Lớp học tình thương nơi cửa chùa

Lớp học tình thương nơi cửa chùa
TP - Ngôi chùa mang tên Hương Lan nằm khuất trong thôn Đông Kị (Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội). Du khách có dịp viếng thăm chùa sẽ không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp yên tĩnh nơi đây mà còn thấy được những việc làm đầy nghĩa tình của nhà sư Thích Đàm Tiền.

Năm 1994, nhà sư Thích Đàm Tiền có duyên đến với ngôi chùa Hương Lan hay còn gọi là chùa Đồi - Đông Cựu.

Lúc bấy giờ, ngôi chùa hoang sơ với nhà thờ 3 gian ọp ẹp, tường đá, bãi cỏ mọc um tùm, xung quanh chùa là bãi thả trâu.

Sư Thích Đàm Tiền đã quyết định gắn bó cả đời với ngôi chùa đơn sơ này để làm những việc phúc đức cho chúng sinh. Một mình ông trông nom hương khói cho chùa.

Có những hôm trời mưa bão, ngôi chùa có nguy cơ đổ sập, tự tay sư đã phải gia cố cho ngôi chùa, đắp bao cát cho nước khỏi tràn vào chùa… Thấy ngôi chùa không thể chống đỡ được mùa mưa bão tới, ông đã đi vận động những tăng ni, phật tử khắp nơi cùng chung tay sửa lại ngôi chùa.

Thế rồi, từ tình thương đối với những đứa trẻ không có điều kiện để đi học nên nhà sư Thích Đàm Tiền đã ấp ủ mở một lớp học cho những đứa trẻ đó. Những em nhỏ không có điều kiện đến trường trong xã Đông Sơn này rất nhiều.

Hầu hết các em sinh ra trong gia đình nghèo, bố mẹ không có khả năng cho con đi học. Bên cạnh đó là các em nhỏ bị khuyết tật như câm, bệnh đao… Gia đình các em coi các em như một gánh nặng và không tin vào khả năng hoà nhập cuộc sống của các em.

Cô giáo Lê Thị Hòa, là giáo viên kiêm tổng phụ trách trường tiểu học Đông Sơn (Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội), vốn là một phật tử hay lui tới chùa. Cô giáo Hòa và sư Thích Đàm Tiền đều có những băn khoăn về những đứa trẻ không được đến trường trong xã.

Nhà sư đã bàn với cô giáo Hòa tìm cách giúp cho những đứa trẻ không may mắn đó đều được biết chữ. Tâm nguyện của ông và cô giáo đã được nhiều người dân trong vùng và chính quyền ủng hộ. Sư Thích Đàm Tiền sửa sang lại gian nhà tiếp khách của chùa thành lớp học, đến từng ngôi trường trong xã để xin những chiếc bàn ghế cũ, bảng...

Khi đã có cơ sở vật chất, nhà sư và cô giáo Hoà khai giảng cho lớp học đặc biệt này. Ngày 14/10/2007, lớp học mang tên “tình thương” ra đời trong ngôi chùa Hương Lan với 8 em khuyết tật tuổi từ 7 đến 15. Cô Hòa đi vận động các thầy, cô trong trường bớt chút thời gian để kèm các em.

Chỉ trong vòng 1 tháng, nghe trong chùa Hương Lan có lớp học tình thương, các bậc phụ huynh đã mang con em đến nhờ nhà chùa dạy. Lớp học đã tiếp nhận thêm 32 cháu khuyết tật và những học sinh kém “ngồi nhầm” lớp. Những học sinh “ngồi nhầm” lớp chủ yếu là con em các gia đình nghèo, bố hay mẹ mất sớm hoặc có hoàn cảnh rất khó khăn.

Học sinh lớp học tình thương được các thầy cô giáo dạy dỗ chu đáo, được nhà chùa hỗ trợ sách vở và đồ dùng học tập. Vì là lớp học đặc biệt nên phương pháp dạy cũng đặc biệt. Cô giáo Lê Thị Hoà tâm sự: “Các em đều là những trẻ khuyết tật, chậm hiểu nên mình phải giảng từ từ, kiên nhẫn, thậm chí dạy kèm từng em. Có những em dạy phải kèm với dỗ cho kẹo”.

Sau một năm lớp đi vào hoạt động, các thầy cô vui mừng khi có 30 em đọc thông, viết thạo và hoà nhập với bạn bè ở trường. Hiện, lớp còn 10 em đang theo học và chuẩn bị đón thêm những học sinh khác. Lớp học đặc biệt này chỉ học vào thứ Bảy, Chủ nhật.

Những đứa trẻ không may mắn này vẫn mang trong mình một khát vọng lớn lao là được học tập dưới sự thương yêu của mọi người. “Tôi chỉ mong các cấp chính quyền cùng người dân giúp đỡ để các em có thể học tập trong một môi trường tốt nhất” - Cô giáo Hoà tâm sự.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.