Các chi nhánh của SITC tiếp tục... mất tích

Các chi nhánh của SITC tiếp tục... mất tích
TP - Cũng như các cơ sở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chi nhánh SITC tại Hải Phòng, Vũng Tàu, Đà Nẵng cũng đột ngột “biến mất” không một lời giải thích.

Tại cổng Trung tâm SITC Vũng Tàu số 242 Bacu (TP Vũng Tàu), nhiều phụ huynh và học viên tiếp tục tới để được trả lời về việc học, nhưng cửa trung tâm vẫn đóng im ỉm.

Một mảnh giấy thông báo “Trường tạm ngưng hoạt động chờ giải quyết’’. Theo tường trình của  nhân viên SITC TP Vũng Tàu, sau khi SITC TPHCM ngưng hoạt động họ đã cố gắng liên hệ với Ban điều hành SITC, nhưng không có sự phản hồi. Ban điều hành và BQL đã về nước.

Ngày 7/2, phóng viên Tiền phong liên hệ được với ông Vũ Văn Thân - Phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD BR - VT). Ông Thân cho biết cơ quan quản lý giáo dục đã báo cáo và tiến hành thanh tra cơ sở Anh ngữ  SITC từ trước Tết.

Theo biên bản thanh tra, SITC Vũng Tàu có 26 giáo viên, trong đó 3 người là giáo viên nước ngoài. UBND tỉnh BR - VT  đã có chỉ đạo cơ quan chức năng có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự và quyền lợi của nhân viên cũng như học viên SITC Vũng Tàu.

Ngày 8/2, UBND tỉnh BR-VT sẽ có cuộc họp với các cơ quan chức năng về việc này.

Theo xác minh, Trung tâm Anh ngữ SITC TP Vũng Tàu có trên 1.000 học viên, học viên đóng học phí một khóa học từ 150 - 215 USD/ khóa.

Có rất nhiều học viên mới đóng học phí tháng 12/2005 và được hẹn sau Tết sẽ học. Tính toán sơ bộ cho thấy SITC TP Vũng Tàu nợ tiền học phí tới hàng tỷ đồng. 

Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng từng khuyến cáo về SITC

Hàng ngàn học viên của Trung tâm Anh ngữ SITC Đà Nẵng đang dở khóc dở cười vây lấy cánh cửa sắt im ỉm của TT tại số 7 Lê Đình Dương.

Thông tin trước đó từ bà Lê Thị Hồng Mai - Phó GĐ Trung tâm SITC Đà Nẵng - cho báo chí biết: Trung tâm ngoại ngữ SITC thành lập tại Đà Nẵng từ năm 2004, đã đào tạo xong 1.200 học viên, số học viên hiện đang đào tạo là 1.800 người.

Mỗi ngày tại trung tâm dạy liên tục hàng chục suất, mỗi suất từ 1,5 - 2 tiếng. Học phí từ 165 - 240 USD/người/năm.

Năm 2005, Trung tâm này đã thu về 189.000 USD. Tổng cộng nhân viên và giáo viên của SITC tại Đà Nẵng có 42 người, hầu hết đang còn bị nợ 2 tháng lương, người ít thì 3 - 4 triệu, nhiều thì hàng chục triệu đồng.

Các học viên cũng đã đóng học phí cả khóa, nhưng chưa học được bao lâu... Sáng 7/2, PV liên lạc qua điện thoại với bà Mai. Bà cho biết: “Giám đốc Trung tâm tại Đà Nẵng là ông Sebetian (người Singapore) về nước nghỉ Tết, đến giờ vẫn chưa thấy qua. Còn mọi chuyện liên quan đến SITC hiện tại tôi  không có quyền phát ngôn”.

Giám đốc Sở GD & ĐT Huỳnh Văn Hoa khi nghe PV hỏi đến SITC đã không giấu được bức xúc: “Chính Sở GD&ĐT Đà Nẵng là nơi đầu tiên của cả nước khuyến cáo về dấu hiệu lừa đảo của loại trung tâm này, có văn bản gửi Bộ GD-ĐT. Chúng tôi không đồng ý cấp phép cho SITC hoạt động tại Đà Nẵng, bản thân tôi cũng không dự lễ khai trương”.  

