đứng bán hàng hay phục vụ ở sân bay là không xứng đáng chăng?

Một điểm nữa là việc học theo tín chỉ mà các trường ĐH ở VN áp dụng đang biến nhiều SV thành những người lười nhác và thụ động vì SV lên lớp không nhiều, thời gian tự học nhiều hơn nhưng về nhà lại không chịu học. Học tín chỉ không sinh hoạt theo lớp khiến đơn vị lớp bị phá vỡ, ảnh hưởng các hoạt động khác như Đoàn, Hội SV cũng làm mất đi sự năng động, tính liên kết cộng đồng và khiến SV lười hơn.

Chương trình học theo tín chỉ mà Bộ GD&ĐT đang có kế hoạch phổ rộng ở VN cũng có lỗi sao?

Tín chỉ không có lỗi, chủ trương cũng không có lỗi. Hình thức này có thể tốt ở Mỹ nhưng không thích hợp ở VN vì SV mình không có ý thức tự học, sinh ra lười nhác và khi bị áp vào kỷ luật thì không chịu được áp lực.

Sắp tới chúng tôi sẽ siết chặt kỷ luật và điều chỉnh theo hướng: kiểm tra giờ lên lớp của sinh viên, tăng cường bài liểm tra, tự học ở nhà cũng chấm điểm, duy trì đơn vị lớp học chứ không để SV đăng ký học tự do như hiện nay.

SV phải có bạn bè, có cộng đồng để khi ra đời không ảnh hưởng tinh thần làm việc theo nhóm vốn là thứ các nước rất đề cao. Và điều cơ bản là làm như vậy, SV sẽ chăm chỉ hơn, năng động hơn để chịu được áp lực công việc trong thực tế.

Sinh viên có được biết về các điều kiện được hưởng và công việc phải làm trước khi sang nước bạn không?

Chúng tôi bắt đầu ký kết chương trình từ tháng 11-2011 và tháng 4-2011 đã tổ chức hội thảo có thuyết trình 2-3 buổi, giới thiệu đầy đủ cho sinh viên. Tháng 12-2011, phỏng vấn sinh viên và tháng 2-2012 số SV đầu tiên được đưa sang thực hiện chương trình.

Có phải chỉ sinh viên xuất sắc mới được tham gia chương trình?

Không phải vậy. Đó là những người tình nguyện thực tập và làm việc hoàn toàn.

Có ý kiến cho rằng đứng bán hàng và phục vụ ở sân bay thì không có gì liên quan đến ngoại thương?

Rất liên quan và sắp tới chúng tôi tiếp tục đưa sinh viên sang, tất nhiên, chúng tôi sẽ tìm đến những công ty có điều kiện tốt hơn. Nhưng SATS, công ty phục vụ hàng không ở sân bay Singapore, theo tôi là một công ty tốt. Đợt 1 chỉ có khoảng 50 SV đi. Chuẩn bị cho đợt 2, đã có khoảng 200 SV đăng ký và chúng tôi phải tuyển chọn SV mới được tham gia.

Vậy là có nhiều SV tiếp tục muốn được chịu cảnh… mang con bỏ chợ như có ý kiến đã nêu?

Đích thân tôi đã sang tận nơi, để xem công ty mình hợp tác có tồn tại không; đến thăm mấy công ty nơi SV làm việc, thăm nơi ở của SV. Sau khi SV sang được 1 tuần, tôi còn sang thăm lại và đến chỗ SV đang bán hàng thời trang cao cấp để quan sát. Không thể nói là mang con bỏ chợ được.

Cám ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.