SITC chi nhánh Hải Phòng qua mặt Sở GD&ĐT?

Cũng như các chi nhánh khác trong toàn quốc, SITC Hải Phòng đột ngột “biến mất” không một lời giải thích. Hiện, trụ sở SITC Hải Phòng tại số 4B và 4C đường Hồ Sen (Lê Chân) đóng cửa kín mít từ nhiều ngày nay...

Theo thông tin ban đầu, SITC Hải Phòng được thành lập cuối năm 2004 theo Quyết định số 154/QĐ - UB của UBND TP Hải Phòng ký ngày 27/1/2005.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền phong, ông Phạm Xuân Ba - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Hải Phòng) cho biết, giáo dục, đào tạo là loại hình kinh doanh có điều kiện nhưng SITC Hải Phòng hoạt động “chui” đến nay vẫn chưa xin phép Sở GD&ĐT Hải Phòng.

Tháng 11/2005, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã cử đoàn thanh tra đến làm việc với chi nhánh SITC này và phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng và có dấu hiệu lừa đảo. Sở GD&ĐT Hải Phòng chưa kịp làm báo cáo lãnh đạo thành phố thì SITC đã “mất tích”.

Được biết, SITC chi nhánh Hải Phòng có nhiều hoạt động “mờ ám” ngay từ ban đầu như lập hẳn một “đường dây” với chiêu thức “lừa đảo” đi gạ, rủ rê mọi người vào học, quảng cáo với lời lẽ quá “nổ” như họ là “trường Đại học hàng đầu thế giới sánh với cả Harvard”...

Theo tài liệu SITC Hải Phòng cung cấp cho Sở GD&ĐT Hải Phòng thì Trung tâm này chỉ có 18 nhân viên, trong đó chỉ có 10 người tốt nghiệp đại học.

Điều ngạc nhiên là giám đốc cuối cùng điều hành chi nhánh SITC Hải Phòng là Hoàng Văn Thủy (SN 1977, trú tại xã An Tiến, An Lão, HP) chỉ có mấy tấm chứng chỉ tiếng Trung Quốc, tin học... ở trình độ A.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Trần Xuân Đình cho biết, ngày 6/2 có nhận được thông báo của SITC Hải Phòng. Nội dung thông báo cho biết, đến nay toàn bộ nhân viên SITC Hải Phòng vẫn chưa nhận được lương tháng Một.

Hiện 1.155 học viên đang theo học tại 61 lớp và 180 học viên mới chiêu sinh ở SITC Hải Phòng bị mất quyền lợi hàng tỷ đồng chưa biết sẽ xử lý ra sao?

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Bích Đạt:

 Rút giấy phép của SITC thì đơn giản, nhưng...

Chiều 7/2, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Bích Đạt đã trả lời PV Tiền phong về vụ SITC.

Nội dung trả lời cho thấy việc các học viên ở SITC mong đợi sẽ được hỗ trợ học phí nhằm chuyển sang các cơ sở mới để tiếp tục học là khó khả thi. Thứ trưởng Đạt nói: 

Thông tin ban đầu mà chúng tôi nhận được là SITC ở bên Singapore vẫn hoạt động bình thường còn ở Việt Nam thì họ có nói là nghỉ Tết… Sau khi được báo cáo về tình hình thực tế của SITC Việt Nam, chúng tôi đang tìm cách xử lý...

Không thể có ngay các biện pháp mà cần phải nắm toàn bộ tình hình rồi liên hệ với bên Singapore qua các kênh quan hệ để tìm cách xử lý tổng thể. Rút giấy phép của SITC VN là biện pháp đơn giản, nhưng việc này còn liên quan đến việc giải quyết một loạt các hậu quả đằng sau.

Hôm nay (8/2), Bộ KH&ĐT và Bộ GD&ĐT họp bàn tìm hướng giải quyết vụ việc, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của học viên, giáo viên, nhân viên làm việc cho SITC Việt Nam.

Riêng vấn đề chuyển các học viên sang học tiếp ở cơ sở mới, thì liệu các cơ sở mới có gánh chịu tiền học phí không? 

Võ Văn Thành ghi

MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.